Lòng hồ thủy điện Hòa Bình được ví như “vịnh Hạ Long trên cạn”, thu hút hàng trăm nghìn khách tham quan mỗi năm nên thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Quản chặt cảng, bến
Ông Lê Đức Cường, Phó giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) khu vực II, Phó ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch cao điểm đảm bảo trật tự, ATGT đường thủy hồ Hòa Bình và sông Đà cho biết, mới đây đã tổ chức đợt cao điểm tổng kiểm tra cảng, bến thủy tại hai khu vực trên. Kết quả kiểm tra cho thấy, còn nhiều tồn tại hạn chế trong việc tổ chức quản lý, khai thác và hoạt động của cảng bến.
Trên hồ Hòa Bình, một số bến thủy như Thanh Bình đã hết hiệu lực giấy phép, hạ lưu bến Tiến Anh (huyện Cao Phong) không đủ điều kiện đón trả khách và hàng hóa; một trường hợp dùng phao làm nhà nổi không có giấy chứng nhận đăng kiểm.
Còn trên sông Đà có 10 trường hợp bến thủy khai thác quá thời hạn giấy phép, không phép; gần chục trường hợp không trang bị đủ báo hiệu, thiết bị bốc dỡ tại bến không có chứng nhận đăng kiểm.
“Vài năm gần đây, hồ Hòa Bình là điểm thu hút khá đông khách du lịch, nhất là trong mùa lễ hội đầu năm. Tuy vậy, qua tổng kiểm tra cho thấy trên hồ Hòa Bình và sông Đà thuộc địa phận Hòa Bình vẫn còn một số vị trí, vùng nước đón trả khách chưa được cấp giấy phép hoạt động. Chủ cảng, bến và hợp tác xã, tổ vận tải chưa thể hiện rõ trách nhiệm, vai trò trong việc sắp xếp phương tiện thủy chở khách vào, rời cảng bến”, ông Cường cho biết.
Đợt kiểm tra trên, lực lượng liên ngành xử phạt hơn 130 triệu đồng đối với các trường hợp cảng bến, nhà nổi không thực hiện đúng quy định của Luật Giao thông ĐTNĐ, cũng như tuyên truyền, nhắc nhở các chủ cảng, bến tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động cảng, bến thủy. Liên ngành cũng đồng thời làm việc với chính quyền các địa phương có cảng, bến đề nghị tăng cường phối hợp thực hiện công tác quản lý bến khách ngang sông, bến thủy theo thẩm quyền.
“Sau đợt cao điểm, Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II chỉ đạo lực lượng cảng vụ trực tiếp làm nhiệm vụ tại hồ Hòa Bình và tuyến sông Đà đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các chủ, cảng bến tuân thủ quy định pháp luật giao thông đường thủy; kiểm soát chặt phương tiện thủy vào, rời cảng bến, cũng như xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”, ông Cường nói.
Ông Lê Hồng Sơn, Trưởng đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Hòa Bình cho biết, vài năm gần đây khá đông khách du lịch đến với hồ Hòa Bình (năm 2018 hơn 400.000 người), phương tiện tham gia vận tải du lịch cũng gia tăng và tập trung vào mùa lễ hội đầu năm. Mùa lễ hội đầu năm 2019, các lực lượng cảng vụ, thanh tra đường thủy xử phạt hơn 100 trường hợp chủ phương tiện du lịch, bến thủy vi phạm quy định về đón trả khách tại bến.
“Hoạt động du lịch mùa lễ hội khá phức tạp, có trường hợp tàu “bỏ quên” khách bị cảng vụ cùng liên ngành xử phạt 3,5 triệu đồng, tạm giữ phương tiện để tăng răn đe”, ông Sơn thông tin.
Khó nhất vẫn là đăng ký, đăng kiểm
Các đơn vị vận tải du lịch thủy trên hồ Hòa Bình đề nghị nghiên cứu sửa đổi quy định về thiết kế phương tiện thủy phù hợp hơn với địa hình miền núi, như bỏ bớt két dầu dự trữ để giảm chi phí, bởi hành trình thực tế ngắn, không cần thiết phải dự trữ nhiều dầu; đề nghị cho lắp neo quăng thay vì neo xích...
Sau đợt cao điểm vừa qua, liên Cục Đường thủy - CSGT - Đăng kiểm VN và Ban ATGT tỉnh Hòa Bình đánh giá, lo ngại nhất trên hồ thủy điện Hòa Bình là tình trạng tàu không đăng ký, đăng kiểm nhưng vẫn chở khách du lịch, cũng như không kiểm soát được sự gia tăng phương tiện thủy chở khách du lịch, tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất ATGT cho du khách.
Cụ thể, năm 2016 có khoảng 144 phương tiện chở khách du lịch trên hồ Hòa Bình, trong đó 50% có đăng ký, đăng kiểm. Đến tháng 4/2019, số phương tiện tăng lên 302 chiếc và 5 mô tô nước, thế nhưng số phương tiện có chứng nhận đăng ký, đăng kiểm còn hiệu lực giảm xuống còn 65 chiếc (65/240 phương tiện được kiểm tra thực tế, khoảng 27%). Còn lại có hơn 90 chiếc không đăng ký, đăng kiểm và hơn 130 chiếc đã hết hạn chứng nhận đăng kiểm, đã hoán cải nhưng chưa thực hiện đăng kiểm lại.
“Nhiều phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm, hết hạn đăng kiểm hầu hết do người dân tự ý mua bán, hoán cải từ tàu chở hàng sang chở khách nhưng không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, một số phương tiện đóng mới nhưng không có thiết kế được cơ quan đăng kiểm phê duyệt. Một số chủ tàu có tâm lý “ỷ lại” là vùng sưđăng ký, đăng kiểm”, liên ngành nêu.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Đình Tuy, chủ một cơ sở du lịch tại hồ Hòa Bình thuộc địa phận huyện Cao Phong cho biết, do là vùng kinh tế khó khăn bộ phận lớn chủ tàu không đủ điều kiện kinh tế để đầu tư, cải tạo tàu theo đúng tiêu chuẩn quốc gia.
“Để tàu đạt được chứng nhận đăng kiểm phải tốn chi phí hàng trăm triệu đồng, quá lớn cho việc thuê tư vấn thiết kế, lập hồ sơ và cải tạo, trong khi đa số người dân ở đây không đủ khả năng kinh tế để thực hiện”, ông Tuy nói và bày tỏ mong muốn các ngành chức năng kiểm tra thực tế từng phương tiện, trường hợp nào đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật chính nên có cơ chế tạo điều kiện về mặt quản lý đăng kiểm; trường hợp nào không đạt cần kiên quyết cấm hoạt động chở khách du lịch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận