Giảm thương vong nếu đội MBH
Khoảng 17h30 ngày 1/3, một xe tải lưu thông trên tuyến ĐT744 theo hướng từ TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đi huyện Dầu Tiếng, khi đến đoạn ngã tư Phú Thứ, xã Phú An đã va chạm với xe máy chở 4 người, khiến 2 người phụ nữ bị thương, trong khi 2 con nhỏ khoảng 3 - 5 tuổi tử vong thương tâm.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu hai cháu nhỏ được đội mũ bảo hiểm, có lẽ không xảy ra hậu quả đáng tiếc như vậy.
Tình trạng phụ huynh chủ quan không đội mũ bảo hiểm cho con khi đi mô tô, xe máy diễn ra phổ biến
PGS. TS. Nguyễn Đức Chính, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, tại Việt Nam, thương tích do TNGT đứng hàng đầu trong các nguyên nhân gây tai nạn thương tích (38,5%), tỷ lệ tử vong do TNGT cũng đứng hàng đầu trong các nguyên nhân tử vong do chấn thương (57,3)%, trong đó chủ yếu do chấn thương sọ não.
Theo ông Chính, khi xảy ra tai nạn, trẻ em đang ngồi trên xe máy sẽ bị rơi xuống đường với khoảng cách gần 1,5m và vận tốc rơi là 19km/h. Với vận tốc này, sự va đập xuống mặt đường sẽ rất mạnh và có thể gây tử vong ngay lập tức hoặc ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến não của trẻ nếu không đội MBH.
“Việc đội MBH đạt chuẩn cho trẻ từ 3 - 6 tuổi làm giảm nguy cơ chấn thương đầu và chấn thương sọ não tới gần 70% và giảm nguy cơ chấn thương sọ não nghiêm trọng tới gần 80% nếu không may xảy ra tai nạn giao thông. Kết quả này đúng cho mọi độ tuổi, kể cả trẻ em, theo nghiên cứu của các chuyên gia trên thế giới”, ông Chính cho hay.
Theo một chuyên gia giao thông, hiện chỉ quy định việc bắt buộc đội MBH cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy. Nguyên nhân là do ngành y tế lo ngại xương cổ trẻ dưới 6 tuổi còn mềm, nếu đội mũ thì khả năng xảy ra va chạm có thể gây tổn thương xương cổ của trẻ.
PGS. TS. Phạm Việt Cường, Đại học Y tế công cộng cho rằng, theo kết quả khảo sát tại 10 tỉnh, thành phố cho thấy, chỉ có 44% trẻ đội mũ bảo hiểm, có địa phương chỉ đạt 28%. Riêng trẻ dưới 6 tuổi thì chủ yếu khuyến nghị để cha mẹ đội mũ cho con.
“Chúng ta đang nhận thức sai lầm cho rằng, trẻ em dưới 6 tuổi không cần đội MBH khi ngồi trên mô tô, xe máy. Ngoài ra, do không bị phạt nên nhiều bậc phụ huynh, người lớn chở trẻ dưới 6 tuổi không có ý thức đội MBH cho con, cháu mình. Chính vì vậy, quy định đội mũ cho trẻ dưới 6 tuổi là cần thiết”, ông Cường nhấn mạnh.
Theo Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VP Luật Tinh thông, Luật GTĐB 2008 đã quy định người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe gắn máy phải đội MBH có cài quai đúng quy cách.
Tuy nhiên Nghị định 123/2021 quy định phạt tiền đối với người điều khiển xe nhưng lại trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi. Khi xảy ra tai nạn, trẻ nhỏ lại là đối tượng chịu tổn thương lớn hơn so với người trưởng thành. Do đó, nên bổ sung quy định.
Hoàn thiện quy định xử phạt
PGS. TS. Nguyễn Đức Chính cho biết, theo đánh giá của các chuyên gia nhi khoa hàng đầu thế giới, hiện không có một dữ liệu chính thức nào kết luận phần cổ của trẻ em sẽ bị tổn thương nếu đội MBH được thiết kế đúng quy chuẩn và được cấp giấy chứng nhận chất lượng.
“MBH chuẩn của trẻ em là loại khá phổ biến trên thế giới, được thiết kế rất gọn, nhẹ nên không thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển đốt sống cổ của trẻ. Trẻ em các nước đội MBH khi đi xe đạp, chơi thể thao khá phổ biến và được quy định ở nhiều nước”, ông Chính cho biết.
Tại Ấn Độ, nước có tỷ lệ sử dụng xe máy rất cao này cũng đã ban hành quy định khi chở trẻ em dưới 4 tuổi bắt buộc phải có đai cố định với người lái và phải sử dụng MBH cho trẻ em. Các kinh nghiệm của Ấn Độ là tài liệu tham khảo rất tốt cho Việt Nam.
Ông Trần Hữu Minh, Chánh VP Ủy ban ATGT Quốc gia
PGS. TS. Phạm Việt Cường cũng cho rằng, cần nghiên cứu để sớm ban hành những quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ trẻ khi tham gia giao thông bằng xe máy.
“Đơn cử như bổ sung tiêu chuẩn, quy chuẩn MBH cho trẻ dưới 6 tuổi; hoàn thiện quy định về xử phạt về hành vi không đội MBH cho trẻ em dưới 6 tuổi trên mô tô, xe máy bằng việc sửa đổi Nghị định 123/2021. Đồng thời, có thể mở rộng nghiên cứu các quy định về tốc độ khi chở trẻ em, cũng như các kết cấu ghế hoặc đai được chuẩn hóa khi chở trẻ em dưới 6 tuổi trên xe máy”, ông Cường nói.
Đồng quan điểm, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, đối với trẻ dưới 6 tuổi, trong điều kiện buộc phải chở, cần có các giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ, đặc biệt đối với các bé từ 3 - 5 tuổi, đã có khả năng tự ngồi trên xe.
“Tuy nhiên, hiện chưa có quy chuẩn MBH dành cho trẻ dưới 6 tuổi nên khi quy định trẻ dưới 6 tuổi phải đội MBH cần xem xét sớm ban hành tiêu chuẩn này. Đây chính là khoảng trống pháp luật cần nghiên cứu lấp đầy”, ông Tạo nói và cho biết: Xây dựng quy chuẩn về MBH cho trẻ em không nên đi vào các tiêu chí cứng như khối lượng bao nhiêu, độ lún thế nào mà cần tham khảo kinh nghệm các nước, MBH phải nhẹ và thoải mái cho trẻ sử dụng mà không làm ảnh hưởng đến đầu và xương cổ còn chưa hoàn thiện của trẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận