Không để "đánh trống bỏ dùi"
Tan giờ làm, ông Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng (TP Hạ Long, Quảng Ninh) chưa vội về nhà mà đi thẳng xuống tuyến phố đi bộ Bài Thơ mới được khai trương ở khu phố 1.
"Vi phạm trật tự đô thị chủ yếu diễn ra vào đầu buổi sáng và cuối buổi chiều, nếu đi vào giờ hành chính thì sẽ không nắm bắt được vi phạm. Do vậy, chúng tôi thường tranh thủ hết giờ hành chính thì xuống địa bàn để kiểm tra, nhắc nhở bà con chấp hành tốt quy định", ông Tuấn nói.
Phường Bạch Đằng là trung tâm của TP Hạ Long, có nhiều tuyến đường với hệ thống chợ, trung tâm thương mại dày đặc. Có thời điểm, do công tác quản lý chưa chặt chẽ, nên còn không ít trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi đỗ xe, buôn bán kinh doanh…
Nhưng gần đây, nhờ sự quyết liệt vào cuộc của các lực lượng, trong đó có sự quyết liệt, kiên trì của các cán bộ phường, mà đến nay, các tuyến phố trên địa bàn đã cơ bản thông thoáng, không còn vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
Khi ông Tuấn xuống địa bàn, thì ông Đinh Viết Lập, tổ trưởng tổ 7, khu 1 đang kiểm tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh tại khu phố thực hiện nghiêm quy định về trật tự đô thị.
Ông Lập cho biết, trước đây, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh khá phổ biến ở khu phố. Đặc biệt, ở khu vực tiếp giáp với chợ Hạ Long 1, tuyến đường bị thắt lại do một số hộ dân lấn làm bờ tường ở trước cửa khiến cho ô tô không thể lưu thông được…
"Mới đây, tổ dân tổ đã họp bàn và thống nhất dỡ toàn bộ hệ thống tường rào trước cửa các hộ để mở ra không gian hơn 200m2 cho tuyến đường. Nếu như trước kia, khu vực này xe ô tô không thể vào được thì giờ lưu thông rất thuận tiện", ông Lập vui vẻ chia sẻ.
Cách làm của phường Bạch Đằng nói riêng và các phường khu vực trung tâm TP Hạ Long là một trong những biện pháp trọng tâm nhằm cụ thể hóa chủ trương của địa phương Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn…
Theo đó, cùng với việc tuyên truyền, vận động, ký cam kết; ra quân xử lý nghiêm các vi phạm trật tự đô thị, an toàn giao thông..., từ cán bộ chính quyền đến lực lượng chức năng TP Hạ Long thường xuyên có mặt ở các địa bàn để nhắc nhở, kiểm tra, không để vi phạm tái diễn.
Nỗ lực kéo giảm TNGT trong nội đô
Quảng Ninh hiện là địa phương có nhiều thành phố, thị xã nhất cả nước với 4 thành phố, hai thị xã.
Khu vực nội thị của thành phố, thị xã của Quảng Ninh được nâng cấp chủ yếu dựa vào các quy hoạch cách đây nhiều năm. Do vậy, nhiều tuyến phố cơ bản được giữ nguyên, khó mở rộng, trong khi mật độ dân số tăng, phương tiện tham gia giao thông gia tăng hàng ngày.
Trong khi đó, tình trạng vi phạm trật tự đô thị diễn ra khá phổ biến, nhất là các phường trung tâm ở Quảng Ninh.
Để lập lại trật tự đô thị, góp phần giảm thiểu ách tắc giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông, thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chỉ đạo để triển khai thực hiện. Tiêu biểu là văn bản số 2664, ngày 26/9/2023 của UBND tỉnh về việc "Chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường và bảo đảm trật tự đô thị trên địa bàn tỉnh".
Qua đó, các địa phương đã thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt hành vi lấn chiếm đất công cộng, chiếm dụng lòng đường, công viên, khu vui chơi giải trí, vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán.
Nhiều địa phương đã và đang nghiên cứu việc tổ chức giao thông, quy hoạch bãi đỗ xe tĩnh đảm bảo phù hợp, tạo thuận lợi cho phương tiện của người dân có chỗ đỗ phù hợp hơn.
Đặc biệt, UBND các huyện, thị xã, thành phố đều đã có quy định về việc quản lý sử dụng lòng đường vỉa hè, xác định rõ các khu vực cấm hoặc giới hạn hoạt động trên lòng đường, vỉa hè như: đỗ xe, kinh doanh, xếp dỡ hàng hóa...
Các địa phương cũng chủ động rà soát, thay thế, bổ sung biển báo giao thông; sửa chữa, bù vá "ổ gà" nhiều đoạn đường nội thị, thay thế tấm đan, vỉa hè đã xuống cấp, hư hỏng; phát quang cây cối, tháo dỡ biển quảng cáo không đúng quy định...
Công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông được các địa phương triển khai đồng bộ, từ đó nâng cao nhận thức của cộng đồng về trong việc bảo vệ và duy trì trật tự đô thị, an toàn giao thông.
Do lập lại trật tự giao thông đô thị hiệu quả, nên thời gian gần đây, số vụ TNGT ở khu vực nội thị các thành phố, thị xã ở Quảng Ninh đã được kéo giảm.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Quảng Ninh xảy ra 62 vụ TNGT đường bộ, làm chết 35 người, bị thương 66 người thì ở khu vực nội thị chỉ xảy ra 21 vụ với 6 người chết, 18 người bị thương.
So với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ số vụ, số người chết và bị thương ở khu vực nội thị ở Quảng Ninh đều giảm trên 20%.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận