Sáng 3/1, trao đổi với PV Báo Giao thông, Thượng uý Trần Ngọc Trung, Phó đội trưởng phụ trách Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) thông tin, Tổ công tác đơn vị đã tiến hành lập biên bản phạt 7 triệu đồng, tước GPLX 23 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày đối với người đàn ông say xỉn đi xe máy tự xưng là Vụ trưởng Bộ GD&ĐT.
Thượng uý Trung thông tin, tối 2/1, tại ngã tư Xuân Thủy – Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy, Hà Nội), Đội CSGT số 6 đã lập chốt xử lý vi phạm giao thông theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Vào 20h30 phút cùng ngày, Tổ công tác của Đội CSGT số 6 ra tín hiệu yêu cầu dừng xe máy BKS 29Y5-8686 do ông Lu Hoàng H. (SN 1953, ở Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) điều khiển và yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Tuy nhiên, ông H. không chấp hành mà có ý định lái xe đi tiếp.
Khi CSGT kiên quyết yêu cầu phải dừng xe thì ông H. mới xuống xe. Ông H. có biểu hiện say rượu, tự nhận uống 2 cốc bia trước đó, nhưng không chấp hành đo nồng độ cồn, liên tục có những lời đe doạ sẽ "gọi cho Bộ trưởng", luôn miệng tự nhận quen nhiều người ở các bộ kể cả Bộ trưởng.
Thậm chí, ông H. còn nhận "tôi là Vụ trưởng Vụ học sinh, sinh viên ở Bộ Giáo dục và đào tạo", rồi liên tục to tiếng với lực lượng CSGT, giằng co phương tiện.
Hơn 2 tiếng sau, bất chấp lực lượng CSGT đã thuyết phục, tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, nhưng ông H. vẫn không chịu hợp tác, thậm chí đe dọa người làm chứng.
Đội CSGT số 6 đã tiến hành lập biên bản, xử phạt ông H. 7 triệu đồng và tước GPLX 23 tháng.
Tiếp đó, Tổ công tác của Đội CSGT số 6 đã kiểm tra nồng độ cồn tài xế Quách Ngọc N., kết quả lên đến 1,117 mg/ lít khí thở. Khi bị lực lượng CSGT lập biên bản, người thanh niên này cùng bạn nhậu liên tục chống đối, văng tục, chửi thề, không ký vào biên bản.
N. thú nhận với Tổ công tác do hôm nay là tổ chức tất niên nên đã quá chén, nhưng bản thân N. và bạn chưa nắm được Nghị định 100/2019/NĐ- CP nên mới vi phạm.
Trung tá Phương Công Thường, Cán bộ Đội CSGT số 6 cho biết: “Các trường hợp gây khó khăn cho lực lượng CSGT khi xử lý vi phạm sẽ cương quyết bị xử lý để đảm bảo công bằng”. Trung tá Thường khuyên đến người tham gia giao thông không nên uống rượu bia khi tham gia giao thông, hành vi này sẽ gây mất an toàn cho chính bản thân người uống và người khác.
Theo quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài ra, còn áp dụng hình phạt bổ sung tạm giữ xe 7 ngày.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2020, quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với nhiều vi phạm giao thông, đặc biệt là mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Trước đó, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt tối đa từ 16 - 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 4 - 6 tháng đối với vi phạm nồng độ cồn.
Sáng 3/1, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên của Bộ GD&ĐT cho biết, ngày 2/1, ông đi công tác, không có mặt ở Hà Nội.
Theo ông Linh, qua báo chí, ông mới biết chuyện một người đàn ông bị công an kiểm tra nồng độ cồn đã tự xưng là vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên Bộ GD&ĐT.
"Tôi bị mạo danh, đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định pháp luật", ông Linh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận