Sáng 1/6, tại bãi tập kết cát ngay cạnh đầu phía Nam cầu Đỏ (thôn Đông Hòa, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) khá nhộn nhịp. Hàng loạt xe ben nối đuôi nhau vào bãi lấy cát.
Xong xuôi, các xe này đổ ra QL1, qua cầu Đỏ xuôi về các ngả đường. Từ trong bãi đi ra, các xe ben này kéo theo cát vương vãi trên mặt đường QL1.
Bãi tập kết cát ngay cạnh QL1, xe tải ra vào thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, chỉ trong 1 giờ, có khoảng 10 lượt xe ben vào bãi tập kết này lấy cát. Ngay đầu đường vào bãi tập kết, cát đổ tràn cả một làn đường trong cùng bên phải, kéo dài cả trăm mét tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cao.
Theo người dân địa phương, đây là khu vực đông đúc xe cộ qua lại, khu vực bãi tập kết thường xuyên có xe ben ra vào nhưng không có biển cảnh báo cũng như các biện pháp đảm bảo ATGT nên nguy cơ xảy ra tai nạn rất lớn.
Bãi tập kết cát phía Nam cầu Đỏ vẫn chưa được phê duyệt các biện pháp bảo vệ môi trường do nằm trên đất ở.
“Cát từ các xe ben rơi vãi đầy đường gây nguy hiểm cho xe máy, xe đạp. Hôm trước có một học sinh đi xe đạp trượt cát ngã ra đường, may lúc đó không có xe lớn chạy tới”, ông H. người dân thôn Đông Hòa cho hay.
Các xe ben từ bãi tập kết kéo theo cát ra vương vãi mặt đường QL1, tiềm ẩn nguy cơ TNGT, ô nhiễm môi trường.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Đức Hùng, Chủ tịch UBND xã Hòa Châu cho hay, bãi tập kết cát tại phía Nam cầu Đỏ là của một hộ dân đã được cấp phép kinh doanh vật liệu. Qua kiểm tra, cát có nguồn gốc, hóa đơn đầy đủ.
Tuy nhiên, bãi cát này vẫn chưa được phê duyệt các biện pháp bảo vệ môi trường do kinh doanh trên đất ở chứ không phải đất thương mại - dịch vụ.
Mỗi ngày có hàng chục lượt xe ben ra vào bãi tập kết, tạo nên sự giao cắt, xung đột với các phương tiện chạy trên QL1
Ông Hùng thông tin thêm, xã đã nhận phản ánh của người dân qua đường dây nóng 2 lần về bãi tập kết này. Xã đã mời các cơ quan chức năng của huyện cùng chủ bãi tập kết làm việc. Qua đó, yêu cầu chủ bãi không nhập thêm cát, bảo đảm vệ sinh môi trường tại bãi tập kết, cho thời hạn đến ngày 10/4/2022 phải di dời hết nhưng sau đó các hộ xin gia hạn vì lượng cát nhiều, không di dời kịp.
“Cái sai cơ bản của các hộ (4 hộ kinh doanh cát tại xã Hòa Châu) là không phù hợp quy hoạch, bởi trên địa bàn huyện Hòa Vang chưa được quy hoạch điểm tập kết cát”, ông Hùng nói.
Việc đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình vận chuyển cát tại bãi tập kết này sơ sài.
Ông Hùng cho biết, sắp tới sẽ mời chủ bãi tập kết phía Nam cầu Đỏ lên làm việc lần nữa, đề ra thời hạn cụ thể để chấm dứt điểm này vì đây cũng là vị trí nhạy cảm, nguy cơ mất ATGT.
Theo Phòng TN&MT huyện Hòa Vang, hiện nay trên toàn huyện có 29 trường hợp kinh doanh tập kết bến bãi. Trong đó, 18 vị trí tập kết trên đất ở nông thôn, 11 vị trí tập trung trên đất do UBND xã quản lý.
Đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 4 trường hợp đã di dời xong, 12 vị trí đang tiến hành di dời. Trong số các bãi tập kết cát được thống kê lần này có 4 vị trí không có giấy phép kinh doanh, 25 vị trí có giấy phép kinh doanh do UBND huyện Hòa Vang cấp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận