Sáng nay (6/12) tại TP Vinh, Hội ATGT Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Công bố kết quả Nghiên cứu ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có cồn đến hành vi điều khiển mô tô, xe máy tại Việt Nam”.
Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới, ở Việt Nam có khoảng 36% người điều khiển xe máy bị phát hiện có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép, gần 40% các vụ TNGT xảy ra do người điều khiển phương tiên tham gia giao thông có uống rượu bia.
Ts. Vũ Anh Tuấn - Giám đốc trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức - Trường Đại học Việt Đức công bố kết quả nghiên cứu mới nhất tại Việt Nam. Theo đó, qua quan trắc hành vi tại các nhà hàng, quán nhậu cho thấy hành vi uống rượu bia lái xe (URB-LX) rất phổ biến bất chấp các quy định luật pháp hiện hành. Tỉ lệ thực khách tự điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia chiếm tỉ lệ 68% (xe máy 62%, ô tô 6%). Khoảng 40% người đi nhậu ra về trong tình trạng bị say, trong đó có 34% người có dáng đi hơi xiêu vẹo, 5% người xiêu vẹo. Tỉ lệ vi phạm Luật GTĐB của những người này cũng rất cao, cụ thể: có 36% số người không bật xi nhan khi sang đường, 26% đi ngược chiều và 17% không bật đèn xe.
Thông qua hội thảo, các chuyên gia đã đánh giá mức độ ảnh hưởng của nồng độ cồn tới sự an toàn của người điều khiển xe máy tại Việt Nam. Đồng thời, đưa ra các số liệu phân tích, các luận chứng góp phần hỗ trợ cho quá trình xây dụng các chính sách nâng cao ATGT tại Việt Nam.
Hội thảo tập trung vào 3 mục tiêu chính: Xác định mối tương quan giữa thói quen uống bia rượu và tai nạn giao thông trong quá khứ; Xác định mối quan hệ giữa nồng độ cồn trong máu và xác suất xảy ra TNGT đối với người điều khiển mô tô, xe máy; Đề xuất các giải pháp có tính mới để cắt giảm TNGT do uống rượu bia lái xe gây ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận