Nâng cao hiệu quả ATGT từ nghiên cứu khoa học
Phát biểu tại Hội nghị An toàn giao thông VN năm 2023 sáng 12/10, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, năm nay, hội nghị đã thu hút 150 chuyên gia, các nhà khoa học tham gia nghiên cứu về an toàn giao thông với 7 lĩnh vực: Quản lý ATGT, Hạ tầng và tổ chức giao thông, người tham gia giao thông, ứng phó sau tai nạn giao thông, an toàn giao thông đường sắt, an toàn giao thông đường thủy nội địa và hàng hải, kinh nghiệm quốc tế.
Ông Hùng nhấn mạnh: Bên cạnh những giải pháp tổ chức thực hiện, luôn cần những giải pháp về chuyên môn và khoa học để đảm bảo ATGT. Từ kết quả của những nghiên cứu sẽ đưa ra được các phương án hoàn thiện tổ chức, bộ máy quản lý giao thông hiệu quả hơn. Đồng thời, các nghiên cứu về tổ chức giao thông, hành vi tham gia giao thông của người điều khiển giao thông... cũng giúp cơ quan quản lý Nhà nước nghiên cứu, đưa ra các kết luận để có những khuyến cáo về chuyên môn, từ đó điều chỉnh các quy định pháp luật.
"Chúng ta cần những thông tin đa chiều để có bức tranh toàn diện, có giải pháp mang tính khoa học thực sự để qua đó xem xét, điều chỉnh quy định pháp luật, bổ sung những hướng dẫn, tiêu chuẩn, quy chuẩn mới, giúp việc nâng cao ATGT hiệu quả hơn", ông Hùng nói.
Hội nghị An toàn giao thông (ATGT) Việt Nam là hội nghị thường niên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhằm thu hút các nhà khoa học, chuyên gia tham gia nghiên cứu, đề xuất các giải pháp trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại Việt Nam.
Năm 2023 là năm thứ 8 hội nghị được tổ chức. Hội nghị năm nay đã thu hút gần 160 chuyên gia, nhà khoa học tham gia với 76 bài báo khoa học về ATGT trong cả 5 lĩnh vực đường bộ, sắt, thủy nội địa, hàng hải và hàng không.
Hội đồng xét duyệt đã lựa chọn 64 bài báo, công trình nghiên cứu để trình bày và thảo luận tại hội nghị; 33 bài đạt chất lượng tốt, có khả năng ứng dụng vào thực tế sẽ được đăng trên Tạp chí Giao thông vận tải số đặc biệt về An toàn giao thông Việt Nam 2023.
Ông Nguyễn Trọng Thái, nguyên Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia nhận định, các nghiên cứu của các chuyên gia năm nay được đánh giá cao về chất lượng. Nhiều nghiên cứu được phát triển từ thực tế, khoa học, đưa ra được các đề xuất, giải pháp thực tiễn, có thể ứng dụng vào thực tiễn như ứng dụng công nghệ trong quản lý giao thông, các biện pháp cứu chữa các vụ TNGT...
Hội nghị có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học để nghiên cứu, thảo luận về các phương án tăng hiệu quả trong đảm bảo an toàn giao thông (Ảnh: Tạ Hải).
Tăng cường ứng dụng công nghệ
Tại hội nghị, những nghiên cứu xuất sắc nhất, có khả năng ứng dụng thực tiễn cao tại Hội nghị ATGT năm nay đã được các chuyên gia thảo luận.
Một trong những nghiên cứu đáng chú ý là các hành vi nguy cơ cao dẫn đến TNGT trong học sinh, sinh viên, được tiếp cận từ lý thuyết hành vi. TS Lê Thu Huyền (Trường Đại học GTVT) cho biết, học sinh, sinh viên chiếm tỷ lệ lớn trong TNGT đường bộ, để lại hậu quả nghiêm trọng, tổn thất nặng nề với bản thân người bị nạn và toàn thể xã hội.
Do đó, việc áp dụng các biện pháp ATGT cần được thực hiện đồng bộ để thu được hiệu quả triệt để với các thành phần của hệ thống giao thông.
Theo TS Huyền, 5 nguyên nhân cơ bản trực tiếp dẫn đến TNGT gồm vi phạm tốc độ, vi phạm nồng độ cồn và ma túy, không đội mũ bảo hiểm, không thắt dây an toàn và sử dụng điện thoại di động khi lái xe.
"Các hành vi nguy hiểm này có phần gia tăng và hậu quả càng đặc biệt nghiêm trọng ở nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên", TS. Huyền nói và cho rằng, các giải pháp giải quyết hiện tại không có tác động lớn với nhóm đối tượng này. Tỷ lệ tái phạm sau khi bị xử lý ở nhóm đối tượng này khá cao.
Để thay đổi hành vi của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa tham gia giao thông đúng mực và an toàn, theo TS Huyền, cần áp dụng đồng bộ các giải pháp, từ đó cho phép thay đổi nhận thức và thói quen của người tham gia giao thông nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng.
Trong khi đó, TS Đặng Minh Tân (Trường Đại học GTVT) lại có góc nhìn về ATGT từ sử dụng làn ở một số tuyến đường cao tốc khu vực phía Bắc. Theo ông Tân, ở Việt Nam, các quy định, chế tài về việc sử dụng làn với các loại phương tiện khác nhau trên đường cao tốc chưa thực sự đầy đủ, rõ ràng. Không chỉ ở trên đường cao tốc mà trên nhiều tuyến đường ô tô thông thường, hầu hết tài xế đều muốn "chiếm" làn bên trái sát dải phân cách dù đi tốc độ rất chậm.
Thực trạng này gây ra nhiều vấn đề về ùn tắc, tai nạn giao thông hay gây tâm lý ức chế cho người điều khiển phương tiện.
Do đó, ông Tân đánh giá cần phát triển các quy định pháp luật, các giải pháp quản lý, kỹ thuật và chế tài về việc sử dụng làn đường trên hệ thống đường cao tốc để nâng cao hiệu quả sử dụng làn đường cao tốc, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
"Trước mắt với tuyến đường cao tốc có 6 làn xe, có thể nghiên cứu triển khai phương án tổ chức giao thông với xe tải chỉ được đi ở làn số 2 và làn số 3. Tăng cường sử dụng một số giải pháp sử dụng biển báo khuyến khích các phương tiện đi chậm đi về bên phải và nhường đường cho xe vượt", ông Tân nói và đề xuất phát triển giải pháp, ứng dụng hệ thống quản lý giao thông thông minh để quản lý, điều hành tổng thể đường cao tốc nói chung và giám sát vấn đề về tốc độ và sử dụng làn đường nói riêng.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hệ thống giao thông thông minh để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông cũng chính là một trong những giải pháp được đưa ra thảo luận tại hội nghị.
Chủ tịch Hiệp hội An ninh chuyên nghiệp châu Á - Chi hội Việt Nam Trần Trọng Vinh khẳng định, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện các hành vi vi phạm đang là xu hướng cần thiết để nâng cao ý thức người tham gia giao thông.
Cụ thể, hệ thống giao thông thông minh (ITS) kết nối các phương tiện, tín hiệu giao thông, trạm thu phí và cơ sở hạ tầng khác. Hệ thống sử dụng kết nối thông tin giữa hệ thống giao thông, phương tiện đang di chuyển và con người nhằm hình thành một mạng lưới, qua đó tối ưu việc vận hành và tham gia vào quá trình điều tiết giao thông
Hệ thống sẽ sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề của giao thông đường bộ, gồm việc xử lý tai nạn và ùn tắc giao thông, giúp giảm tắc nghẽn, ngăn ngừa tai nạn, giảm khí thải và giúp ngành giao thông vận tải hoạt động hiệu quả hơn.
"Ứng dụng trí tuệ nhân tạo là một trong những giải pháp cần thiết nhằm giảm TNGT, hướng đến mục tiêu thành phố thông minh, an toàn, không có tai nạn", ông Vinh nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận