Một cây cầu treo cũ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xuống cấp trầm trọng |
Những cây cầu treo này đang rơi vào tình trạng xuống cấp cần được sửa chữa, cải tạo. Nhưng vì các huyện được giao quản lý cầu đều là huyện nghèo miền núi, rất khó khăn khi tìm nguồn kinh phí sửa chữa cầu. Trong khi đó, những cây cầu này hàng ngày vẫn là lối đi duy nhất khi qua sông, suối.
Ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết, huyện đã có văn bản gửi UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan, đề nghị sớm bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng 5/12 cầu treo và 1 cầu giao thông nông thôn trên địa bàn. Vì phần lớn bản mặt cầu bằng gỗ, sau một thời gian sử dụng bị mục nát cần thay thế. Hệ thống lan can, trụ tháp, các dầm ngang, dầm dọc, khuyên, cóc cáp... bị hoen gỉ nặng. Hệ thống cáp chủ khô mỡ, dây thép hư hỏng dẫn đến hiện tượng cầu rung lắc mạnh, gây nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông qua cầu treo, nhất là mùa mưa lũ.
“Các cầu treo và cầu giao thông nông thôn ở đây đều có tuổi thọ trung bình từ 10 - 13 năm. Lần duy tu sửa chữa gần nhất vào năm 2013. Tổng kinh phí sửa chữa 5 cầu này dự kiến lên đến 4,6 tỷ đồng. Hàng năm, huyện đã chỉ đạo các xã có cầu treo tiến hành dọn vệ sinh, sửa chữa mặt ván cầu bị hư hỏng, mục nát, bôi mỡ hệ thống cáp, sơn kết cấu thép, thay đinh ốc... nhưng chưa làm được. Kinh phí của huyện hạn hẹp không đủ để sửa chữa cầu”, ông Giáp nói.
Kỹ sư Lê Thanh Bình, Phó trưởng Phòng Kết cấu hạ tầng Sở GTVT Nghệ An cho biết: Theo quy định, cầu treo và cầu giao thông nông thôn sau khi được xây dựng sẽ bàn giao cho các huyện quản lý và huyện phải chịu trách nhiệm bỏ kinh phí duy tu sửa chữa cầu. Nhưng trên thực tế, các huyện có cầu treo đều là huyện nghèo 30A, việc mỗi năm bỏ ra vài trăm triệu đồng, thậm chí vài tỷ đồng để sửa chữa cầu là rất khó. Trong khi, cầu treo chỉ cần 1 năm không được duy tu, sửa chữa sẽ rơi vào tình trạng hư hỏng, xuống cấp.
Cũng theo kỹ sư Bình, thực trạng này không chỉ xảy ra ở Quế Phong mà còn xảy ra ở nhiều huyện miền núi khác của tỉnh, như: Anh Sơn, Con Cuông, Thanh Chương, Kỳ Sơn. Có những cầu treo đã nhiều tuổi như: Cầu treo Xốp Nhị (huyện Kỳ Sơn) xây dựng từ năm 1984, cầu Sông Giăng (Thanh Chương) xây năm 1987, cầu Châu Hội (Quỳ Châu) xây dựng năm 1998... còn lại đa phần được xây dựng từ những năm 2000. Năm 2013, trước nguy cơ mất ATGT do cầu treo xuống cấp, Sở đã tạm ứng từ ngân sách tỉnh 21,3 tỷ đồng để tổ chức sửa hơn 20 cầu treo, nhưng từ đó đến nay, năm nào Sở Tài chính cũng yêu cầu trừ tiền này vào nguồn duy tu bảo dưỡng đường bộ thường niên. Vì vậy, việc tiếp tục sửa chữa các cầu trên địa bàn gần như đã bị đình lại.
Trong cuộc họp tổng kết công tác GTVT năm 2017, vấn đề cầu treo xuống cấp gây mất ATGT lại một lần nữa làm nóng nghị trường. Nguyên nhân chung các bên đưa ra và chốt lại cũng chỉ là do “thiếu kinh phí”. Sau khi lắng nghe ý kiến các bên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu Sở GTVT chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương tổ chức đoàn đi kiểm tra, đánh giá chi tiết thực trạng của từng cầu để báo cáo tỉnh. Tinh thần của lãnh đạo tỉnh Nghệ An là phải làm ngay, có biện pháp giải quyết dứt điểm, không để người dân chịu cảnh mất an toàn khi đi trên các cầu treo này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận