Nỗi đau người mẹ đơn thân
Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Minh (sinh năm 1969) nằm khuất trong một ngõ nhỏ ở thôn Xuân Me, xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
Dáng người nhỏ thó vì cao chỉ có 1m4, khuôn mặt khắc khổ, nhìn bà Minh già hơn tuổi rất nhiều.
Dù đã vài tháng trôi qua nhưng nỗi đau mất đi đứa con duy nhất (Nguyễn Minh Phương, sinh năm 2003) vẫn chưa thể nguôi ngoai, cứ nhắc tới là bà lại khóc.
"Từ ngày con mất, tôi chỉ quanh quẩn trong nhà, hàng xóm thương tình nên thường qua lại động viên", bà sụt sùi.
Bà Minh kể, trước đây đi làm ăn xa xứ, ngoài 30 tuổi mới sinh được đứa con gái đầu lòng.
Điều đau đớn là đến khi bụng mang dạ chửa, bà mới bàng hoàng phát hiện bố đứa bé đã có gia đình.
Quá đau lòng, bà đã một mình lặn lội về nhà bố đẻ, nhưng cảnh "gái không chồng" cũng khiến cuộc sống không được êm ấm.
Ở quê không làm ra tiền, cũng không có nhà để ở riêng, bà quyết định gửi đứa con gái duy nhất của mình ở lại và tiếp tục đi làm xa quê.
"Mỗi tháng tôi chỉ gặp con gái mình được một lần. Tới năm 2009 khi đã cố gắng tích góp xây được căn nhà nhỏ, tôi vẫn gửi con ở nhà hàng xóm và các bác để nuôi con ăn học.
Năm 2019, do dịch bùng phát, mất đi kế sinh nhai, tôi về quê đi nhặt túi nilon để bán, mỗi tháng được 2 triệu đồng, cũng chỉ đủ ăn.
Dù khó khăn nhưng mẹ con rau cháo có nhau, khổ thế nào tôi vẫn chịu được. Nhưng nào ngờ… ", nói đến đây, giọng bà như nghẹn lại.
Ngày định mệnh
Bà Minh kể, Phương rất hiểu chuyện, thấy mẹ tần tảo sớm hôm nên học xong phổ thông, Phương đã quyết định đi làm công nhân.
"Cháu nó làm ở tận Vĩnh Yên. Tôi bảo làm ở gần nhà cho tiện, có xe đưa đón nhưng cháu không nghe vì ít việc. Vậy là nó tự đi xe máy đi làm, để rồi xảy ra cơ sự", bà Minh bần thần nhớ lại.
Vụ tai nạn xảy ra hơn nửa năm trước, đó là ngày 28/6/2023. Sau khi đi thu lượm túi nilon từ sáng đến 18h tối như mọi ngày, bà Minh về nhà chuẩn bị cơm nước và đợi con về.
Đến khoảng hơn 20h tối, bà bất ngờ nhận được điện thoại từ chị gái mình và biết tin con bị tai nạn, đang nằm trong bệnh viện.
Chân tay bủn rủn, lo lắng, trong người lúc đó lại không có lấy một đồng. Biết tin, bà con hàng xóm thương tình gom góp mỗi người một chút, vậy là chị mới có tiền bắt xe lên bệnh viện tỉnh.
"Tôi tức tốc tới bệnh viện, bác sĩ đã nói nếu phẫu thuật thì cũng chỉ còn 1% sống sót, hiện tại cháu mới đi làm, chưa có bảo hiểm, gia đình nên suy nghĩ.
Khi ấy tôi đã cầu xin bác sĩ cứu lấy con mình, dù cho có phải bán nhà bán cửa", bà Minh khóc nấc lên thành tiếng khi nhớ lại hoàn cảnh lúc ấy.
Dù các bác sĩ đã rất cố gắng nhưng ca phẫu thuật không thành công, sự ra đi của đứa con gái duy nhất khiến tinh thần bà suy sụp.
Đã ngoài 50 tuổi, sức khỏe không còn được như trước, bà chỉ còn một sào ruộng và dựa vào sức mình để sinh sống.
Tiền tiết kiệm dành dụm trong suốt thời gian xa quê cũng không đủ để chi trả cho cuộc phẫu thuật vừa rồi của con gái mình.
Vậy mà chỉ cách đây 3 tháng, chị lại tiếp tục phải chi trả cho cuộc phẫu thuật u ruột thừa của mình khiến kinh tế càng kiệt quệ.
"Tôi cũng muốn đi làm nhưng bây giờ cứ trở trời là vết mổ lại đau, không làm gì được. Chỉ biết ngồi nhà, nhớ con rồi khóc", bà ngậm ngùi.
Đại diện huyện Lập Thạch cho biết, gia cảnh của bà Minh rất khó khăn. Sau khi vụ tai nạn xảy ra, Ban ATGT huyện đã xuống thăm hỏi động viên và trao quà.
"Tuy nhiên, chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các nhà hảo tâm để bà Minh có thể vơi đi bớt nỗi đau", vị này cho biết.
Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Minh, xin độc giả và các nhà hảo tâm gửi về Quỹ chung tay vì ATGT của Báo Giao thông, số tài khoản: 115000106087, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội. (Nội dung xin ghi rõ: Ủng hộ chị Minh ở Vĩnh Phúc).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận