Tổ chức đại lễ cầu siêu cho nạn nhân tử vong do TNGT tại Huế
Ông Lê Kim Thành, Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, ở Việt Nam, mỗi ngày có khoảng 30 người bước ra khỏi nhà và không bao giờ quay trở về. Điều đó đồng nghĩa với mỗi ngày có hàng trăm gia đình phải gánh chịu sự mất mát, đau thương.
Những di chứng mà mỗi tai nạn giao thông (TNGT) để lại luôn kéo dài và không thể lường hết được, khiến xã hội cũng bị tổn thương nghiêm trọng. Gia đình nạn nhân và ngân sách quốc gia phải chịu thêm gánh nặng để khắc phục hậu quả của TNGT hằng năm.
Điều đó đe dọa đến những thành quả của tăng trưởng kinh tế, đồng thời làm tổn thương đến hình ảnh một đất nước an toàn trong mắt bạn bè quốc tế.
Theo ông Thành, thông qua các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cùng nhiều hành động mạnh mẽ và những cam kết xã hội, Việt Nam đang làm mọi cách để giảm thiểu số vụ TNGT, giảm thiểu số người chết và bị thương.
Tuy nhiên, cần phải làm nhiều hơn nữa. Nhà nước, các tổ chức xã hội, các đoàn thể và từng cá nhân cần tiếp tục chung tay hành động và hành động một cách quyết liệt.
Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do TNGT nằm trong Kế hoạch của Ủy ban ATGT Quốc gia về bảo đảm ATGT năm 2024 với chủ đề "Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông".
Đồng thời, phù hợp với Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc, hưởng ứng "Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT" hằng năm; là một trong những hoạt động chính của Chương trình phối hợp tuyên truyền, giáo dục, vận động "Tăng Ni, Phật tử tham gia bảo đảm TTATGT" giữa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban ATGT Quốc gia.
Với tinh thần "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại", năm 2024, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do TNGT vào ngày 30 và 31/8/2024.
Chương trình bao gồm phần nghi lễ cầu siêu và lễ hành chính, dâng hương, diễn ra tại Chùa Từ Đàm, số 1 đường Sư Liễu Quán, phường Trường An, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
"Đây là một sự kiện đặc biệt, là dịp để mọi người bày tỏ niềm thương xót với những người xấu số khi tham gia giao thông; bày tỏ sự chia sẻ mất mát, chia sẻ gánh nặng với người thân của họ.
Đại lễ cũng là một cơ hội nhắc nhở chính mình, người thân, bạn bè, các thành viên trong cộng đồng… về tầm quan trọng của việc phải chủ động góp phần tạo ra một môi trường giao thông an toàn cho mình và cho cộng đồng; giúp phong trào "Tăng, ni, phạt tử tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông" trở thành phong trào rộng khắp cả nước, góp phần giảm thiểu TNGT và thiệt hại do TNGT", ông Thành nhấn mạnh.
Theo ông Thành, đại lễ cầu siêu nạn nhân tử vong các năm trước đã tổ chức tại các tỉnh miền Nam và miền Bắc. Năm 2024 là năm đầu tiên tổ chức ở miền Trung và tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, địa phương có số lượng nạn nhân tử vong do TNGT lớn thời gian qua.
Trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội
Tại buổi họp báo, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, đại lễ cầu siêu được tổ chức không chỉ với mục đích cầu nguyện cho linh hồn các nạn nhân không may bị tử vong do TNGT được siêu thoát mà còn để san sẻ mất mát, đau thương với các gia đình nạn nhân.
Đồng thời, để nhắc nhở các phật tử và mọi người dân nâng cao ý thức trách nhiệm, tự quý lấy bản thân mình và cùng chung tay với cộng đồng hướng đến mục tiêu ATGT.
Để làm được điều này, Thượng tọa Thích Đức Thiện nhấn mạnh cần phải tích cực tuyên truyền trong công tác bảo đảm TTATGT.
Trong đó, tổ chức đại lễ cầu siêu là một hoạt động ý nghĩa, đã được tổ chức thường niên, có sự lan tỏa lớn, là sự an ủi đối với các gia đình nạn nhân tử vong do TNGT, được toàn xã hội, đoàn thể chính trị quan tâm.
"Các vụ TNGT xảy ra chủ yếu là do ý thức của người tham gia giao thông. Mỗi người có ý thức với sinh mạng của chính mình cũng là cách báo hiếu với tổ tiên và là trách nhiệm với cộng đồng", Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.
Về chương trình tổ chức đại lễ cầu siêu, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết sẽ mời đại diện gia đình các nạn nhân tử vong do TNGT ở miền Trung đến tham gia, ngoài ra sẽ có trao quà động viên cũng như hỗ trợ họ trong việc di chuyển.
Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, hiện Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tổng hợp danh sách các gia đình nạn nhân tử vong do TNGT tham gia, đối với trao quà động viên sẽ ưu tiên các gia đình nạn nhân thuộc diện hộ nghèo và các trẻ mồ côi cha mẹ do TNGT.
Dự kiến, đại lễ cầu siêu sẽ có 5.000-6.000 lượt người tham gia, các hoạt động của đại lễ sẽ được phát trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trong 7 tháng đầu năm 2024 (từ ngày 15/12/2023 - 14/7/2024) toàn quốc xảy ra 14.242 vụ, làm chết 6.204 người, bị thương 10.976 người.
So với 7 tháng năm 2023, tăng 1.854 vụ (tăng 14,97%), giảm 717 người chết (giảm 10,36%), tăng 2.720 người bị thương (tăng 32,95%).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận