12 địa phương tăng tai nạn đường sắt
Cục Đường sắt VN cho biết, từ ngày 16/12/2018 - 15/9/2019, trên mạng lưới đường sắt quốc gia xảy ra 207 vụ TNGT đường sắt, làm chết 94 người và bị thương 114 người; giảm hơn 3,7% số vụ và hơn 9,6% người chết so với cùng kỳ năm trước nhưng tăng 14% số người bị thương. Đáng lưu ý, có 75 vụ xảy ra tại các lối đi tự mở, 41 vụ xảy ra tại đường ngang phòng vệ bằng biển báo, còn lại do người đi bộ băng qua đường sắt không chú ý quan sát.
Đơn cử, ngày 31/7, xảy ra vụ TNGT đường sắt đặc biệt nghiêm trọng giữa tàu SE27 và ô tô khách tại đường ngang biển báo Km 1465+810, khu gian Sông Lòng Sông - Sông Mao, thuộc địa phận xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, làm 3 người chết và 1 người bị thương. Sáng cùng ngày, vào lúc 11h20 tại địa bàn huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình xảy ra một vụ tai nạn đường sắt, chỉ vì cố vượt qua đường tàu dù barie gác chắn đã hạ xuống, một người phụ nữ đã bị tàu SE12 tông phải và tử vong tại chỗ. Thống kê của Ủy ban ATGT cũng cho thấy, TNGT đường sắt trong tháng 7/2019 làm 20 người chết, tăng 11 người so với tháng trước.
Khoảng hai tháng gần đây, trên đường sắt quốc gia xảy ra khoảng chục vụ tai nạn tại các giao cắt giữa đường ngang, khiến người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thiệt mạng.
Gần đây, 9h ngày 27/9 tại Km 8+050 khu gian Giáp Bát -Văn Điển, tuyến đường sắt Bắc - Nam, tàu khách Thống Nhất SE5 chạy hướng Hà Nội - TP HCM khi đến vị trí trên đâm va vào một xe máy đang vượt qua, khiến một nam thanh niên tử vong. Vị trí xảy ra tai nạn được xác định là lối đi tự mở thuộc thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Nguyên nhân do nạn nhân điều khiển xe không chú ý quan sát, vượt ẩu qua đường sắt.
Liên quan đến ô tô, khoảng 4h ngày 1/10, xe đầu kéo BKS 51D-335.68 kéo theo rơ-moóc lưu thông hướng từ QL1 đến xã Phước Trung (huyện Bác Ái, Ninh Thuận), khi đến khúc cua có điểm giao nhau với đường sắt tại khu gian Tháp Chàm - Phước Thuận va chạm với tàu chạy tuyển TP HCM - Nha Trang. Hậu quả xe container đứt làm đôi, tàu hỏa móp đầu.
“Trong 9 tháng 2019, 12 địa phương tăng số vụ TNGT đường sắt so với cùng kỳ năm 2018. Đứng đầu danh sách này là Khánh Hòa tăng 12 vụ, tăng 6 người chết, tiếp sau là Thừa Thiên - Huế tăng 4 người chết, còn lại là các địa phương Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Lào Cai, Lạng Sơn, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Ninh, TP HCM, Vĩnh Phúc”, Cục Đường sắt VN cho hay.
Ai có trách nhiệm quản lý?
Luật Đường sắt quy định lối đi tự mở là đoạn đường bộ giao nhau với đường sắt do tổ chức, cá nhân tự xây dựng và khai thác khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Luật này cũng quy định nghiêm cấm hành vi tự mở lối đi qua đường sắt; xây dựng trái phép cầu vượt, hầm chui, cống hoặc công trình khác trong phạm vi đất dành cho đường sắt; khoan, đào trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt.
Thống kê của Cục Đường sắt VN và TCT Đường sắt VN cho thấy, đến tháng 8/2019 trên hệ thống đường sắt quốc gia còn tới 4.040 lối đi tự mở, 1.518 đường ngang hợp pháp, vi phạm công trình, kết cấu hạ tầng đường sắt là 11.544 vị trí, vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thông tin tín hiệu đường sắt là 6.219 vị trí.
Đại diện Cục Đường sắt VN cho biết, Nghị định số 65/2018 (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt 2017) có quy định cụ thể về quản lý lối đi tự mở. Cụ thể, theo Điều 13, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức lập hồ sơ quản lý, lộ trình thực hiện các biện pháp bảo đảm ATGT đường sắt tại các lối đi tự mở trên đường sắt trong phạm vi quản lý. Tổ chức quản lý, theo dõi các lối đi tự mở, kịp thời có biện pháp ngăn chặn các lối đi tự mở phát sinh.
Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành GTVT đường sắt chịu trách nhiệm phối hợp với UBND cấp tỉnh để thực hiện; đồng thời, kiểm tra, đề xuất với UBND cấp tỉnh các biện pháp đảm bảo ATGT đường sắt tại các lối đi tự mở trên đường sắt quốc gia.
Đối với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, chịu trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp với UBND các cấp lập hồ sơ quản lý, lộ trình thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn tại các lối đi tự mở trên đường sắt quốc gia khi được giao, cho thuê hoặc chuyển nhượng. Quản lý hồ sơ, kiểm tra, cập nhật các lối đi tự mở trên đường sắt quốc gia để phục vụ công tác quản lý; kịp thời phát hiện, báo cáo và phối hợp với UBND các cấp có biện pháp ngăn chặn lối đi tự mở phát sinh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận