Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có bốn đơn vị cấp huyện (huyện Mỹ Xuyên, thị xã Ngã Năm, thị xã Vĩnh Châu và huyện Cù Lao Dung) đạt chuẩn nông thôn mới/ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đạt 67% so với chỉ tiêu Nghị quyết (6 huyện, thị xã).
Đến năm 2025, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu huyện Trần Đề, huyện Thạnh Trị, huyện Long Phú đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Cùng với đó là đưa huyện Mỹ Xuyên, huyện Cù Lao Dung đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh xác định trước hết cần ưu tiên thực hiện sớm các công trình đã cân đối được nguồn vốn từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và các chương trình dự án khác.
Đặc biệt là đối với các công trình giao thông không có khả năng đầu tư tại thời điểm hiện tại, huyện cần kết hợp điều chỉnh phân kỳ đầu tư phù hợp trong lập quy hoạch xây dựng vùng huyện.
Ngoài ra, các địa phương cần lưu ý việc tăng cường công tác kiểm tra giám sát, đôn đốc tiến độ thi công, tiến độ triển khai dự toán, quyết liệt và chủ động xử lý, tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc phát sinh, nhất là trong giải phóng mặt bằng, thủ tục đất đai, phê duyệt dự toán chi tiết để giải ngân sớm nhất nguồn vốn được giao năm 2024.
Về công tác chăm lo phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, qua rà soát, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có hơn 1.500 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được xây dựng nhà mới, chuyển đổi ngành nghề phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Đây là nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 28 của Chính phủ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đoạn giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021-2025.
Anh Trần Phến (ngụ xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm) chia sẻ, trước đây, khi nhà nước chưa triển khai xây dựng nông thôn mới, đường sá, điện nước còn rất nhiều khó khăn. Đến nay, với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm các ấp đã có đường bê tông liên thông, đường từ trung tâm xã đến huyện, rất thuận lợi, đảm bảo an toàn giao thông.
"Gia đình tôi cũng thuộc diện khó khăn, nhưng nhờ được địa phương quan tâm hỗ trợ cho vay ưu đãi 30 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Ngã Năm, cộng với số tiền tích lũy nhiều năm qua, tôi đã xây dựng được căn nhà kiên cố khoảng 65m2, trị giá 110 triệu đồng, giúp gia đình yên tâm lao động sản xuất", anh Phến phấn khởi nói.
Tương tự, chị Thạch Thị Cẩm (ngụ xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm) cũng được hỗ trợ vay vốn 40 triệu đồng để xây dựng nhà ở.
"Gia đình tôi rất cảm ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã chăm lo cho đồng bào dân tộc Khmer, trong đó, có gia đình tôi làm được căn nhà kiên cố, hai vợ chồng yên tâm lao động sản xuất, có thêm điều kiện để lo cho các con đi học đàng hoàng", chị Cẩm bày tỏ vui mừng.
Cùng theo chị Cẩm, ngày nay đường giao thông đã được nhựa hóa, bê tông hóa, những cây cầu giao thông được xây mới, giúp cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi lại, giao thương thuận lợi, con em đi học đảm bảo an toàn giao thông, nhất là vào mùa mưa, không còn cảnh sình lầy.
Theo lãnh đạo Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Ngã Năm, thị xã có 42 khách hàng vay vốn theo Nghị định 28 với tổng dư nợ cho vay hơn hai tỷ đồng, góp phần cải thiện điều kiện sống của đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ an cư, yên tâm phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Còn tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mỹ Tú đã giải ngân 122 trường hợp, với số tiền gần 5 tỷ đồng từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 28, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu nhiệm vụ về giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận