Năm nay, giải thưởng có nhiều điểm mới, đánh dấu cột mốc 10 năm phát triển.
Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng đã có những chia sẻ cùng Báo Giao thông về hành trình 10 năm “giữ lửa” giải thưởng quan trọng này.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ và ông Trần Minh Hùng, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam trao giải cho các doanh nghiệp đạt giải Vô lăng Vàng lần thứ 9 năm 2021. Ảnh: Tạ Hải
Có ngày riêng để tôn vinh tài xế
Vô lăng Vàng đến nay đã trải qua hành trình 10 năm, giải thưởng đã được “khai sinh” thế nào, thưa ông?
Lái xe kinh doanh vận tải là nghề vất vả, nặng nhọc và nguy hiểm, họ chịu nguy cơ cả về vi phạm cũng như gặp rủi ro dẫn đến tai nạn rất lớn.
Trước đây, trong chiến tranh và cả trong thời bình, khi vận tải còn khó khăn, vị thế xã hội của người lái xe kinh doanh vận tải được trân trọng.
Khi đất nước phát triển, người tài xế mất dần vị thế, có những thời điểm, dư luận có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với họ.
Những người tài xế không đòi hỏi xã hội phải ưu tiên, nhưng tôi cho rằng xã hội cần có trách nhiệm ghi nhận và tôn vinh những người làm vận tải đường bộ, những người lái xe an toàn, có tâm.
Vô lăng Vàng lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2013, nhằm tìm kiếm, tôn vinh và tri ân những doanh nghiệp, lái xe kinh doanh vận tải có thành tích trong đảm bảo ATGT.
Đồng thời, hình thành phong trào xây dựng văn hoá giao thông an toàn trong đội ngũ lái xe, doanh nghiệp vận tải ô tô và người dân.
Với mục đích cao cả như ông vừa nói, 10 năm qua, giải thưởng Vô lăng Vàng đã có sự phát triển thế nào?
Ban đầu đối tượng tham gia chủ yếu là các doanh nghiệp vận tải khách thì từ năm 2014 đã có sự tham gia của các doanh nghiệp vận tải hàng hóa gắn với chủ đề Năm ATGT 2014 là “Siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”, tiêu chí để đạt giải thưởng “Vô lăng Vàng” năm 2014 đối với các đơn vị kinh doanh vận tải được bổ sung thêm “Trong năm xét thưởng, đơn vị không có xe vi phạm về chở quá tải trọng”.
Đến năm 2015, tiêu chí về số km an toàn tối thiểu đã tăng lên 30.000km và tại Giải thưởng Vô lăng Vàng lần thứ 4/2016, đã bổ sung thêm Giải “Văn hoá giao thông” để tôn vinh những tài xế, doanh nghiệp vận tải có những hành động đẹp, ý thức và nhân văn trong quá trình làm việc, tách riêng với giải Vô lăng Vàng dựa trên những tiêu chí định lượng chuyên môn.
Nếu như năm 2013 - năm đầu tiên tổ chức số lượng hồ sơ tham gia còn hạn chế với khoảng trên 18 đơn vị và khoảng 100 lái xe, Ban Tổ chức trao giải cho 10 tập thể và 30 lái xe đạt giải thì đến năm 2014 đã có trên 50 doanh nghiệp và gần 500 lái xe đăng ký tham gia.
Năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn, số lượng tham gia vẫn đạt 161 cá nhân và 32 doanh nghiệp, dự kiến sẽ trao giải cho 50 cá nhân và 20 tập thể đối với giải Vô lăng Vàng cùng với 15 giải Văn hoá giao thông cho tập thể và cá nhân.
Bên cạnh việc số lượng doanh nghiệp, lái xe tăng dần qua từng năm, hệ thống tiêu chí giải cũng được điều chỉnh theo hướng ngày càng khắt khe hơn.
Sau lễ trao giải năm nay, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô VN đánh giá, báo cáo hành trình 10 năm của giải thưởng, từ đó làm cơ sở đề xuất với cấp có thẩm quyền quyết định lựa chọn Ngày dành cho tài xế ô tô kinh doanh vận tải.
Chấm giải khách quan, minh bạch
Năm nay là năm thứ 10 giải được tổ chức, vậy năm nay có gì khác biệt hơn, thưa ông?
Năm 2022 là năm thứ 10, Ủy ban ATGT Quốc gia, Báo Giao thông cùng các đơn vị liên quan và nhà tài trợ tổ chức giải thưởng Vô lăng Vàng.
Lễ trao giải “Vô lăng Vàng” lần thứ 10 năm 2022 do Ủy ban ATGT Quốc gia, Báo Giao thông và VTC phối hợp tổ chức sẽ diễn ra lúc 20h ngày 29/12/2022 tại Hội trường Đài Tiếng nói Việt Nam (số 58 Quán Sứ, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Giải thưởng Vô lăng Vàng năm thứ 10 tổ chức khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn, đất nước bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới.
Giải thưởng năm nay ở tiêu chí số km lái xe an toàn tối thiểu trong năm 2022 đã phân riêng đối với nhóm tài xế vận tải hành khách bằng xe buýt nội đô.
Đây là nhóm đối tượng có điều kiện lao động đặc thù, nếu lấy tiêu chí số km an toàn trong năm như các tài xế vận tải hàng hoá hay hành khách sẽ rất thiệt thòi.
Năm nay, hồ sơ tham dự giải ngoài được Ban ATGT, Sở GTVT địa phương xác nhận gửi lên, Ban tổ chức còn đề nghị Cục Đường bộ VN thẩm tra qua cơ sở dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để đảm bảo tính khách quan, minh bạch. Đây sẽ là một nội dung bắt buộc để chấm giải thưởng Vô lăng Vàng trong các năm tới.
Danh sách lái xe, doanh nghiệp dự kiến trao giải sẽ được đối soát với thông tin từ hệ thống quản lý lái xe và doanh nghiệp trước khi có quyết định.
Nhờ việc xây dựng hệ thống tiêu chí định lượng, rõ ràng, minh bạch, đến nay, qua hành trình 10 năm tổ chức, Vô lăng Vàng vẫn chưa có bất kỳ ý kiến nào khiếu kiện về kết quả trao giải.
Nói riêng về lái xe, cảm nhận của ông về họ thế nào?
Đối với những người lái xe đây là giải thưởng duy nhất mang tầm quốc gia dành cho họ.
Tài xế là lao động quan trọng, chúng ta không thể hình dung nền KT-XH của đất nước sẽ vận hành và phát triển thế nào nếu một ngày không có hoạt động vận tải đường bộ nói riêng và hoạt động các loại hình vận tải nói chung.
Những người tài xế mang niềm vui, hạnh phúc, đoàn tụ cho hàng nghìn gia đình mỗi khi Tết đến, xuân về.
Những chuyến đi an toàn để người thân có thể gặp nhau, những chuyến đi an toàn để công việc được thuận lợi, những chuyến hàng tới đích an toàn để các hoạt động kinh tế - xã hội phát triển.
Điều đó vượt lên chức trách nghề nghiệp của người tài xế, trở thành những hành trình đầy ý nghĩa nhân văn, nhân ái trong cuộc sống.
Họ xứng đáng được xã hội ghi nhận, tri ân, tôn vinh những đóng góp, thành tựu của họ đạt được trong đời sống xã hội.
Ông đánh giá thế nào về tính lan tỏa của giải thưởng này? Chúng ta có mở rộng đối tượng, thay vì chỉ là đội ngũ lái xe trong các đơn vị kinh doanh vận tải?
Niềm vui, sự phấn khởi, niềm vinh dự tự hào ngời sáng trên gương mặt của những tài xế nhận giải thưởng chính là niềm tin sắt đá về thành tích thực sự mà bản thân họ đã giành được với hàng vạn km lái xe an toàn, với cả quá trình nỗ lực đảm bảo an toàn tính mạng cho hành khách, an toàn hàng hoá trên mỗi chuyến đi, là kết quả của việc chấp hành nghiêm những quy định pháp luật về TTATGT.
Họ là gương điển hình từ đó tạo ra sức lan toả không chỉ trong đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải.
Vô lăng Vàng là giải thưởng dành riêng cho lái xe kinh doanh vận tải, những người mà hoạt động của họ đóng góp rất quan trọng trong quá trình phát triển KT-XH của đất nước, do đó, sẽ không có sự mở rộng đối tượng.
Tuy nhiên, mỗi năm trên cơ sở ý kiến trao đổi của các tài xế, của các thành viên Ban tổ chức, chúng tôi sẽ có những điều chỉnh về tiêu chí tham dự sao cho tất cả các lái xe kinh doanh vận tải ở bất kỳ thành phần kinh tế nào nếu đủ điều kiện đều có thể tham dự.
Lan toả nhiều ý nghĩa
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia chụp ảnh lưu niệm cùng doanh nghiệp, tài xế đạt giải Vô lăng Vàng năm 2021. Ảnh: Tạ Hải
Theo ông, giải thưởng đã thay đổi góc nhìn của người dân đối với nghề tài xế thế nào?
Một mục đích lớn hơn của giải thưởng này đó là chúng tôi mong muốn cùng với các cơ quan truyền thông, những nhà chuyên môn và những người làm việc trong ngành GTVT thay đổi nhận thức về những người lái xe kinh doanh vận tải.
Trước đây, chúng ta quý trọng gọi những người lái xe là bác tài, nhưng trong thời gian vừa qua vì nhiều lý do, từ bác tài ít được nhắc đến mà người dân khi nhắc đến những người lái xe thì phản ứng rất tiêu cực gọi là “hung thần”.
Mỗi ngày có hàng triệu chuyến đi an toàn, có hàng triệu tấn hàng hóa được chuyên chở đi khắp mọi miền, hàng vạn người con xa quê được về thăm, báo hiếu với cha mẹ, hàng vạn gia đình được hạnh phúc sum vầy sau những ngày xa cách. Nghề nghiệp đó, những con người đó xứng đáng được chúng ta trân trọng và tôn vinh.
Ông đánh giá thế nào về hiệu ứng xã hội mà các doanh nghiệp, lái xe được vinh danh mang lại?
Rong ruổi trên những cung đường dài, người lái xe luôn giữ thái độ điềm tĩnh, tỉ mỉ, nêu cao trách nhiệm, đảm bảo vận tải hành khách, hàng hoá an toàn tuyệt đối.
Đó là phẩm chất đạo đức của những người lái xe chuyên nghiệp. Tôi cho rằng, yêu cầu về thực thi pháp luật và hành vi lái xe an toàn, thân thiện đối với đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải đặt ra cao hơn nhiều so với mặt bằng chung.
Mỗi khi thấy xe tải hoặc xe khách gây tai nạn thì dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, lo ngại.
Thời gian gần đây có thể thấy số vụ TNGT liên quan đến những phương tiện này đã giảm dần, các tài xế ngày càng có ý thức hơn trong việc lái xe an toàn.
Vô lăng Vàng đã dần trở thành tiêu chí mà đông đảo lái xe kinh doanh vận tải tin tưởng và phấn đấu thực hiện.
Đạt giải Vô lăng Vàng không chỉ giúp tài xế nhận được sự tin tưởng của chủ xe, doanh nghiệp vận tải quá trình lao động, tuyển dụng, đó cũng chính là điểm sáng để các doanh nghiệp vận tải được khách hàng và xã hội tin tưởng hơn.
Bên cạnh vinh dự còn là trách nhiệm, tác động trực tiếp đến hành vi, ý thức tham gia giao thông của người lái xe; ý thức thực hiện pháp luật về ATGT của đơn vị vận tải, lái xe để duy trì, giữ vững thương hiệu Vô lăng Vàng.
Từ đó xây dựng môi trường văn hóa giao thông cho cộng đồng, góp phần thực hiện mục tiêu kéo giảm TNGT.
Thời gian tới, theo ông cần làm gì để Vô lăng Vàng thêm lan tỏa hơn nữa trong cộng đồng người lái xe và toàn xã hội?
Giải thưởng đã trải qua hành trình 10 năm, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng dư luận xã hội chưa được như mong muốn.
Từ năm nay trở đi, công tác truyền thông cho giải thưởng phải thay đổi, đây không chỉ đơn thuần là sự kiện trao giải mà là cả quá trình người tài xế, các doanh nghiệp vận tải phấn đấu và hướng đến.
Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông quan tâm đi sâu tìm hiểu, nêu gương điển hình, khám phá những bài học kinh nghiệm mà các tài xế, doanh nghiệp phấn đấu để đạt được giải thưởng Vô lăng Vàng.
Đây chính là bài học thực tiễn để phổ biến cho các đơn vị kinh doanh vận tải và mọi ngành nghề khác cũng xây dựng kế hoạch đảm bảo ATGT.
Và cũng là thông điệp mà Vô lăng Vàng hướng đến và nhằm thực hiện mục tiêu của Kế hoạch hành động toàn cầu thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ 2021-2030.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam:
Có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, tài xế
Ngay từ khi thành lập, Hiệp hội Vận tải ô tô VN đã phát động phong trào thi đua lái xe an toàn, nhưng từ khi Ủy ban ATGT Quốc gia phát động Giải thưởng Vô lăng Vàng, phong trào đã được phổ biến rộng rãi hơn, nhận được hưởng ứng của hàng ngàn đơn vị vận tải và hàng vạn lái xe.
Nhờ đó, đến nay, hầu như không còn tình trạng xe không đạt tiêu chuẩn ATKT được đưa vào hoạt động kinh doanh, tình trạng lái xe chạy quá tốc độ quy định, lái xe quá thời gian quy định của pháp luật đã giảm rõ rệt, góp phần làm giảm TNGT đường bộ liên tiếp trong nhiều năm gần đây.
Việc tổ chức công bố trao thưởng cho các lái xe, doanh nghiệp đạt danh hiệu Vô lăng Vàng và tuyên truyền rộng rãi qua các phương tiện thông tin đại chúng, đã tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi trong xã hội; số các doanh nghiệp và lái xe đăng ký tham gia tăng dần qua mỗi năm.
Thực tế đã chứng minh hiệu quả hoạt động kinh doanh của các đơn vị kinh doanh vận tải luôn luôn tỷ lệ thuận với công tác đảm bảo ATGT.
Các lái xe được xét công nhận danh hiệu Vô lăng Vàng là những nhân tố nòng cốt trong công tác đảm bảo ATGT của doanh nghiệp, cũng đồng thời là những lái xe đạt năng suất cao, chất lượng phục vụ tốt góp phần xây dựng, nâng cao thương hiệu của đơn vị
Có thể nói, hành trình 10 năm giải thưởng Vô lăng Vàng đã trở thành mục tiêu hướng tới của những người làm vận tải ô tô; ngày càng lan tỏa rộng rãi, phát huy hiệu quả xã hội và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và là niềm tự hào của những người lái xe khi được xét tặng giải thưởng cao quý này.
Thủ tướng Chính phủ đã có cam kết về mục tiêu giảm phát khí thải nhà kính của Việt Nam tại COP26. Theo các nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn của các chuyên gia, nếu người lái xe có các kỹ năng lái xe phù hợp có thể giảm từ 10-20% mức tiêu thụ nhiên liệu. Vì vậy đề nghị điều chỉnh nội hàm của Vô lăng Vàng bao gồm lái xe an toàn và tiết kiệm nhiên liệu.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh phong trào Vô lăng Vàng thời gian tới, cần đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số để có thêm căn cứ cơ sở xét khen thưởng chính xác.
Cùng với đó, cần có các cơ chế, chính sách để khuyến khích các đơn vị vận tải và người lái xe đạt kết quả tốt trong phong trào Vô lăng Vàng như cơ chế giảm mức phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cho những đơn vị có thành tích ổn định trong công tác đảm bảo ATGT và ngược lại. Đây cũng là kinh nghiệm của một số nước đã áp dụng hiệu quả.
Ông Lê Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty Thương mại du lịch và vận chuyển khách Tình Nghĩa:
Vô lăng Vàng là mục tiêu phấn đấu
Doanh nghiệp có 4 năm liền nhận giải thưởng Vô lăng Vàng. Giải thưởng đã mang đến cho không chỉ công ty mà tất cả cán bộ, công nhân viên tại doanh nghiệp niềm tự hào, là động lực cho toàn công ty cùng phấn đấu để tiếp tục duy trì thành tích, danh hiệu.
Mong rằng giải thưởng sẽ được tiếp tục tổ chức trong nhiều năm tới để các tài xế, doanh nghiệp có thêm mục tiêu phấn đấu trong quá trình đảm bảo ATGT trên mỗi hành trình, chuyến đi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận