Uống rượu bia lái xe còn diễn biến phức tạp
Trao đổi với Báo Giao thông,TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, giáo dục là biện pháp quan trọng để tạo ra một thế hệ có nhận thức đúng đắn về tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông.
TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia
Ông đánh giá thế nào về tình hình tai nạn giao thông (TNGT) ở Việt Nam thời gian qua liên quan đến vấn đề rượu bia, nhất là ở các vùng dân tộc, tôn giáo?
Việc triển khai Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019 của Chính phủ rất hiệu quả, đã tác động làm thay đổi hành vi của người dân trong sử dụng rượu, bia khi lái xe, góp phần giảm sâu TNGT có liên quan rượu bia trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng vi phạm nồng độ cồn có chiều hướng gia tăng và gây ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. TNGT vùng đồng bào dân tộc và miền núi, nhất là liên quan đến mô tô, xe máy do thanh, thiếu niên hoặc người dân tộc thiểu số điều khiển vẫn còn phức tạp.
Vậy việc xử lý vi phạm nồng độ cồn được triển khai ra sao, thưa ông?
Qua theo dõi, tổng hợp thực tế cho thấy, quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn ở các địa phương không đồng đều. Bên cạnh một số nơi quyết liệt, vẫn còn một số địa phương tỷ lệ xử phạt hành vi vi phạm nồng độ cồn còn thấp, chưa hiệu quả.
Muốn thay đổi hành vi phải bắt đầu bằng những giải pháp bài bản
Pháp luật phòng chống tác hại của rượu bia đã đầy đủ nhưng việc thực thi trong thực tế không hề dễ dàng, nhất là đối với người dân ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa bởi những thách thức về tập tục, văn hóa của bà con. Đâu là giải pháp hữu hiệu, thưa ông?
Quan trọng nhất là việc giáo dục, tuyên truyền pháp luật ATGT cho đồng bào. Trong đó, giáo dục là cốt lõi. Nếu một người uống rượu ngay từ khi còn nhỏ, đến khi trưởng thành sẽ khó từ bỏ thói quen.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa giáo dục ATGT vào chương trình chính khóa. Vấn đề là cần tăng cường giáo dục ATGT đối với cả trẻ em. Muốn thay đổi hành vi phải bắt đầu bằng những giải pháp bài bản là giáo dục từ khi còn nhỏ. Trong 5 - 10 năm nữa sẽ có một thế hệ trẻ em nhận thức đúng đắn và đầy đủ về tác hại của rượu bia khi lái xe. Đây là việc cần kiên trì thực hiện.
Với đồng bào dân tộc, vấn đề quan trọng nhất là làm cho họ thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi. Vậy công tác tuyên truyền có gì khác biệt?
Chúng ta cần tăng cường tuyên truyền tác hại của việc có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện. Cách thức, công cụ, nội dung tuyên truyền phải phù hợp với phong tục, tập quán, thói quen, lối sống của đồng bào dân tộc.
Truyền thông, giáo dục phải gắn với lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử phạt. Quan trọng nhất, việc xử phạt phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, ngẫu nhiên và xử dụng thông tin người bị xử phạt để truyền thông. Xử phạt cũng là một hình thức giáo dục, tuyên truyền đến người dân.
Việc đưa quy định pháp luật với mức chế tài nặng chính là một thông điệp cảnh báo, thông điệp tuyên truyền rất mạnh mẽ đến người dân.
Nếu chỉ có giải pháp giáo dục và tuyên truyền liệu có chúng ta có đạt được mục tiêu, thưa ông?
Đúng vậy, bên cạnh giải pháp giáo dục và tuyên truyền chúng ta cần làm tốt công tác tuần tra, xử lý vi phạm. Chỉ cần xử phạt một vài trường hợp nghiêm khắc và thông tin đó được truyền tải đến tất cả người dân ở thôn bản sẽ giúp họ thay đổi hành vi.
Truyền thông phải đòi hỏi tính chất toàn diện, cụ thể. Phải đưa thông điệp để người dân hiểu đúng sự văn minh, tính nhân văn, đồng thời nếu vi phạm sẽ phải xử phạt.
Trân trọng cảm ơn ông!
Khẩu hiệu “đã uống rượu bia, không lái xe” do Ủy ban ATGT Quốc gia sử dụng từ năm 2014 đến nay vì xây dựng giá trị văn hoá phải thường xuyên, liên tục, không thay đổi. Để giảm TNGT, cần tiếp tục, kiên trì thực hiện "Đã uống rượu, bia không lái xe” và đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi xe máy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận