Chiếc xe công nông chở xi măng, sắt thép trên tỉnh lộ 206 (xã Gia Phạm, huyện Yên Mỹ) |
“Hung thần” xuống đường, ra quốc lộ
Ngày 30/7, PV Báo Giao thông có mặt trên QL5 đoạn giáp ranh giữa huyện Văn Lâm - huyện Yên Mỹ và ghi nhận một chiếc xe công nông chở xi măng cao ngất và cuộn thép dài quét xuống mặt đường chạy “thục mạng” từ huyện Văn Lâm sang tỉnh lộ 206 (xã Gia Phạm, huyện Yên Mỹ). Không những thế, trên nóc xe còn có một người đàn ông ngồi vắt vẻo hô hét, dẹp đường khiến người đi đường dạt ra để tránh.
Tại tuyến đường đê sông Hồng đoạn qua địa phận huyện Khoái Châu và Kim Động, hàng ngày vẫn có hàng chục xe công nông đầu dọc, đầu ngang và xe ba bánh tự chế chở cát, gạch, đá và nông sản vô tư nối đuôi nhau tung hoành suốt ngày đêm, gây bụi bặm, tiếng ồn, cày nát tuyến đường bê tông dân sinh chạy song song với tuyến đê sông Hồng, gây nguy cơ TNGT.
Tại làng nghề tái chế nhựa Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh (huyện Văn Lâm), hàng chục chiếc công nông, xe tự chế chất đầy những bao tải nhựa thản nhiên rú ga ầm ĩ, lao nhanh trong từng ngõ ngách, mặc cho diện tích đường nhỏ hẹp, nhiều ổ gà và đông người qua lại.
Ông Phạm Minh Đức, người dân xã Chí Tân, huyện Khoái Châu cho biết, xe công nông chủ yếu chở cát, đá cho các gia đình xây dựng nhà ở. Nhìn cũng biết không an toàn. Đèn, còi thì không có, khói xả ra thì đen kịt, mấy người lái xe cũng chạy rất ẩu, phóng nhanh, rượt đuổi nhau gây bức xúc cho người dân. Nhưng xe công nông ở đây vận chuyển rẻ, luồn lách được vào mọi nẻo đường, nên vẫn được chuộng.
Khó xử lý (?!)
Theo anh Nguyễn Văn Hòa, lái xe công nông đầu dọc ở xã Đông Ninh, huyện Khoái Châu, chi phí mua một chiếc công nông đầu ngang chỉ từ 25 - 30 triệu đồng, đầu dọc chỉ 7-8 triệu đồng. Đầu tư ít lại không cần GPLX, không đăng ký, đăng kiểm, không lệ phí đường bộ nên xe công nông thu hồi vốn nhanh hơn đầu tư xe tải nhiều.
Anh Nguyễn Công Tiến, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu cho biết: “Thực tế, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư vài trăm triệu đồng để mua xe tải cỡ nhỏ, nhưng sau một thời gian chạy phải bán đi vì không làm ăn được, bởi hầu hết các đơn hàng chúng tôi nhận chở đều là khu đông dân cư, đường sá chật hẹp, xe tải không thể vào được các ngõ ngách. Mặc dù xe công nông đã bị cấm nhưng vì công ăn, việc làm nên chúng tôi chạy lén lút và chỉ dám chạy trong ngõ, xóm, đường nông thôn”.
"Từ đầu năm đến nay, CSGT Văn Lâm đã thu giữ 9 chiếc xe công nông. Hiện còn một số chiếc xe vẫn đang được người dân cố tình sử dụng trong các đường làng, ngõ xóm." Trung tá Lương Xuân An |
Có lẽ đó là lý do trên địa bàn các huyện của Hưng Yên đang có tình trạng xe công nông bùng phát trở lại. Ông Đỗ Mạnh Chuông, Phó ban ATGT huyện Văn Lâm xác nhận, dù trước đây, việc thu hồi và hỗ trợ xe công nông cho người dân trên địa bàn đã triển khai nhưng thời gian gần đây loại phương tiện này đang có dấu hiệu bùng phát trở lại. “Việc truy quét, xử lý xe công nông đang hoạt động trên địa bàn không hề đơn giản, nhiều lần chính quyền đã ra quân truy quét nhưng không xử lý được vì họ rủ nhau trốn hết”, ông Chuông cho biết.
Theo Trung tá Lương Xuân An, Đội trưởng Đội CSGT huyện Văn Lâm, trong quá trình xử lý các xe công nông, xe ba bánh vi phạm, lực lượng chức năng thường xuyên “vấp” phải không ít khó khăn, như lái xe không chịu hợp tác, vứt xe bỏ đi. Qua kiểm tra, đa số các xe công nông, xe ba bánh bị tạm giữ, lái xe đều không có GPLX, hoặc không phải thương, bệnh binh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận