Cố một giây hối hận cả đời
Đã ba ngày trôi qua kể từ sau vụ tai nạn giao thông kinh hoàng xảy ra lúc 1h30 sáng 23/1, trên tuyến La Sơn – Hoà Liên (qua địa phận TP Đà Nẵng) khi chiếc xe khách BKS 47B - 010.67 do tài xế Phương Thanh Tùng (36 tuổi, trú huyện EaH' Leo, tỉnh Đắk Lắk) điều khiển bất ngờ lao ra khỏi đường, đâm vào hộ lan cứng bê tông cốt thép và rơi xuống vực sâu.
Vụ tai nạn làm 2 người tử vong, 20 người khác may mắn chỉ bị thương song chắc hẳn mỗi đêm đều giật mình thon thót vì chưa thoát khỏi nỗi sợ hãi, ám ảnh.
Đáng tiếc, nguyên nhân ban đầu được xác định bên cạnh yếu tố khách quan là trời mưa, sương mù còn có yếu tố chủ quan do tài xế xe khách buồn ngủ nên đã gây tai nạn.
Trước đó, nhiều vụ TNGT cũng xảy ra bởi nguyên nhân này. Khoảng 17h15 ngày 25/7/2023, trên tuyến La Sơn - Túy Loan, xe khách giường nằm BKS 47F-000.88 do anh Trần Xuân Hoàn (SN 1984, tỉnh Đắk Lắk) điều khiển, khi đến Km 11+700 thì lao qua lề đường phía bên phải đâm vào vách núi.
Theo hành khách, thời điểm xảy ra tai nạn, xe khách chạy nhanh và tài xế có dấu hiệu ngủ gật trước khi bị lật.
Chỉ 6 ngày trước đó, trên QL1 đoạn qua tổ dân phố 1, thị trấn Mộ Đức, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi cũng xảy ra vụ TNGT khi ô tô tải lao vào nhà dân bên đường khiến hai người tử vong. Tại cơ quan điều tra, tài xế khai khi lưu thông đến khu vực trên, mắt ông bị mờ và mất cảm giác điều khiển phương tiện.
Theo một cán bộ CSGT tỉnh Quảng Ngãi, do hành trình di chuyển quá dài, khi đến địa điểm trên, ông Cường đã ngủ gật, không làm chủ được hành vi trong quá trình điều khiển xe mới dẫn đến tai nạn.
Thống kê của Bộ Công an, năm 2023, toàn quốc xảy ra 21.880 vụ TNGT đường bộ, phân tích nguyên nhân gây tai nạn giao thông có 0,33% do mệt mỏi, ngủ gật (khoảng 72 vụ).
Siết quản lý thời gian làm việc của lái xe đối với doanh nghiệp
Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Minh Hiếu cho biết, đối với lái xe kinh doanh vận tải cường độ làm việc quá cao dẫn đến việc không có thời gian nghỉ ngơi và ngủ, gây ra tình trạng ngủ gật hay không tỉnh táo khi lái xe.
Trách nhiệm trước tiên vẫn thuộc về người lái xe vì không điều chỉnh, sắp xếp được thời gian làm việc của bản thân, đôi khi vì mong muốn tăng thêm doanh thu/lợi nhuận dẫn đến tình trạng "lái cố" và bị quá sức.
Tuy nhiên, cũng phải xét đến trách nhiệm của doanh nghiệp bởi nhiều trường hợp doanh nghiệp đòi hỏi lái xe làm việc quá thời gian quy định hoặc không có động thái hay biện pháp ngăn chặn tình trạng này (dù có thể làm được thông qua dữ liệu hành trình GPS hay camera trên ô tô).
Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt) cho biết, hiện nay, việc quản lý thời gian làm việc của lái xe được thực hiện thông qua thiết bị giám sát hành trình (GSHT).
Khi tài xế lên xe bắt đầu ca làm việc sẽ phải quét giấy phép lái xe (GPLX) vào thiết bị này để hệ thống ghi nhận và tính giờ làm việc.
Khi đổi ca, tài xế mới thay cũng phải thực hiện thao tác này để ghi nhận việc đổi lái cũng như tính thời gian làm việc cho tài xế mới thay.
Tuy nhiên, một lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho rằng, quy trình quản lý này vẫn còn bất cập bởi không loại trừ khả năng tài xế dùng GPLX của đồng nghiệp để quét khi đến thời gian giao ca nhưng thực chất không thực hiện việc đổi lái.
Đơn cử như vụ tai nạn trên tuyến La Sơn – Hoà Liên mới đây, thời điểm xảy ra tai nạn, cơ quan chức năng không nhận được dữ liệu của xe do thiết bị giám sát hành trình (GSHT) đã bị tắt hai ngày trước.
Tài xế Phương Thanh Tùng cũng không kiểm tra thiết bị còn hoạt động hay không trước khi xuất bến, khi thay tài, lái xe cũng không quẹt GPLX vào thiết bị.
Do đó, lãnh đạo Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội kiến nghị cần trang bị camera nhận diện khuôn mặt song song với việc quét bằng lái xe, đảm bảo tài xế chấp hành đúng quy định.
Đồng quan điểm, TS Hiếu cho biết, tại Việt Nam việc quản lý thời gian lái xe của tài xế còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp nhìn chung không giám sát việc này, thậm chí trong một số trường hợp còn đòi hỏi người lái xe phải làm việc quá thời gian quy định. Do đó, có thể xem xét quy định các doanh nghiệp phải có danh sách lái xe và thống kê thời gian làm việc thực tế tương ứng của họ, các thông tin này cần phải được cập nhật và tích hợp lên hệ thống quản lý.
Thông số này cũng phải tương thích với thời gian các xe hoạt động thực tế của doanh nghiệp. Khi có tai nạn xảy ra, các thông tin này cần được trích xuất và là cơ sở để xem xét thêm trách nhiệm của doanh nghiệp. Việc quản lý phòng chống lái xe khi mệt mỏi buồn ngủ cần được quan tâm nhiều hơn so với hiện nay.
Song song với đó, theo ông Tạo, cần tăng cường tuyên truyền rộng khắp nhằm nâng cao nhận thức của tài xế, công khai các mức hình phạt vi phạm giờ làm việc của tài xế cũng như việc xét xử các vụ TNGT nghiêm trọng do lái xe ngủ gật gây ra.
Cùng với đó, các doanh nghiệp, tài xế cá nhân có thể trang bị thêm các thiết bị hỗ trợ cho lái xe tỉnh táo trong quá trình tham gia giao thông, thông qua các cảm biến đo được trạng thái buồn ngủ của tài xế thông qua mi mắt, cử động khuôn mặt, quỹ đạo xe để đưa ra cảnh báo cho tài xế thông qua âm thanh (còi), rung lắc trên vô lăng… nhắc nhở lái xe tỉnh lại, giúp lái xe đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Các trang bị này hoạt động độc lập, không có sự can thiệp vào hệ thống điện, hệ thống cơ nên không ảnh hưởng đến ATKT của xe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận