Nhiều đoạn tuyến của QL6 xuống cấp nghiêm trọng
Dự án nâng cấp, cải tạo QL6 đoạn Ba La - Xuân Mai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương từ năm 2009, tuy nhiên đến nay vì nhiều lý do nên vẫn chưa thể triển khai... Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã trình thành phố thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án mới để có thể nâng cấp, cải tạo QL6 qua Hà Nội trong giai đoạn 2021- 2024.
Đường xuống cấp, cả chục năm không sửa chữa, cải tạo
QL6 qua địa bàn Hà Nội có chiều dài 38km, là trục giao thông chính từ trung tâm Hà Nội đi khu vực các quận huyện phía Tây. Đây cũng là trục giao thông đi lại gần nhất giữa trung tâm Hà Nội và trung tâm tỉnh Hòa Bình.
Tuy nhiên, ghi nhận của PV Báo Giao thông, lòng đường từ Hà Đông đi Xuân Mai chỉ rộng 7m (2 làn xe). Do đường nhỏ, lượng phương tiện đông, giao thông tại đây thường xuyên ùn tắc kéo dài trong giờ cao điểm, nhất là đoạn qua cầu Mai Lĩnh và thị trấn Chúc Sơn đi Hà Đông. Đáng nói, nhiều đoạn xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cho các phương tiện lưu thông.
Cụ thể, đoạn đối diện Công ty Đầu tư bất động sản thương mại Phát Đạt (thuộc địa phận xã Tiên Phương, Chương Mỹ), có cả trăm mét hư hỏng rất nặng. Mặt đường bị biến dạng từng mảng, sụt lún thành những vũng lớn.
Tại các vị trí từ Km24 - Km27 thuộc KCN Phú Nghĩa liên tục là những đoạn đường bị vá víu chằng chịt lồi lõm, vừa mất ATGT vừa nhếch nhác. Đoạn đối diện Công ty Bình Minh (Km32), khu vực cầu Đồng Trữ, Phố Gốt do mặt đường quá nhỏ hẹp, xuống cấp, nhiều đoạn bị băm nát.
Ngoài đoạn duy nhất của tuyến QL6 đi qua thị trấn Chúc Sơn (dài 2,3km) được UBND huyện Chương Mỹ hoàn thành nâng cấp năm 2019, các đoạn còn lại không khác đường làng, không được phân làn, không dải phân cách giữa, không có đèn tín hiệu, không vỉa hè, không cây xanh…
Chị Nguyễn Thu Phương (Đông Phương Yên, Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, đang làm công nhân cho một công ty nước ngoài ở Hà Đông, hàng ngày phải lưu thông hơn 20km qua trục đường QL6.
“Không hiểu sao một tuyến quốc lộ huyết mạch và rất đông phương tiện như vậy mà để xuống cấp cả chục năm không được sửa chữa, cải tạo”, chị Phương nói.
Chị Phương cũng cho biết đã chứng kiến rất nhiều vụ TNGT, va chạm và những vụ việc xe máy tự ngã khi đi qua các đoạn đường xuống cấp, nhất về đêm do không có đèn chiếu sáng.
Cùng với tình trạng xuống cấp, trên tuyến đường này cũng xuất hiện hàng chục điểm ùn tắc do lòng đường hẹp, nhiều phương tiện, xe tải hạng nặng lưu thông trong giờ cao điểm.
“Nóng” nhất khu vực cầu Mai Lĩnh, vào sáng sớm và chiều tối, khi lưu lượng phương tiện di chuyển tăng, ùn tắc kéo dài hàng km đến 1-2 giờ mới được giải tỏa.
Đại diện đơn vị quản lý QL6 cho biết, do có dự án sửa chữa, nâng cấp nên việc duy tu, sửa chữa QL6 thời gian qua chỉ là sửa chữa nhỏ với các công việc chính là vá víu những vị trí đường nứt, hỏng.
Trong khi đó, ông Lê Hữu Hồng, Giám đốc Ban Duy tu Quản lý các công trình hạ tầng giao thông cũng cho biết, ngoài một số đoạn tuyến QL6 qua khu vực đô thị Hà Đông, Chương Mỹ đã triển khai nâng cấp cải tạo, phần còn lại từ Chúc Sơn đi Xuân Mai cấp đường thấp. Do khai thác nhiều năm chưa được cải tạo đã bị xuống cấp gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông và gây mất ATGT.
Hơn 8.100 tỷ cải tạo, nâng cấp QL6
Một ổ gà trên QL6
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để TP Hà Nội thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Ba La (Hà Đông) - Xuân Mai. Tuy nhiên, đến nay, qua 12 năm và có nhiều nhà đầu tư được UBND TP Hà Nội lựa chọn triển khai theo nhiều hình thức khác nhau, nhưng đến nay vẫn chưa xong thủ tục đầu tư.
Cụ thể, trong giai đoạn 2009 - 2016, dự án được UBND TP Hà Nội cho chủ trương để nhà đầu tư là Tổng công ty Sông Đà thực hiện theo hình thức BOT; do vướng mắc về vị trí lắp đặt trạm thu phí hoàn vốn nên phải dừng lại.
Tiếp đến, từ năm 2017 đến 2020, dự án được giao cho liên danh nhà đầu tư gồm Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC), Công ty CP Thương mại Ngôi nhà mới, Công ty CP Sông Đà Hà Nội, Tổng công ty Phát triển hạ tầng đô thị, Công ty Đầu tư và dịch vụ thương mại Đại An thực hiện dự án theo hình thức BT.
Để thực hiện dự án, các liên danh này đã thành lập ra Công ty CP Đầu tư Louis Group là đại diện nhà đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án là 8.485 tỷ đồng và tiến độ thực hiện đến quý II/2022.
Tuy nhiên, do tồn tại trong việc lập, trình duyệt dự án, trong đó có phương án bố trí quỹ đất đối ứng trả cho nhà đầu tư chưa sát nên Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra.
Năm 2020, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, trong đó quy định, hình thức đầu tư BT không còn áp dụng cho các dự án đầu tư mới nên dự án lần thứ 2 bị dừng.
Thông tin về thực trạng và tương lai dự án cải tạo, mở rộng QL6, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau khi dự án bị dừng, UBND TP Hà Nội quyết định cho phép thực hiện chuẩn bị đầu tư một số tuyến giao thông để hoàn thiện hạ tầng khung và có thời gian triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025.
Trong đó dự án nâng cấp, cải tạo QL6 đưa vào danh sách những công trình được Chính phủ cho phép sử dụng nguồn ngân sách trung ương và thành phố.
Theo ông Viện, Sở GTVT đã có tờ trình gửi thành phố thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cải tạo, nâng cấp QL6.
Theo tờ trình, dự án này có chiều dài 21,5km, được đầu tư từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ và ngân sách thành phố với tổng kinh phí là 8.112 tỷ đồng (giảm 373 tỷ đồng so với hình thức đầu tư BT được lập trước đó). Thời gian thi công từ năm 2021 - 2024. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội được giao làm chủ đầu tư.
“Tuyến QL6 sau khi cải tạo, nâng cấp sẽ có mặt cắt đoạn đi trong đô thị là 56 - 60m, tương đương 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h; đoạn đi ngoài đô thị rộng 50m, tương đương 4 làn xe với vận tốc thiết kế 100km/h”, ông Viện cho biết.
Theo đánh giá của Sở GTVT Hà Nội, đoạn tuyến QL6 từ Ba La - Xuân Mai là đoạn tiếp nối, đảm bảo thông thương từ Hà Nội đến 4 tỉnh miền núi Tây Bắc và ngược lại. Tính kết nối liên vùng này là động lực thúc đẩy phát triển KT-XH của cả 5 tỉnh, thành phố, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Tuyến đường còn có ý nghĩa quan trọng đối với mạng lưới giao thông nội bộ của Hà Nội. Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ phát triển theo định hướng chùm đô thị, với các đô thị sinh thái và vệ tinh bao quanh đô thị trung tâm. QL6 đoạn Ba La - Xuân Mai chính là con đường huyết mạch, tối ưu hóa khả năng kết nối giữa đô thị trung tâm với đô thị sinh thái Chúc Sơn và đô thị vệ tinh Xuân Mai…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận