Theo quy định tại Thông tư số 42/2021 của Bộ GTVT (về công tác điều tiết khống chế bảo đảm ATGT, chống va trôi và hạn chế giao thông đường thủy nội địa; có hiệu lực từ 1/3/2022), các điều kiện, tiêu chí để tổ chức điều tiết khống chế đảm bảo ATGT đường thủy được quy định cụ thể hơn và phạm vi rộng hơn so với trước.
Điều tiết giao thông thủy phục vụ thi công thanh thải chướng ngại vật trên sông Đuống
Cụ thể, các trường hợp tổ chức khống chế bảo đảm ATGT: tại các vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT tại khu vực luồng chạy tàu thuyền hạn chế; công trình vượt sông, trên luồng hoặc hành lang luồng, cảng bến thủy có ảnh hưởng đến ATGT đường thủy; khi xuất hiện tình huống đột xuất có yếu tố bất lợi cho công trình, giao thông thủy: sự cố, TNGT có nguy cơ gây ùn tắc giao thông; có vật chướng ngại trên luồng, điểm cạn gây ra cản trở giao thông; trường hợp phòng, chống thiên tai (khan cạn, bão lũ), cứu nạn, cứu hộ; hoạt động diễn tập, thể thao, lễ hội, họp chợ…
Trường hợp được điều tiết khống chế giao thông bằng trạm thường trực, mỗi trạm tối thiểu phải có tàu công suất 33-90CV, ca nô cao tốc từ 25-90CV. Tại khu vực cửa sông giáp biển, tuyến đường thủy nối với đảo, bố trí tàu có công suất đến 150CV, xuồng cao tốc công suất đến 200CV.
Đội ngũ nhân lực làm công tác chỉ huy, trực tiếp tham gia điều tiết khống chế giao thông phải đảm bảo số lượng và trình độ đào tạo theo quy định tại thông tư.
Cũng theo quy định mới, đơn vị điều tiết phải trang bị camera giám sát tại khu vực và trên phương tiện điều tiết để ghi hình liên tục, rõ nét công việc và phục vụ công tác giám sát. Hình ảnh được lưu trữ tối thiểu 1 tháng hoặc đến khi kết thúc tháng nghiệm thu công việc.
Cục Đường thủy nội địa VN hoặc cơ quan quản lý được ủy quyền chấp thuận và tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động điều tiết khống chế giao thông trên đường thủy quốc gia, Sở GTVT các địa phương thực hiện đối với đường thủy địa phương.
Điều tiết khống chế bảo đảm ATGT đường thủy là việc tổ chức cảnh báo, hướng dẫn phương tiện thủy đi lại, neo đậu trong các tình huống bất lợi nhằm bảo đảm an toàn và hạn chế ùn tắc giao thông đường thủy.
Lực lượng điều tiết có nhiệm vụ hướng dẫn phương tiện thủy đi, dừng, neo đậu theo đúng quy chế được công bố. Khống chế, ngăn chặn và xử lý các trường hợp phương tiện giao thông vi phạm quy chế, gây mất trật tự an toàn giao thông trên khu vực điều tiết;
Cứu nạn những trường hợp sự cố, tai nạn và những tình huống rủi ro khác có nguy cơ gây mất an toàn xảy ra trên khu vực điều tiết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận