Tai nạn giao thông tăng từ 300-600%
Ngày 5/10, đi dọc các tuyến QL39, QL38B, đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường 379, tỉnh lộ 383 (trên địa bàn tỉnh Hưng Yên), PV Báo Giao thông dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân vi phạm giao thông.
Trên các tuyến, xe tải, xe ben chở cát, đất nối đuôi nhau chạy. Tình trạng phương tiện có dấu hiệu vi phạm như chở hàng rời che chắn sơ sài, người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm diễn ra phổ biến.
Đặc biệt, vào giờ học sinh tan học, tại TP Hưng Yên, không hiếm cảnh học sinh đi xe máy dưới 50 phân khối, đầu trần, chở 2, chở 3, dàn hàng ngang chạy tốc độ cao trên đường...
Các tuyến đường ở Hưng Yên, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh người dân vi phạm giao thông.
Tại ngã tư Quán Cà, huyện Khoái Châu, ông Quang Anh (một người bán hàng nước lâu năm bên đường 379) lắc đầu ngao ngán: "Mới hôm trước (ngày 30/9), có hai vợ chồng đi xe máy bị xe tải chở cát đi phía sau đâm phải. Người vợ bị xe cán tử vong tại chỗ, còn người chồng cũng không qua khỏi khi đến bệnh viện.
Ngày 3/10, bên dưới đó một đoạn lại có hai xe máy đâm nhau, khi đưa vào viện thì một người tử vong... Đợt này tai nạn nhiều lắm!".
"Cũng mới hôm 2/10, dưới Đồng Tiến (QL39, Khoái Châu) có vụ người đàn ông đi xe máy bị xe khách cán tử vong. Đường hẹp xe đông, bất cẩn là dính tai nạn ngay", một người ở gần đó nói thêm vào.
Các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra liên tục ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khiến người dân lo ngại mỗi khi ra đường.
Còn tại huyện Yên Mỹ, TNGT cũng xảy ra liên tiếp trong những ngày gần đây. Tối 2/10, ba thiếu niên đi xe máy chở nhau từ xã Lý Thường Kiệt về xã Minh Châu đâm vào đầu xe ô tô bán tải chạy chiều ngược lại. Vụ tai nạn làm hai thiếu niên tử vong tại chỗ, người còn lại bị thương nặng.
Hai ngày sau, tại đường 376, đoạn trước cổng Trường THPT Yên Mỹ xảy ra vụ tai nạn giữa xe máy và ô tô con, làm một người bị thương nặng.
Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh Hưng Yên, tháng 9/2023, TNGT ở huyện Khoái Châu tăng 2 vụ (+200%), Yên Mỹ tăng 3 vụ (+300%) so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng lo ngại là huyện Mỹ Hào tăng 5 vụ (+500%) và Văn Lâm tăng 6 vụ (+600%), so với cùng kỳ năm trước.
Còn nhiều tồn tại, hạn chế
Thông tin với PV, một cán bộ Ban ATGT tỉnh Hưng Yên cho biết, tính chung 9 tháng, toàn tỉnh Hưng Yên xảy ra 158 vụ TNGT, làm chết 100 người, bị thương 102 người.
So với cùng kỳ năm 2022, TNGT tăng 62 vụ (+64,6%), tăng 25 người chết (+33,3%), tăng 30 người bị thương (+41,7%). Đây là mức tăng kỷ lục sau nhiều năm liên tục tỉnh này kiềm chế, kéo giảm TNGT.
Qua phân tích các vụ tai nạn, thấy rằng TNGT tăng tập trung trên hai lĩnh vực là đường bộ và đường sắt.
Trong đó, đường bộ tăng 63% về số vụ, hơn 30% về số người chết, bị thương; Còn đường sắt tăng 100% về số vụ, 50% số người chết và 400% số người bị thương.
Tai nạn tăng nhiều nhất trên 2 tuyến đường huyết mạch của Hưng Yên là QL5 và QL39, mức tăng lần lượt là 91% và 78%.
Thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại ở địa phương, ông Trần Chu Đức, Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm, cho biết: "Với tư cách là người đứng đầu địa phương tôi phải chịu trách nhiệm khi TNGT xảy ra. Vấn đề là làm cách nào để từ nay đến cuối năm có thể kiềm chế và giảm thiểu số vụ tai nạn".
Ông Đức cho biết thêm: "Qua phân tích, nguyên nhân TNGT trên địa bàn gia tăng đến từ 3 yếu tố.
Thứ nhất, là tình trạng xe tải hạng nặng "né" trạm thu phí QL5 đi vào đường địa phương dẫn đến hư hỏng hạ tầng, gây mất ATGT.
Thứ hai, do người lao động từ địa phương khác tới, ý thức chấp hành ATGT chưa tốt. Vừa rồi hàng loạt vụ TNGT xảy ra đều rơi vào nhóm đối tượng này.
Yếu tố thứ ba là huyện đang trong giai đoạn phát triển, xây dựng hạ tầng, đường sá, dẫn đến mật độ phương tiện tăng cao. Đường sá vốn đã chật hẹp nay còn chật chội hơn".
Cần sự quyết liệt và giải pháp đột phá
Từ các vấn đề chỉ ra, người đứng đầu huyện Văn Lâm cho biết, các giải pháp được đưa ra rất quyết liệt.
Trước hết, Ban ATGT huyện Văn Lâm đã chỉ đạo lực lượng công an tăng cường kiểm tra, xử lý các vấn đề về ATGT, vì họ là lực lượng thực thi pháp luật nòng cốt.
Cùng đó, thường xuyên tổ chức tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, báo đài, thậm chí các hội nhóm mạng xã hội, để vừa tuyên truyền, vừa nhắc nhở người dân chấp hành.
Ngoài ra, huyện còn thực hiện nghiêm việc quy trách nhiệm người đứng đầu. Đối với các xã, các cơ quan, đơn vị, nếu cơ quan để cán bộ tham gia giao thông vi phạm, nhất là rượu bia, chất kích thích thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Ngay cả đối với các yếu tố khách quan, nếu để xảy ra nhiều thì vẫn phải bị trừ điểm thi đua, người đứng đầu vẫn phải chịu trách nhiệm...".
Theo lãnh đạo Ban ATGT tỉnh Hưng Yên, để kiềm chế tai nạn trong 3 tháng cuối năm, Ban đã đề ra hàng loạt giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm gắn với từng sở, ngành, từng địa phương.
Trong đó, đề nghị công an tỉnh chỉ đạo lực lượng CSGT tuần tra khép kín 24/24h, xử lý các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT, trọng tâm là tiếp tục làm tốt công tác kiểm soát nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông.
Kiểm soát xử lý triệt để các hành vi "cơi nới" thành thùng, xử lý xe quá khổ quá tải; Xử lý trách nhiệm của người giao xe mô tô, ô tô cho trẻ em điều khiển khi chưa đủ tuổi; Quán triệt lực lượng thực thi công vụ bảo đảm an toàn khi thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát...
Tổ chức điều tra, xác định làm rõ nguyên nhân trực tiếp gây TNGT và các nguyên nhân có liên quan đến trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong công tác quản lý Nhà nước và thực thi công vụ trong các vụ TNGT, phục vụ công tác phòng ngừa và xử lý TNGT chính xác, khách quan, đúng quy định pháp luật.
Đối với Sở GTVT và Sở GD&ĐT, yêu cầu tăng cường các hoạt động tuyên truyền tập trung vào giới trẻ, người lao động ngoại tỉnh, học sinh, sinh viên.
Rà soát các bất cập về hạ tầng giao thông, xử lý điểm tiềm ẩn TNGT và đẩy nhanh việc thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tiếp tục nêu cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu đơn vị theo đúng Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận