Du lịch hồ Hòa Bình đông khách vào cuối năm và 3 tháng đầu năm âm lịch |
Vừa tuyên truyền, vừa đối thoại
Theo các chủ tàu du lịch trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), hoạt động du lịch ở đây theo quy luật là vào dịp cuối và đầu năm âm lịch. Thời gian còn lại rất thưa vắng. Thực tế, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại bến du lịch Thung Nai và cảng Bích Hạ, phần lớn các phương tiện đậu đỗ ở bến bảo dưỡng, dọn vệ sinh để chuẩn bị cho mùa du lịch.
Bà Nguyễn Thị Hòa, chủ tàu HB-0276 cho biết, tàu của gia đình đã xếp lượt 1- 2 tháng nay nhưng không có khách. Tuy nhiên, để được xếp lượt, phải sửa chữa tàu và được cấp chứng nhận đăng kiểm, đăng ký. “Tàu của gia đình tôi được hoán cải từ tàu chở hàng sang chở khách nên trước kia không được đăng kiểm. Theo yêu cầu của cảng vụ đường thủy, cách đây vài tháng, gia đình phải vay mượn vài chục triệu để sửa chữa, nâng cấp tàu và đã được cấp chứng nhận đăng kiểm”, bà Hòa nói và thông tin, một số gia đình khác cũng đang sửa chữa, nâng cấp tàu để được cấp chứng nhận đăng kiểm.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Hòa Bình cho biết, vài năm gần đây, số lượng tàu tham gia hoạt động vận tải khách du lịch hồ Hòa Bình tăng nhanh, nhưng nhiều phương tiện do các gia đình đóng mới hoặc hoán cải từ tàu chở hàng nên không có chứng nhận đăng kiểm. Năm 2016, các lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động chủ phương tiện đăng kiểm, đăng ký để bảo đảm an toàn cho du khách. “Tháng 7/2017 vừa qua, các cơ quan quản lý đã có cuộc đối thoại với chủ phương tiện để tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc về đăng kiểm phương tiện. Từ đó đến nay, tình hình có chuyển biến hơn”, ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Hải Triều, Trưởng chi nhánh đăng kiểm Hà Sơn Bình (Chi cục Đăng kiểm số 1) cho biết, ngoài 50 phương tiện đang còn hạn đăng kiểm, từ tháng 7/2017 đến nay có thêm 20 tàu được cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật để tham gia vận chuyển khách du lịch. Sau hội nghị đối thoại, đã có 2 doanh nghiệp cải tạo, sửa chữa tàu thuyền đặt chi nhánh tại khu vực lòng hồ Hòa Bình, đáp ứng nhu cầu người dân.
Mới xử phạt, đình chỉ 20 tàu
Thống kê chưa chính thức, hiện trên hồ Hòa Bình có hơn 170 tàu. Như vậy còn tới khoảng 100 tàu chưa được đăng kiểm, trong khi mùa cao điểm du lịch đã cận kề.
Để tạo điều kiện cho các chủ tàu đi đăng kiểm, Đại diện Chi cục Đăng kiểm số 1 cho biết, đơn vị đã công khai thủ tục, quy trình tiếp nhận kiểm định phương tiện tại các cảng, bến du lịch, tuyên truyền đến các chủ phương tiện, cũng như số điện thoại đường dây nóng để phục vụ người dân. “Bất kể khi nào chủ phương tiện đề nghị kiểm tra hoặc định kỳ thứ 5 hàng tuần đều có đăng kiểm viên có mặt tại Hòa Bình để kiểm định phương tiện”, ông Nguyễn Hải Triều nói.
Nghị định 132 ngày 25/12/2015 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông ĐTNĐ, hành vi không mang theo giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện thủy hoặc sử dụng giấy chứng nhận đăng kiểm đã hết hiệu lực bị phạt tiền: 300.000- 500.000 đồng đối với phương tiện có sức chở trên 12 người đến 50 người; 500.000- 700.000 đồng đối với phương tiện có sức chở trên 50 người đến 100 người; 700.000-1.000.000 đồng đối với phương tiện có sức chở trên 100 người.Hành vi sử dụng phương tiện không có chứng nhận đăng kiểm bị phạt nặng hơn: 2- 3 triệu đồng đối với phương tiện có sức chở trên 12 người đến 50 người; 3- 5 triệu đồng đối với phương tiện sức chở trên 50 người đến 100 người; từ 5-7 triệu đồng đối với phương tiện sức chở trên 100 người. |
Theo đại diện Cảng vụ đường thủy, từ đầu năm 2017 đến nay, đơn vị này phát hiện, xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động 20 tàu không có đăng ký, chứng nhận đăng kiểm nhưng vẫn chở khách. Tổng số tiền xử phạt chỉ khoảng 20 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu chỉ xử phạt cũng khó giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Theo đại diện Cảng vụ đường thủy, ở đây xảy ra nhiều trường hợp khi các lực lượng chức năng kiểm soát chặt thì chủ phương tiện, thuyền viên chống đối quyết liệt hoặc hướng dẫn khách đến khu vực hẻo lánh để đưa khách lên tàu.
Chủ nhiệm HTX Thái Thịnh Ngô Văn Trình cho biết, thời gian qua, cơ quan đăng kiểm rất tích cực giúp đỡ các chủ phương tiện, song đa phần chủ phương tiện có điều kiện kinh tế khó khăn, phải vay mượn để nâng cấp tàu. “Bà con đều muốn nâng cấp tàu để được đăng kiểm, nhưng chi phí thiết kế, cải tạo, sửa phương tiện mất đến hàng trăm triệu nên lại thôi. Chủ tàu đều biết đăng kiểm phải cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn kỹ thuật, nhưng hồ Hòa Bình có đặc thù riêng, nên mong ngành đăng kiểm xem xét những hạng mục mang tính thẩm mỹ hoặc ít ảnh hưởng đến an toàn có thể miễn, giảm hoặc cho lộ trình để giúp người dân tiết kiệm chi phí”, ông Trình nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận