Xóa gần 200 điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ trong 5 năm
Trở lại ngã tư cầu Bùng (giao QL1 với QL7B xã Diễn Kỷ, Diễn Châu, Nghệ An) - nơi từng được xếp vào diện “điểm đen về tai nạn giao thông” trên tuyến quốc lộ 1.
Theo ghi nhận của PV, mật độ phương tiện lưu thông qua nút giao này tăng cao hơn so với thời điểm cách đây 1 năm, tuy nhiên, tình trạng xung đột giao thông, ùn ứ phương tiện đã không còn xảy ra.
Nút giao ngã tư Cầu Bùng (giao QL1A và QL7b, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) trở nên thông thoáng sau khi được cải tạo.
Chị Nguyễn Thị Mai, chủ cơ sở kinh doanh ở đây phấn khởi cho biết: "Giờ tốt quá rồi nhà báo ạ. Không còn ùn tắc với tai nạn như trước nữa. Khách vào ra cửa hàng cũng thuận tiện hơn nên buôn bán tốt hơn trước khá nhiều".
Ông Nguyễn Việt Phương, Trưởng văn phòng quản lý đường bộ II.2 cho biết: "Trong quá trình quản lý theo dõi, quản lý tuyến, xác định nút giao ngã tư cầu Bùng là điểm đen TNGT, Khu QLĐB II đã báo cáo lên Cục ĐBVN xin cho phép đầu tư khắc phục.
Sau một thời gian nghiên cứu, thiết kế kỹ thuật, chọn phương án tối ưu, tháng 8/2022, dự án cải tạo điểm đen ngã tư cầu Bùng chính thức triển khai với kinh phí xây lắp là 2,8 tỷ đồng.
Phương án xử lý là mở rộng các góc cua, tạo làn cho xe rẽ phải khi đèn đỏ để giảm tải cho nút giao; thay thế hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông đã cũ và bổ sung đầy đủ hệ thống an toàn giao thông (ATGT) trong khu vực nút giao. Riêng công tác giải phóng mặt bằng do địa phương thực hiện.
“Vì đây là dự án cấp bách để đảm bảo an toàn giao thông nên trong quá trình triển khai, Khu Quản lý đường bộ II đã chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Nhờ địa phương bàn giao mặt bằng sớm, người dân đồng tình ủng hộ mà dự án triển khai rất thuận lợi.
Hợp đồng thi công trong 3 tháng nhưng nhà thầu hoàn thành sớm hơn dự kiến. Từ đó đến nay, tại vị trí ngã tư này đã không còn xảy ra ùn tắc giao thông cũng như tai nạn giao thông nữa”, ông Phương nói.
Cách đó khoảng 300m về phía Bắc, cũng là một điểm tiềm ẩn TNGT được xử lý từ năm 2021. Trước khi xử lý, vị trí này thường xuyên xảy ra va quệt và TNGT do học sinh, phụ huynh học sinh hai trường tiểu học và trung học cơ sở xã Diễn Kỷ đi cắt qua QL1.
“Từ lúc làm đường gom có hộ lan tôn, giao thông ở khu vực đã dần đi vào nền nếp. Mừng nhất là các cháu tới trường được an toàn. Tới đây, vị trí này sẽ có thêm đèn tín hiệu giao thông, lúc đó, các nguy cơ mất ATGT sẽ được triệt tiêu hoàn toàn”, ông Phương kỳ vọng.
Điểm đen ngã tư cầu Bùng và điểm tiềm ẩn TNGT ở Diễn Kỷ chỉ là 2 trong số gần 200 điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên các tuyến quốc lộ mà Khu QLĐB II đã ra soát, phát hiện và tiến hành xử lý.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Trưởng phòng Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, Khu QLĐB II cho biết: "Trên cơ sở phạm vi được giao quản lý đối với các tuyến, đoạn tuyến quốc lộ thuộc các tỉnh từ Thanh Hóa tới Thừa Thiên Huế, Khu đã chủ trì phối hợp với Ban ATGT các tỉnh, các cơ quan chức năng có liên quan của địa phương thường xuyên thực hiện rà soát và xử lý kịp thời các điểm đen và các điểm tiềm ẩn mất ATGT theo quy định.
Tính từ năm 2018 đến nay (8/2023), Khu đã xử lý được 118 điểm đen và 69 điểm tiềm ẩn TNGT. Riêng quý II&III/2023 đang triển khai xử lý 5 điểm đen mới phát sinh trên các tuyến QL1 (Huế), QL9 (Quảng Trị), QL45 và đường Hồ Chí Minh (Thanh Hóa).
“Quá trình theo dõi, hầu hết các vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT đã được xử lý đều phát huy hiệu quả, cơ bản không xảy ra tai nạn giao thông; một số trường hợp tại các nút giao thông, quá trình khai thác do vướng mặt bằng nên chưa thể mở rộng các góc cua của nút giao đảm bảo yêu cầu, do đó các phương tiện va quệt vào các đảo giao thông, hoặc có xảy ra tai nạn giao thông nhưng không xảy ra chết người.
Vì vậy Khu QLĐB II đã phối hợp với các đơn vị liên quan để điều chỉnh lại kích thước đảo giao thông cho phù hợp với quỹ đạo xe chạy. Cá biệt, tại một số nút giao có lưu lượng phương tiện giao thông lớn phải điều chỉnh giải pháp sang lắp đặt Hệ thống đèn tín hiệu (đèn xanh, đỏ)”, ông Hải cho biết thêm.
Chủ động rà soát, ngăn tai nạn từ những nguy cơ tiềm ẩn
Ông Phan Huy Chương, Phó ban chuyên trách Ban ATGT tỉnh Nghệ An khẳng định: "Để ngăn ngừa TNGT và những hậu quả đáng tiếc do nó mang lại thì việc cần làm đầu tiên là phải ngăn ngừa các nguy cơ dẫn đến tai nạn.
Trong những năm qua, Ban ATGT tỉnh Nghệ An đã phối hợp đồng bộ, kịp thời với Khu QLĐB II và các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, xử lý xong tất cả các vị trí được gọi là “điểm đen tai nạn giao thông” (theo tiêu chí Thông tư 26/2012/TT-BGTVT).
Hiện chúng tôi đang tiếp tục rà soát và đã thống kê còn khoảng 80 điểm tiềm ẩn TNGT trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường địa phương để tới đây có phương án xử lý".
Việc rà soát, khắc phục và xử lý sớm các vấn đề phát sinh trong quá trình khai thác hạ tầng các tuyến quốc lộ, bất cập trong tổ chức giao thông là một trong những yếu tố tiên quyết ngăn ngừa nguy cơ mất ATGT.
Theo lãnh đạo Khu QLĐB II, công tác đảm bảo ATGT, kéo giảm TNGT trên các tuyến quốc lộ không chỉ gói gọn trong hoạt động khắc phục điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT mà còn phải tổ chức hợp lý, khoa học ở khâu tổ chức giao thông, hay đôi khi chỉ là kẻ vạch sơn, cắm biển báo.
Để làm tốt việc này, Khu thường xuyên chỉ đạo các Văn phòng Quản lý đường bộ thuộc Khu và các đơn vị hợp đồng bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, chủ động phát hiện và khắc phục kịp thời các yếu tố gây mất an toàn trên hệ thống quốc lộ; thường xuyên kiểm tra để bổ sung, điều chỉnh kịp thời các bất hợp lý trong tổ chức giao thông (hệ thống cọc tiêu, biển báo đường bộ và các công trình phụ trợ khác).
Mặt khác, thường xuyên tổ chức rà soát và bổ sung đầy đủ biển báo hiệu đường bộ, vạch dừng, gờ giảm tốc, sơn kẻ vạch phân làn đường, nhất là vạch sơn tim đường, đề xuất bổ sung hệ thống phòng hộ ATGT, điều chỉnh điểm mở dải phân cách giữa… để đảm bảo ATGT. Dỡ bỏ các biển báo không đúng quy chuẩn. Đề xuất xây dựng các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trên các đèo dốc nguy hiểm.
Năm 2023, thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới; cũng như các kế hoạch của Bộ GTVT, Cục ĐBVN, Khu QLĐB II đã xây dựng và ban hành kế hoạch riêng, triển khai tới toàn bộ các phòng chức năng, các văn phòng QLĐB thuộc khu, các công ty bảo trì đường bộ, đơn vị BOT, từng các nhân tham gia vào công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng... nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và gắn trách nhiệm của từng người trong công việc được giao, phạm vi đơn vị quản lý.
“Khu QLĐB II đã tổ chức nhiều cuộc họp do Giám đốc Khu QLĐB II chủ trì, đồng thời biên tập tài liệu và tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho tất cả các cán bộ, công chức, nhân viên có liên quan đến công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ; nghiệp vụ và tuyến báo cáo, trình cơ quan nhà nước có trách nhiệm và thẩm quyền xử lý các vụ việc, hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, để mỗi cá nhân, mỗi đơn vị tăng cường nhận thức và trình độ để kịp thời xử lý công việc đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ mà Chính phủ, Bộ GTVT, Cục ĐBVN đã đề ra, cũng như đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới”, lãnh đạo Khu QLĐB II cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận