Tỉnh Sóc Trăng là địa phương có trên 35% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều nhất là dân tộc Khmer. Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã tập trung quan tâm, chăm lo đời sống người dân, nhằm đảm bảo an sinh xã hội.
Chú trọng phát triển hạ tầng giao thông
Nhất là chú trọng việc phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, phục vụ cho người dân đi lại được an toàn, giao thương hàng hóa thuận lợi, cùng với đó là huy động các nguồn lực để xây dựng phum sóc ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã vận động xã hội hóa để thực hiện xây dựng gần 200 cây cầu, hàng chục km đường giao thông nông thôn ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng.
Qua đó, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng nông thôn ở Sóc Trăng, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Khmer nói riêng và nhân dân tỉnh Sóc Trăng nói chung đảm bảo điều kiện sinh hoạt, giao thương hàng hóa phát triển kinh tế hộ gia đình.
Tại huyện Mỹ Tú, đây là huyện vùng sâu của tỉnh Sóc Trăng, kinh tế xã hội còn thấp, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm khoảng 6% dân số (gần 1.000 hộ nghèo).
Theo ông Phạm Tuân, Bí thư Huyện ủy Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng), năm 2023 địa phương đã vận động trên 19 tỷ đồng, trong đó xây dựng 128 căn nhà, xây dựng 36 cây cầu nông thôn trị giá trên 9,5 tỷ đồng, xây dựng nhiều tuyến lộ giao thông nông thôn…
Ngoài ra trong các dịp lễ, Tết, huyện còn tiếp nhận và cấp phát trên 6.000 phần quà cho các đối tượng thuộc hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Đi trên cây cầu nông thôn Đại Đoàn Kết 3 mới khánh thành với kinh phí 250 triệu đồng, ông Triệu Sươl (ấp Tà Ân B, xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú) phấn khởi, nói: "Khi chưa có cầu, người dân đi chợ phải đi đường vòng, trẻ em đi học và vận chuyển người bệnh gặp nhiều khó khăn.
Giờ đây, bà con đồng bào dân tộc Khmer ở ấp Tà Ân B rất vui mừng, cây cầu hoàn thành con em đi học thuận lợi hơn".
Đảm bảo cuộc sống người dân
Ông Lê Thanh Chúc, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng) cho hay, năm 2023 huyện đã vận động các nguồn xã hội hóa trên 38 tỷ đồng từ nguồn mạnh thường quân trong ngoài tỉnh xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn.
"UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia đóng góp ngày công, vật tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, chung tay cùng địa phương xây dựng nông thôn mới", ông Chúc chia sẻ.
Thượng tọa Thích Định Hương, Trụ trì chùa Vĩnh Phước (xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ, hiện nay, một số vùng nông thôn còn khó khăn trong việc đi lại do nhiều kênh rạch, nên đã vận động phật tử trong và ngoài tỉnh để xây dựng cầu nông thôn.
Tính trong 5 năm qua, Thượng tọa Thích Định Hương đã liên hệ với nhà hảo tâm, phật tử gần xa, chính quyền địa phương góp kinh phí xây cầu hơn 70 cây cầu giao thông nông thôn, tổng kinh phí trên 17,5 tỷ đồng.
Không chỉ xây cầu bê tông, những năm qua Thượng tọa Thích Định Hương vận động nhà hảo tâm thi công hơn 4.000m đường giao thông nông thôn, tặng 8.000 phần quà cho hộ nghèo, xây dựng 4 nhà tình thương, hỗ trợ hàng chục cây nước sạch cho các hộ khó khăn.
Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng thông tin, tỉnh Sóc Trăng có trên 30% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, tập trung nhiều tại Thị xã Vĩnh Châu, huyện Châu Thành, huyện Long Phú và huyện Mỹ Tú.
Thời gian qua, cùng với nhiều chính sách quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, tỉnh còn quan tâm việc xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực xã hội trong xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, đảm bảo cho người dân có điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận