Lực lượng CSGT cân tải trọng xe xuyên đêm.
Trước tình hình gia tăng đột biến của phương tiện tham gia giao thông, sự thay đổi khắc nghiệt của thời tiết, sự phức tạp của đại dịch Covid 19 và ý thức tùy tiện của một số người tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, thời gian sau Tết Nguyên đán đến nay là mùa của xây dựng, mùa cao điểm thực hiện của các dự án san lấp mặt bằng trên địa bàn tỉnh, cho nên lưu lượng xe nội tỉnh hoạt động tăng cao.
Mặc dù trang thiết bị còn thiếu và lực lượng còn mỏng, phải thực hiện nhiều nhiệm vụ bảo đảm TTATGT và ANTT khác nên hoạt động của các xe có dấu hiệu vi phạm về quá tải trọng tại một số cung đường, thời gian và các địa điểm không có lực lượng chức năng vẫn còn diễn ra. Tuy nhiên, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã, đang và sẽ triển khai xử lý quyết liệt xử lý “không có vùng cấm”.
Lược lượng CSGT tuyên truyền pháp luật về TTATGT tại trường học.
Trong 6 tháng đầu năm, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh có những diễn biến phức tạp, xảy ra 84 vụ, chết 59 người, bị thương 63 người. Trong đó, riêng Quý I xảy ra 65 vụ làm chết 46 người, bị thương 50 người. Được sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Công an tỉnh, sự vào cuộc của các ngành các cấp và sự kiên quyết của lực lượng CSGT, tình hình TTATGT Quý II có những chuyển biến đáng kể, TNGT xảy ra 19 vụ làm chết 13 người, bị thương 13 người, so với Quý I giảm 46 vụ, giảm 33 người chết, giảm 37 người bị thương.
Theo đó, toàn tỉnh phát hiện xử lý 7.845 trường hợp vi phạm phạt tiền khoảng 13 tỷ đồng, tạm giữ phương tiện 1.897 trường hợp. Trong đó, kết quả xử lý xe nội tỉnh là 2.001 trường hợp vi phạm, phạt tiền khoảng 2,5 tỷ đồng; tạm giữ phương tiện 140 trường hợp.
Các lỗi vi phạm chủ yếu là chạy quá tốc độ quy định (1.913 trường hợp); vi phạm nồng độ cồn (829 trường hợp); vi phạm quy định về chở hàng quá tải trọng trên đường bộ (231 trường hợp); chở hàng, vật liệu rời không bạt che phủ, có bạt che phủ nhưng vẫn để rơi vãi (557 trường hợp); vi phạm quy định về chở hàng quá chiều cao, chiều dài cho phép (125 trường hợp); biển số không rõ chữ số, bị che lấp, bị bẻ cong (42 trường hợp); lắp thùng xe không đúng quy định (68 trường hợp)...
Các tổ chức, cá nhân ký cam kết chấp hành pháp luật về trật tự ATGT đường bộ.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Thượng tá Trần Đức Dương, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, quá trình thực hiện lực lượng CSGT gặp một số khó khăn, vướng mắc trong công tác phát hiện, xử lý vi phạm, như: Hệ thống cân xách tay chưa được trang bị đầy đủ nên làm cho quá trình xử lý quá tải có khi bị động, không thể thực hiện đồng loạt trên tất cả các địa bàn.
Bên cạnh đó, theo quy định về hành vi xử lý quá tải bị xử phạt rất nặng nên chủ xe, lái xe thường xuyên bố trí người theo dõi lực lượng chức năng kiểm soát tải trọng để thông báo cho lái xe; lái xe khi bị kiểm tra thường kéo dài thời gian, cố tình không chấp hành, hợp tác, thậm chí khóa cửa xe, bỏ đi nên đã gây khó khăn cho công tác xử lý. Mặt khác, kho bãi tạm giữ phương tiện vi phạm, bến bãi hạ tải còn thiếu, gây nhiều khó khăn cho công tác tạm giữ và hạ tải hàng hóa.
“Để nâng cao hiệu quả công tác trong đảm bảo TTATGT, Phòng CSGT, Công an tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành, nhiều đơn vị chức năng để làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT.
Thường xuyên duy trì hiệu quả điểm tin ATGT hàng ngày trên sóng Đài PTTH Quảng Bình và tuyên truyền trên loa phát thanh tại các khu dân cư; lắp đặt bảng pano tuyên truyền về ATGT tại các huyện, thị xã, thành phố (50 bảng); cấp phát đĩa tuyên truyền ATGT cho Công an các huyện, thị xã, thành phố (453 đĩa). Xây dựng 02 phóng sự, 03 chuyên mục hàng tháng, 07 bản tin, 03 bài viết về ATGT. Tổ chức 02 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT tại 01 xã, 01 trường học với 1.152 lượt người tham gia; trao tặng hơn 200 mũ bảo hiểm. Phòng tổ chức ký cam kết với 48 doanh nghiệp vận tải lớn trên địa bàn tỉnh về việc chấp hành pháp luật về TTATGT, không vi phạm các quy định về quá tải, quá khổ khi tham gia giao thông”, Thượng tá Trần Đức Dương cho biết thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận