Đoàn xe công nông, độ chế chở người nối đuôi nhau chạy trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua xã Thuận An, Đắk Mil, Đắk Nông) |
Ẩn họa mang tên công nông, độ chế
6h sáng 20/11, PV Báo Giao thông có mặt trên đường Hồ Chí Minh (QL14 cũ) đoạn qua địa bàn các huyện: Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) và ghi nhận từng đoàn xe công nông, độ chế, chạy bằng vô lăng chở chật kín người và hàng hóa phía sau tấp nập tham gia giao thông. “Đang mùa thu hoạch cà phê, nên trên đường nào cũng thấy xe công nông, tự chế chở nhân công thu hái cà phê thuê và chở cà phê về nhà”, anh Tuân, một người dân ven xã Thuận An, Đắk Mil nói.
Theo quan sát, những chiếc xe công nông, độ chế trên đều chạy bằng vô lăng, rơ-moóc phía sau được lắp thêm cầu để tăng tải trọng vận chuyển. Buổi sáng, xe chỉ chở công nhân đi hái cà phê, nhưng từ 16h chiều đến khi trời tối mịt, từng bao cà phê được chất cao ngất, cùng nhân công ngồi vắt vẻo phía trên. Nguy hiểm hơn, mỗi khi qua đường, tài xế không quan sát được phía sau mà nhờ xi-nhan từ các cánh tay và tiếng la ó “qua đi, qua đi” của người ngồi sau. Trời tối, những chiếc công nông không đèn tựa như “cục sắt” di động, cứ thế phóng bạt mạng trong màn đêm và người đi đường chỉ còn cách nghe tiếng nổ “đinh tai, nhức óc” mà né tránh.
"Sở đã có đề xuất xe công nông phải đăng ký, đăng kiểm và phải chạy theo tuyến, theo khung giờ quy định và không được chở người. Hiện, Sở tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, sát hạch cấp GPLX A4 cho người điều khiển xe công nông; Đề xuất các cấp, các ngành cùng thực hiện việc TTKS, xử lý nghiêm loại phương tiện này”. Ông Võ Văn Hùm |
Theo tìm hiểu, hầu hết các xe công nông, độ chế trên địa bàn được bán với giá 20-40 triệu đồng, không hề có đăng ký, đăng kiểm, không đèn chiếu sáng, không xi-nhan, người điều khiển không có GPLX theo quy định. “Quen tay rồi thì lái thôi”, anh Minh, một tài xế xe công nông dừng lại gần cổng thôn Thuận Thành (xã Thuận An, Đắk Mil) để vợ vào chợ mua thức ăn cho 15 công nhân được anh thuê đi thu hoạch cà phê, cho hay.
Gần một tuần nay, ngày nào anh Minh cũng thuê từ 10-15 nhân công, chở vào rẫy để thu hoạch cà phê. Sáng sáng anh chở người đi, chiều chở người và cà phê về. “Ở đây, không riêng gì gia đình tôi, mà ai cũng vậy. Tuy cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, không được chở người phía sau nhưng không dùng xe này thì chở công nhân đi bằng gì ở đường miền núi. Xe vừa chở được nông sản, vừa chở được người, tiện lắm”, anh Minh nói.
Một tốp phụ nữ được chủ nhà thuê đi hái cà phê, đang ngồi chen chúc phía sau thùng xe. Khi thấy chúng tôi đưa máy ảnh lên ghi hình, một số chị phấn khích còn đưa tay làm dáng. Tôi hỏi một chị tên H’Hoa, ngồi phía sau những chiếc công nông này có sợ không? Chị cười giòn tan cho hay: “Sợ gì? Mình không sợ gì hết, mình đi làm như thế này từ nhỏ quen rồi. Cứ sáng đến là chủ nhà tới đón rồi lên xe đi thôi. Sáng ngồi dưới thùng, chiều về chủ nhà chất bao cà phê cao ngút rồi cho người ngồi vắt vẻo bên trên”.
Xem thêm video:
Cơ quan chức năng “kêu khó”?
Thượng tá Đinh Văn Hiếu, Phó công an huyện Đắk Mil (Đắk Nông) cho biết: “Hiện, trên địa bàn huyện có khoảng 6.591 xe công nông, chủ yếu người dân dùng để phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đây là loại phương tiện rất đa năng và sử dụng được trên nhiều địa hình nên được người dân ưa chuộng. Để xử lý loại xe này cần phải có lộ trình và sự vào cuộc quyết liệt của nhiều ngành, chứ không riêng gì lực lượng công an. Hiện tại, loại xe công nông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã ngừng cho đăng kí nên công tác quản lý và xử lý gặp nhiều khó khăn”.
Ông Võ Văn Hùm, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Nông cho hay, vào mùa thu hoạch nông sản trên địa bàn, lượng xe công nông, độ chế túa ra đường hoạt động rất nhiều, đe dọa tình hình ATGT trên tất cả các tuyến đường. Tuy nhiên, việc quản lý đối với loại xe này đang gặp rất nhiều khó khăn. Về góc độ quản lý nhà nước, một mình Sở không thể làm hết được mà cần có sự phối hợp của địa phương, công an. “Hiện, Sở GTVT đang đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã thống kê số lượng phương tiện hiện có, đề nghị cho đăng kí, đăng kiểm”, ông Hùm thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận