Đường bê tông giao thông nông thôn xuống cấp ở Thị xã Ayun Pa |
Kiểm tra hư hỏng bằng mắt
Trong những năm qua, với việc đầu tư từ nhiều nguồn lực hệ thống giao thông nông thôn của tỉnh Gia Lai đã được xây dựng rộng khắp. Trên hệ thống giao thông nông thôn tại tỉnh này có hơn 9.600 km đường. Trong đó, đường bê tông nhựa là 35km, bê tông xi măng trên 1.800 km, đường láng nhựa 2.500 km, đường cấp phối 2.100 km… Tuy nhiên, sau khi đưa vào khai thác sử dụng, do công tác quản lý, bảo trì chưa tốt nên nhiều đoạn đường nhanh xuống cấp, các cầu chưa được quản lý bảo trì để sử dụng an toàn và lâu dài.
Từ ngày 3-8/10, Sở GTVT Gia Lai phối hợp với Trường Cao đẳng GTVT TW 5 (trụ sở tại Đà Nẵng) tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý bảo dưỡng đường giao thông nông thôn và nghiệp vụ quản lý cầu treo dân sinh cho 200 cán bộ quản lý các xã, phường, thị trấn, phòng Kinh tế hạ tầng. Mục tiêu khóa tập huấn nhằm cung cấp những kiến thức căn bản về quản lý kỹ thuật, học lý thuyết kết hợp đi thực tế tại hiện trường. Qua đó, nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong quản lý giao thông nông thôn, quản lý cầu treo dân sinh nhằm đảm bảo ATGT, kéo dài thời gian sử dụng… |
Xã Kon Pne (K’Bang, Gia Lai) trong nhiều năm qua hệ thống đường giao thông nông thôn đang được đầu tư đẩy mạnh cứng hoá bằng bê tông. Điều này góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, việc bảo trì đường bộ, hay việc kiểm tra cầu treo dân sinh chỉ bằng “mắt thường” chứ không qua biện pháp kiểm tra kỷ thuật. Nói về vấn đề này, ông Đinh Lưới, Phó trưởng công an xã, phụ trách mảng giao thông, an ninh trật tự của xã Kon Pne cho biết, trong thời gian từ 5 năm trở lại đây hệ thống đường bê tông nông thôn của xã đã thực hiện được 10km từ chương trình chính sách của tỉnh và hiện tại đang tiếp tục triển khai thêm 7km trong năm 2017. Xã cũng có 3 cây cầu dân sinh đã được làm để phục vụ cho người dân vận chuyển hàng hoá, nông sản.
“Từ khi làm đường xong thì cứ như vậy mà để cho người dân đi lại thôi. Không bảo dưỡng bảo trì gì cả. Còn cầu dân sinh làm xong cũng thế. Nếu đi ngang qua thấy có tấm gỗ mục, hỏng thì thông báo cấp trên để lấy ván thay thế sửa chữa. Hằng năm, cũng kiểm tra nhưng về các thông số kỷ thuật thì … không biết”, ông Lưới cho hay.
Cũng giống như việc kiểm tra ở xã Kon P’ne, ở xã Kon Chiêng (Mang Yang) cũng tương tự. Ông Phạm Văn Cường cán bộ địa chính và quản lý đai, xây dựng, khoáng sản của xã Kon Chiêng cho hay: “Vấn đề lấn chiếm, xây dựng trái phép trên chỉ giới hành lang ATGT trên Tỉnh lộ 666 qua địa bàn xã đã xảy ra. Việc này xuất phát từ người dân họ không đến xã thông báo việc làm nhà ở. Chỉ thông qua các trưởng thôn để phát hiện và yêu cầu người dân không vi phạm. Tuy nhiên, khi phát hiện vi phạm lập tức tổ chức vận động người dân không lấn chiếm theo quy định của pháp luật.
Ông Cường cũng cho biết xã có một cây cầu treo dân sinh ở làng Đê Tar dài 30m, tuy nhiên việc kiểm tra an toàn của cây cầu đa phần theo kinh nghiệm và trực quan.
Tập huấn cho đội ngũ quản lý mảng giao thông cho cán bộ địa phương ở Gia Lai |
Nâng cao nghiệp vụ cấp xã là cần thiết
Thạc sĩ Đặng Văn Sỹ - Trưởng khoa xây dựng cầu đường (Trường CĐ GTVT TW5, trụ sở tại Đà Nẵng) cho rằng: “Trong thời gian qua, việc quản lý hồ sơ đường, cầu cống, trong đó việc viết nhật ký tuần tra, theo dõi tình trạng của đường vẫn chưa thực sự chu đáo. Thực tế thì ở cấp xã họ có đi kiểm tra tuyến, có thấy tình trạng hư hỏng, xuống cấp, mất biển báo… nhưng trong hồ sơ quản lý thì không có nội dung các nội dung này. Vấn đề xảy ra khi nào? Ở đâu? Mức độ hư hỏng ra sao và hướng giải quyết thế nào? Chưa được thể hiện trong hồ sơ. Hơn nữa, khi hư hỏng nhỏ thì bỏ qua, khi hư hỏng lớn thì không có kinh phí sửa chữa gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo trì”.
Về vấn đề nghiệp vụ quản lý, bảo dưỡng đối với riêng cầu treo dân sinh, chuyên gia cầu đường Đặng Văn Sỹ nêu vấn đề thực tế hiện nay: “Cầu treo, hư hỏng chủ yếu của công trình là hiện tượng gỉ”, đồng thời đưa ra giải pháp: “Nếu muốn bảo quản đừng để đọng nước, đừng để cây cỏ mọc kín đầu neo dây cáp. Dây cáp khô dầu thì phải bôi ngay, chứ cầu treo mà cáp bị khô khi người dân đi qua sẽ sinh dao động đồng thời cáp cà lại nhiều thì ăn mòn dẫn đến đứt thôi….”.
Cũng theo ông Sỹ, “công tác phối hợp giữa địa phương và đơn vị trực tiếp quản lý bảo trì đường bộ trong việc xử lý vi phạm hành lang cũng cần quan tâm và đẩy mạnh. Vì trách nhiệm của UBND xã trong việc quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ (NĐ11/2010/NĐ-CP - PV)”.
Theo ông Lê Văn Hạnh - Phó Giám đốc Sở GTVT Gia Lai cho rằng, với tình hình ở địa phương như trên thì việc nâng cao năng lực công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải ở cấp xã, phường cần phải được tăng cường.
“Điều này đang xảy ra thực tế ở các địa phương là cán bộ địa chính xây dựng được tuyển dụng vào từ nhiều ngành học khác nhau và họ làm việc dựa theo kinh nghiệm là chủ yếu. Chưa được bồi dưỡng, tập huấn về công tác quản lý và bảo trì hệ thống giao thông nông thôn”, ông Hạnh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận