Ông Phan Huy Chương - Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Nghệ An cho biết: Hiện nay, Ban ATGT đang phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh và chính quyền các địa phương để nhân rộng mô hình Điểm sơ cấp cứu. Chúng tôi hướng đến sẽ xây dựng, nhân rộng mô hình này trên tất cả các tuyến quốc lộ trọng yếu có mật độ phương tiện tham gia giao thông đông đúc. Các điểm đen, nơi tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT).
Hiện tại, mô hình Điểm sơ cấp cứu ở Nghệ An đã thu hút được 65 người tham gia, ở 2 tuyến QL1A và QL46C. Họ là nhân viên y tế, thành viên Hội Chữ thập đỏ, các tình nguyện viên là lái xe ôm, xe taxi, người dân địa phương đã được tập huấn về sơ cấp cứu tại chỗ. Ngoài ra, còn đội ngũ sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng, mà lực lượng nòng cốt tại các trạm, điểm sơ cấp cứu chung của Hội Chữ thập đỏ. Họ không chỉ tham gia sơ cấp cứu cho nạn nhân TNGT, mà còn cấp cứu, hỗ trợ cho những người bị thương tích do tai nạn lao động, do thiên tai, đuối nước...
Chị Phạm Thu Hiền - tình nguyện viên của Điểm sơ cấp cứu dọc QL1A (xã Diễn Yên, Diễn Châu, Nghệ An) cho biết: Tôi mới tham gia làm tình nguyện viên từ tháng 7/2022 đến nay. Bản thân đã tham gia hỗ trợ, sơ cấp cứu cho 6 nạn nhân bị TNGT trên địa bàn. Công việc tuy vất vả do không kể thời tiết, đêm hôm hay ngày lễ, ngày nghỉ, nhưng ai tham gia cũng đều nhiệt tình vì đây là việc thiện, là cứu người lúc hoạn nạn.
Theo chị Hiền khi có thông tin xảy ra tai nạn, việc đầu tiên của tình nguyện viên là đến hiện trường, bảo vệ hiện trường thông báo cho công an, chính quyền địa phương và gọi xe cấp cứu. Trong lúc chờ xe cấp cứu tới, chúng tôi sẽ thực hiện cầm máu cho nạn nhân, đưa nạn nhân ra khỏi vị trí nguy hiểm, vệ sinh băng bó sơ bộ vết thương cho nạn nhân rồi hỗ trợ nhân viên y tế đưa nạn nhân lên xe cấp cứu.
"Do đã được tập huấn và diễn tập các tình huống một cách bài bản, nên đa số các trường hợp bị thương do TNGT, chúng tôi đều có thể sơ cứu, hỗ trợ ban đầu được. Ngoài ra, có thể hỗ trợ cả những người bị thương tích khác khi cần thiết", chị Hiền nói.
Theo các thành viên Điểm sơ cấp cứu, khó khăn hiện nay là các điểm chưa được hỗ trợ kinh phí hoạt động nên còn thiếu thốn về vật tư y tế, dụng cụ sơ cấp cứu. Hầu hết mọi người tự bỏ công, bỏ tiền, hoặc vận động, kêu gọi hỗ trợ. Vừa rồi Ban ATGT tỉnh Nghệ An về trao tặng cho điểm sơ cấp cứu ở xã Diễn Yên 2 bộ dụng cụ sơ cấp cứu để làm việc. Mọi người hi vọng sẽ được Nhà nước và xã hội quan tâm hơn nữa để các tình nguyện viên tham gia và hoạt động hiệu quả.
Theo thống kê của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An, trong 6 năm hoạt động từ 2017 đến nay, mô hình sơ cấp cứu nạn nhân TNGT ở Nghệ An đã cứu giúp cho hơn 200 nạn nhân TNGT.
Mô hình ban đầu hoạt động tự phát vào năm 2012 do một nhóm người làm nghề xe ôm, lái xe taxi, y tế thôn cùng làm ở khu vực ngã ba Yên Lý - QL1A. Đến năm 2017, được tổ chức bài bản hơn, trang bị đầy đủ dụng cụ sơ cứu thương và được Sở Y tế Nghệ An cấp phép hoạt động.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận