Các thành viên Đội Cứu hộ thiện nguyện Hà Nội cứu hộ xe bất kể đêm tối hay rạng sáng |
Đêm “trắng” và những câu chuyện ân tình
Gần 12h đêm cuối năm, trời lất phất mưa và lạnh, trên đường trở về sau ca cứu hộ xe máy thủng săm ở đường Phạm Ngọc Thạch, anh Đỗ Long (SN 1984, thành viên Đội Cứu hộ) gặp 2 bạn sinh viên co ro trong gió lạnh, đang thất thểu dắt xe trên đường Tôn Thất Tùng.
“Mình liền tiến lại gần gợi ý muốn giúp đỡ, nhưng đêm khuya, 2 bạn ngại ngần từ chối. Mình bèn giới thiệu là thành viên của Đội Cứu hộ, giúp đỡ hoàn toàn miễn phí thì các bạn đồng ý cho mình sửa xe”, anh Long nhớ lại.
Do xe máy bị méo vành, anh Long phải gọi thêm người mang dụng cụ đến giúp. Trong lúc chờ đợi, hai bạn sinh viên tâm sự họ đã từng yêu nhau và đây là lần đi chơi cuối cùng rồi sẽ chia tay nhau. Quá trình tâm sự, anh Long thấy đôi bạn trẻ vẫn còn tình cảm với nhau. Bằng kinh nghiệm sống của bản thân, anh Long đã gợi ý, kể những câu chuyện vượt qua khó khăn để gìn giữ tình yêu, khiến đôi trẻ dần nắm chặt tay nhau. Cùng lúc, các thành viên khác trong Đội Cứu hộ mang dụng cụ đến. Mọi người khẩn trương sửa xe, vá săm, nắn lại vành, tới 3h20 sáng mới xong. “Đôi bạn cảm ơn mãi, cứ hứa khi nào cưới nhất định sẽ mời. Cả đám đứng ướt nhẹp trong mưa nhưng thấy hạnh phúc lan tỏa”, anh Long tâm sự.
Trong khoảng 18 tháng hoạt động, Đội Cứu hộ thiện nguyện Hà Nội đã cứu hộ được hơn 1.000 ca hư hỏng xe giữa đường. Không chỉ thế, đội cũng tham gia những hoạt động tình nguyện và từ thiện khác như hoạt động quyên góp ủng hộ người dân tại các vùng chịu thiệt hại sau mưa lũ, trao quà trung thu cho các bé huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn)... |
Anh Long cho biết, ban đầu khi tham gia Đội Cứu hộ, gia đình cũng thắc mắc vì đêm đêm cứ có cuộc gọi lạ là thấy anh lấy xe ra đường, nhưng dần dà mọi người cũng hiểu và ủng hộ anh. Có những thời điểm như tháng 1/2017, xe máy liên tục bị xịt lốp trên cầu Nhật Tân, cả Đội Cứu hộ cùng nhau chốt trực và thường xuyên di chuyển trên cầu, hễ gặp người bị thủng săm là dừng lại vá. “Có đêm Đội vá xe cả đêm, có lúc gần chục người bị dính đinh, xếp hàng chờ để được vá xe. Một hôm, chừng 2h sáng, trên cầu Nhật Tân, gặp một chú chở rau hướng từ Đông Anh sang, bèn gợi ý giúp chú thì bất ngờ 2 thanh niên lạ mặt tiến tới nói tụi tôi lừa đảo rồi gây hấn, chửi bới là cướp khách họ”, anh Long nhớ lại.
Biết những thanh niên này đã lợi dụng việc “đinh tặc” xuất hiện để bắt chẹt những người lưu thông trên cầu không may gặp sự cố bằng cách bán săm với giá từ 120-150 nghìn đồng, trong khi giá thị trường chỉ từ 40 - 70 nghìn đồng, Đội Cứu hộ đã trấn an chú chở rau và hỏi chú có quen 2 thanh niên kia không, chú bảo không. “Thế là chúng tôi tiếp tục thay săm giúp chú và 2 thanh niên kia cũng không dám to tiếng nữa”, anh Long nhớ lại.
Đến giờ, anh Nguyễn Văn Tuyên (SN 1992), một thành viên tích cực của đội cũng không nhớ nổi bản thân đã tham gia bao nhiêu ca cứu hộ, bởi hầu như tuần nào cũng đi cứu trợ, có ngày cứu hộ 2 - 3 xe. Anh Tuyên tâm sự, bản thân nhiều lần đi làm khuya về bị hỏng xe giữa đường, có lần phải dắt bộ hàng cây số vì các cửa hàng sửa chữa đã đóng cửa, nhà dân cũng ngủ say. Thấu hiểu sự khó khăn của những người hỏng xe máy ban đêm, anh Tuyên tham gia Đội Cứu hộ.
“Anh em trong đội cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sửa chữa xe, cách giúp đỡ, hỗ trợ người gặp nạn nhanh nhất trong đêm tối. Khi đi vá lưu động nên anh em không thể mang chậu nước đi được, bèn mang 1 chai nước hòa thêm dầu rửa bát để kiểm tra vết thủng săm xe”, anh Tuyên cho hay.
Anh Tuyên kể, khoảng 11h30 đêm 21/9/2017, trên đường đi làm về anh gặp 2 bạn xe bị dính đinh ở ngã tư Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng. Khi được 2 bạn đồng ý cho giúp đỡ, anh định vá săm thì một bác trung tuổi làm xe ôm đến gây hấn và đuổi đi vì cho rằng, đây là địa bàn làm ăn của bác ấy. Anh phải giải thích chỉ làm miễn phí giúp người hỏng xe ban đêm, bác xe ôm mới thôi không to tiếng nữa. Nhưng chiếc săm xe hỏng không vá được nữa, anh Tuyên liền lên page của đội thông báo tình hình, nhờ trợ giúp. Đọc được lời nhắn của anh Tuyên, chị Trần Thị Hoài Thương, cùng anh Đoàn Long là hai thành viên của đội lúc đó đang ở trường Đại học Thủy lợi, lập tức mang theo dụng cụ tới hiện trường. Ba người nhanh chóng thay săm tới 1h sáng mới xong.
Bạn Vũ Tiến, người bị hỏng săm đêm đó xúc động: “May nhờ các anh chị trong đội giúp đỡ em không phải dắt bộ xe về nhà và cũng không bị “chặt chém” giá cao. Trong xã hội đầy rẫy những toan tính này, khi sự thờ ơ, vô cảm ngày càng nhiều nhưng đâu đó, giữa người với người vẫn tồn tại những điều tốt đẹp”.
Khi lòng tốt lan tỏa
Anh Giáp Vân Trường, quản trị viên Đội Cứu hộ cho biết, Đội thành lập tháng 6/2016. Lúc đầu đội có hơn 20 người, mục đích để giúp đỡ mọi người trong những hoàn cảnh bất khả kháng, như hỏng xe, hết xăng, trẻ em nghèo vùng cao...
“Thành viên của Đội nằm rải rác khắp Hà Nội và được chia nhóm theo quận, mỗi quận có một đội trưởng. Hiện tại, Đội cũng đã mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài Hà Nội, hy vọng sau này có thể mở rộng ra toàn quốc”, anh Trường tâm sự.
Anh Trường cho biết thêm, để không ảnh hưởng đến công việc sửa chữa xe của các cửa hàng chuyên môn và thuận lợi cho công việc của các thành viên, đội chỉ cứu hộ vào thời điểm từ 21h30 tối hôm trước đến 4h sáng hôm sau. Để đảm bảo an toàn cho các thành viên trong quá trình hoạt động vào đêm khuya, hàng tháng, đội thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn kỹ năng phòng thân, cách tự vệ khi bị tấn công bất ngờ. Đồng thời, đội cũng đặt ra quy định mỗi lần cứu hộ sẽ đi 2 người trở lên, yêu cầu người cần cứu hộ dắt xe ra những đoạn đường lớn, có đèn sáng và kiểm tra thông tin cá nhân trên tài khoản Facebook của người đó để phòng ngừa nguy hiểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận