90% TNGT xảy ra do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông
Hôm nay (19/4), Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á-Thái Bình Dương tổ chức hội thảo “Tác nghiệp báo chí về an toàn giao thông”.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, Cục CSGT, Bộ Công an phát biểu tại hội thảo
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, trong hơn 10 năm trở lại đây, TNGT đường bộ chiếm hơn 92% về số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình phương tiện giao thông, gây thiệt hại lớn về con người và tài sản.
Trung bình, hàng năm có 8.000 người chết và gần 20.000 người bị thương trong các vụ TNGT đường bộ. Phần lớn số nạn nhân này đều trong độ tuổi lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội.
“Thời gian gần đây có những vụ TNGT làm chết nhiều người đặc biệt nghiêm trọng, đặc biệt là chết người nhiều trong một gia đình, gây hậu quả tâm lý xã hội hết sức nặng nề”, Đại tá Nhật nói và cho biết: Có nhiều nguyên nhân khiến TNGT tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp. Trong đó, phải kể đến là các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông về việc sử dụng rượu, bia, ma túy; lái xe không tuân thủ quy định về tốc độ cho phép trên các con đường; lái xe chở quá tải và cơi nới thành thùng xe.
Phân tích các vụ TNGT cho thấy, hơn 58,95% TNGT liên quan xe mô tô. Tiếp đến xe tải, xe container (chiếm tới 21,69%). Điều này cũng phản ánh đúng với áp lực lên giao thông Việt Nam.
“Nguyên nhân các vụ TNGT có đến hơn 90% từ ý thức chủ quan của người tham gia giao thông, đó là những lỗi ví dụ như đi không đúng làn đường, phần đường, vi phạm về tốc độ, không chú ý quan sát”, Đại tá Nhật chia sẻ và cho biết: Thời gian qua, lực lượng chức năng siết chặt quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, từng bước làm thay đổi nhận thức, hành vi của người tham gia giao thông.
“Đây cũng là cơ sở để lực lượng CSGT sẽ tiếp tục quyết liệt xử lý nghiêm minh 3 nhóm hành vi vi phạm quy định về ATGT, gồm: vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng ma túy khi lái xe; vi phạm quy định về tốc độ; hành vi chở quá tải và cơ nới thành thùng xe”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ Thương vong Châu Á cũng cho rằng, lực lượng chức năng của Việt Nam cần quan tâm, xử lý nghiêm những trường hợp người tham gia giao thông có hành vi phạm về nồng độ cồn và tốc độ. Bởi đây là nguyên nhân chính gây ra nhiều vụ TNGT thương tâm. “Không một quốc gia nào cho phép công dân của mình lái xe khi đã uống rượu bia. Vấn đề này cần phải được xử lý thường xuyên và xử phạt nghiêm minh nếu Việt Nam muốn kéo giảm số vụ TNGT. Tình trạng vi phạm quy định về tốc độ cũng vậy, phải được xử lý nghiêm để thay đổi nhận thức và ý thức của người tham gia giao thông”, ông Greig Craft nêu quan điểm.
Để giảm thiểu những thương vong đáng tiếc do TNGT gây ra, ông Greig Craft còn đề xuất xử lý nghiêm cả những tổ chức, cá nhân làm hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy, xe máy điện và xe đạp điện.
Quang cảnh hội thảo
Báo chí có trách nhiệm trong việc nâng cao nhận thức về ATGT
Tại hội thảo, ông Trần Minh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, trong bất cứ xã hội hiện đại nào, TNGT luôn là hiểm họa thường trực đối với mỗi người khi tham gia giao thông. Trên phạm vi cả nước, mỗi ngày xảy ra hàng trăm vụ TNGT, làm chết và bị thương nhiều người. TNGT để lại nỗi đau cho người thân nạn nhân, tạo gánh nặng cho xã hội.
Trước thực trạng đó, việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ATGT, để làm thay đổi thái độ, hành vi tự giác chấp hành của người tham gia giao thông luôn được xem là một phần trách nhiệm của mỗi nhà báo, mỗi phóng viên.
"Chúng ta phải trang bị những kiến thức, kỹ năng tác nghiệp chuyên nghiệp, hiệu quả và cùng với cơ quan mình thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về ATGT. Qua đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về công tác bảo đảm TTATGT.
Với vai trò là những người làm báo chuyên nghiệp, chúng ta phải kịp thời ghi nhận, cổ vũ, động viên lẫn nhau, cùng tham gia vào việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT, nguyên nhân và hậu quả của TNGT đối với các nạn nhân và toàn xã hội, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT, góp phần kiềm chế và giảm thiểu TNGT, xây dựng ý thức văn hoá giao thông trong các tầng lớp nhân dân”, ông Hùng chia sẻ.
Hiện nay, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, TNGT đường bộ gây ra gần 1,3 triệu ca tử vong có thể phòng tránh được và khoảng 50 triệu ca chấn thương mỗi năm. Các chấn thương do TNGT đường bộ hiện là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và thanh thiếu niên từ 5 đến 29 tuổi. Nguy cơ tử vong do đường bộ ở các nước thu nhập thấp cao gấp 3 lần so với các nước thu nhập cao.
Nếu không được can thiệp, ước tính TNGT đường bộ có thể gây ra thêm 13 triệu cái chết và 500 triệu người bị thương tật trong thập kỷ tới, làm cản trở sự phát triển bền vững, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận