Nhờ có họ, nhiều người không may gặp sự cố giữa đường được giúp đỡ kịp thời.
“10 phút nữa chúng tôi có mặt”
Thành viên của Đội cứu hộ Hà Nội sửa xe miễn phí giữa đêm khuya
Ngày nào cũng vậy, khi quán nước nhỏ nằm nép mình dưới mái hiên của tòa nhà cao tầng đầu đường Khuất Duy Tiến, Hà Nội chuẩn bị dọn hàng là lúc nơi đó trở thành “đại bản doanh” của nhóm bạn trẻ thuộc Đội cứu hộ Hà Nội.
Đúng 21h, Nguyễn Thành Tuân (27 tuổi) ngồi trên chiếc xe máy, chở theo túi đồ nghề sửa xe khá cồng kềnh xuất hiện, rồi lần lượt là Tính, Dũng, Hiếu, Nam…, mang đến cho góc phố vắng lặng chút xôn xao.
Họ ngồi đó, nói dăm ba câu chuyện phiếm của người trẻ, trực nhận tin nhắn “xe có sự cố” rồi nhanh chóng lên đường.
Thông tin cứu hộ được tiếp nhận qua Fanpage Đội cứu hộ Hà Nội và 2 đường dây nóng 0934343427 - 0963313004 trong thời gian từ 21h - 1h hàng ngày.
22h, mở điện thoại, nhận dòng tin nhắn “một xe bị chết máy xin hỗ trợ tại điểm đầu Nguyễn Xiển”, Vũ Văn Tính bấm số gọi lại “khổ chủ” để xác định rõ tình trạng sự cố.
“Anh đợi khoảng 10 phút, chúng tôi sẽ có mặt nhé”, dứt lời, cả Tính và Tân nhanh chóng lên đường.
Chỉ khoảng 20 phút sau, cả hai đã trở về. Xoa xoa đôi bàn tay còn dính chút dầu mỡ, bụi bẩn, Tính cho biết: “Ca này xe sặc dầu, chết bugi nên không nổ máy được, đoán ngay ra bệnh nên xử trí cũng đơn giản”.
Tuân, thành viên mới tinh của đội cho biết: “Em mới vào nhóm được hơn 1 tuần, chủ yếu thuần thục việc bơm, vá, thay săm lốp, còn các sự cố xe máy khác thì vẫn đang học hỏi các anh đi trước”. Ban ngày công việc chính của Tuân là sửa điện lạnh, tối đến cơm nước xong, Tuân lại xách xe và đồ nghề ra đường.
“Trước em cũng từng trải qua những lần đêm hôm hỏng xe giữa đường, dắt bộ suốt mà không nhận được sự giúp đỡ nào cả. Nên khi biết đến Đội cứu hộ Hà Nội, em xin tham gia”, Tuân phấn khởi nói.
Còn Tính được một chị ở cơ quan thấy hay tham gia việc thiện nguyện, lại biết sửa xe nên giới thiệu đến đội. Đến nay cũng hơn 1 tháng, Tính trở thành thành viên của nhóm cứu hộ này.
“Nếu ở nhà thì cũng chỉ lướt điện thoại suốt tối mà thôi, trong khi mình có thể làm được nhiều điều tốt hơn thế”, Tính lý giải đơn giản. Trước khi trở thành nhân viên của Viettel Post như hiện nay, Tính từng làm thợ sửa chữa xe máy, bộ đồ nghề vẫn luôn sẵn trong nhà.
Có “thâm niên” lâu nhất trong nhóm, Đồng Minh Hiếu (23 tuổi) thì tình nguyện thành chàng trai cứu hộ ngay sau lần được các bạn trong nhóm hỗ trợ.
Khi đó Hiếu còn làm tài xế Grab, nửa đêm đã quá mệt mỏi, hỏng xe được mọi người giúp. “Trong tình huống đó mới thấu hiểu sự quý giá của việc được hỗ trợ biết nhường nào”, Hiếu chia sẻ.
Biết đến Đội cứu hộ Hà Nội và thân thiết với các thành viên của đội từ nhiều năm trước, nhưng khi đó Đào Xuân Nam (30 tuổi) vẫn đang say sưa với một công việc thiện nguyện khác.
“Nghe Quyền (Nguyễn Thọ Quyền - người sáng lập ra Đội cứu hộ Hà Nội) rủ nhiều lần nhưng em chỉ tham gia cho vui. Cách đây hơn 2 năm, khi thành viên của nhóm rơi rụng gần hết, em quyết định chính thức vào đội”, Nam hóm hỉnh chia sẻ.
Cứu hộ xuyên đêm
Đội cứu hộ Hà Nội hoạt động xuyên đêm giúp người đi đường bị hỏng xe
Đồng hồ nhích dần qua ngày mới. Nhận thêm 1 tin nhắn “một xe chết máy trên đường Láng cần hỗ trợ”, Dũng, Tính, Tuân nhanh chóng lên xe. Khuất trong bóng tối trên vỉa hè là đôi bạn trẻ đứng ngóng, bên cạnh chiếc xe máy xịt lốp. Dũng hỏi nhanh: “Có phải các bạn gửi tin nhắn đến Đội cứu hộ Hà Nội không?”. Chỉ sau cái gật đầu xác nhận, 3 bạn trẻ, ai vào việc đó.
Đeo nhanh chiếc đèn rọi lên đầu, Dũng cùng Tính nhanh tay nâng bánh xe, tháo lốp, tháo săm, bên cạnh Tuân cầm thêm chiếc đèn pin và chân dậm sẵn lên chiếc bơm. “Xe thủng săm lại hỏng cả van rồi, không vá được, chúng mình thay săm cho bạn nhé”, Dũng miệng nói và đôi tay lại thoăn thoắt tháo ra, lắp vào.
Tần ngần khi nhận được sự giúp đỡ, cậu sinh viên năm nhất, trường ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp Nguyễn Anh Việt (quê Cao Bằng) cho biết: “Không có các anh em chưa biết phải xử trí ra sao, vì đường từ đây về chỗ em trọ tận Lĩnh Nam xa lắm”.
Hoàn thiện nốt phần cuối cùng của việc sửa xe cũng là lúc điện thoại của Tính lại sáng đèn “thêm một ca nữa bên đường Trần Đăng Ninh”. Vừa nhanh tay thu dọn mớ đồ nghề, Tính vừa nhấc điện thoại gọi xác nhận với người cầu cứu hỗ trợ: “Đợi khoảng 10 phút nữa chúng mình có mặt”.
Trên hành trình lan tỏa sự tử tế đó, những người trẻ ấy không quản ngại, lăn xả cứu trợ mỗi khi nhận lời “cầu cứu”, bất kể thời tiết ra sao. Mặc dù đội giới hạn thời gian hoạt động từ 21h - 1h sáng, nhưng có nhiều ngày các thành viên làm đến 2h - 3h sáng mới nghỉ.
“Không ít trường hợp chúng tôi di chuyển 20km giúp đỡ, xong việc về đến nhà, số km tăng gấp đôi, 3h - 4h sáng mới được nghỉ ngơi, để hôm sau còn tiếp tục công việc của mình”, Quyền chia sẻ.
Có sức, có tâm nhưng thiếu tiền
Theo chia sẻ của Đội trưởng Nguyễn Thọ Quyền, hiện Đội cứu hộ Hà Nội duy trì khoảng 15 thành viên nhưng vẫn tiếp tục chiêu mộ thêm với mong muốn mở rộng các điểm trực ở khu vực ngoại thành. Đội cũng đã hoàn thiện để Ban Sơ cấp cứu TNGT có thể hoạt động.
Nhìn lại hành trình 7 năm qua, anh Quyền tâm sự không phải khi nào cũng thuận lợi: “Có khi tưởng chừng phải dừng vì rất ít thành viên, rồi không có kinh phí mua vật tư để hoạt động, trong khi anh em không ai khá giả”.
Để duy trì hoạt động, có khoảng thời gian rất ngắn, khi phải thay đồ cho khách, đội thu tiền bằng với giá gốc. Tuy nhiên, thấy việc này làm mất đi ý nghĩa ban đầu là “hỗ trợ miễn phí”, lại dễ hiểu nhầm nên anh em quyết định dừng hoàn toàn việc thu phí.
“Gần đây, đội thiết lập quỹ vật tư với đóng góp ban đầu từ chính anh em trong đội. Sau đó, có công khai trong Fanpage, quỹ ổn định dần khi được anh em, bạn bè và những người dân yêu quý nhóm đóng góp. Hiện, chúng tôi không phải lo lắng về quỹ này, tuy nhiên về lâu dài chưa biết có duy trì được không”.
Khi sự lan tỏa rộng hơn thì việc tiếp nhận sự cố sẽ nhiều và chi phí vật tư sửa chữa cũng sẽ tăng. Việc thu chi của quỹ sẽ được chúng tôi công khai, minh bạch và dùng vào việc mua vật tư.
“Tuy nhiên, với nguồn quỹ hiện nay, tôi vẫn nói với anh em trong đội khống chế tối đa chỉ thay khoảng 100 chiếc săm 1 tháng, còn lại cố gắng vá cho tiết kiệm”, vị Đội trưởng bày tỏ.
Kể về những kỷ niệm đáng nhớ, Đội trưởng Nguyễn Thọ Quyền cho biết, gần đây nhất, các thành viên của đội gặp tình huống “dở khóc dở cười” khi nhận cuộc cứu hộ vào giữa đêm 30/4.
Khi đến nơi, đội ngỡ ngàng thấy một nam thanh niên với khuôn mặt thiểu não ngồi bên cạnh chiếc xe máy Wave đã cũ bị tháo tung, săm, lốp, ốc vít ngổn ngang và tuột cả xích. Thì ra trước đó, xe xịt lốp, người thanh niên này phải dắt xe suốt dọc đường dài trong đêm vắng, thấy số điện thoại thợ sửa viết trên vỉa hè nên đã liên lạc.
Người thợ sửa ra giá 300 nghìn thay săm, tuy nhiên khi đến nơi, người này đã cố tình cắt đứt 2 tanh lốp, tháo cả xích và đòi 1,1 triệu đồng tiền sửa xe. Thấy cậu thanh niên không đủ tiền trả, tay thợ bỏ đi trong sự hoảng hốt của “khổ chủ”. May mắn, nhờ người anh biết đến thông tin của Đội cứu hộ Hà Nội nên đã liên lạc nhờ giúp đỡ.
Vì xe gặp sự cố phức tạp nên ngoài 2 thành viên trực ở khu vực Gia Lâm, Đội phải huy động thêm 2 thành viên khác ở nút trực Khuất Duy Tiến mang vật tư sang hỗ trợ. Xong việc thì đã hơn 2h sáng, các thành viên của đội mới lại trở về nhà.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận