Bất cẩn băng qua đường sắt để đi vệ sinh, người đàn ông bị tàu đâm tử vong |
Bên cạnh những bất cập về cơ sở hạ tầng thì ý thức người tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn đường sắt trên địa bàn.
Bất cẩn, coi thường mạng sống
Ngày 6/12/2017, chuyến xe du lịch chở khách dừng lại vệ đường QL5 chạy qua địa bàn xã Nam Đồng, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương để một số hành khách xuống xe… đi vệ sinh. Những hành khách này băng qua dải phân cách cứng QL5, sang khu vực hành lang đường sắt để đi vệ sinh, khi họ vội chạy lại xe ô tô thì đúng lúc đoàn tàu khách chạy tuyến Hải Phòng - Hà Nội đi tới, ông Phạm Mạnh Bình (SN 1954), trú tại thôn Nhan Bầu, xã Thanh Hồng, huyện Thanh Hà không tránh kịp đã bị tàu hỏa hất văng, tử vong tại chỗ.
Năm 2017, trên địa bàn tỉnh Hải Dương xảy ra 6 vụ TNGT đường sắt, làm chết 5 người và bị thương 2 người. So với năm 2016, giảm 2 vụ (25%), số người chết không tăng và giảm 3 người bị thương (100%). |
Chứng kiến vụ tai nạn, bà Bùi Thị Hải ở xã Nam Đồng vẫn rùng mình: “Lúc đó, cả đoàn người kéo nhau băng qua đường ray đi vệ sinh rồi quay trở lại, một số người nhìn thấy tàu dừng lại, nhưng có người vẫn cố tình băng qua khi đoàn tàu lao tới dẫn đến tai nạn rất thương tâm”.
Đường sắt qua Hải Dương gần đây xảy ra những vụ tai nạn… lãng nhách. Khoảng 8h50 ngày 17/12/2017, tại Km 40+177 trên tuyến đường sắt Yên Viên - Hạ Long đi qua phường Cộng Hòa, TX Chí Linh, anh Nguyễn Ngọc Khánh (SN 1993, trú tại phường Cộng Hòa) điều khiển ô tô BKS 34C-155.24 chạy từ phía trong rừng băng qua đường sắt để ra QL18, bị tàu hỏa đâm tử vong tại chỗ. Vị trí này rất thoáng đãng, nên khó có thể nói anh Khánh không nhìn thấy tàu hỏa đang lao tới. Trước đó, trong hai ngày 3 - 4/10/2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra liên tiếp hai vụ TNGT đường sắt đều do người điều khiển phương tiện băng qua đường sắt thiếu quan sát.
Ông Vũ Duy Bôn, Phó chánh Văn phòng Ban ATGT Hải Dương cho biết: “Đại đa số các vụ TNGT đường sắt xảy ra tại các tuyến đường ngang dân sinh. Người điều khiển ô tô, xe máy, thậm chí đi bộ thiếu quan sát đã cố tình băng qua đường sắt khi tàu hỏa đến gần dẫn đến tai nạn”.
Thêm giải pháp đảm bảo ATGT đường ngang
Trên địa bàn tỉnh Hải Dương trong số 3 tuyến đường sắt chạy qua là: Gia Lâm - Hải Phòng, Chí Linh - Phả Lại và Kép - Hạ Long, tuyến Gia Lâm - Hải Phòng dài 45,3km được xác định là tuyến phức tạp nhất, xảy ra nhiều vụ TNGT nhất. Đặc thù tuyến đường sắt này chạy song song với QL5, đi qua nhiều khu vực đô thị nên có tới 176 đường ngang và lối đi dân sinh, trong đó chỉ có 36 đường ngang hợp pháp. Đối với các tuyến Chí Linh - Phả Lại và tuyến Kép - Hạ Long, mỗi tuyến cũng tồn tại hàng chục lối đi dân sinh, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT.
Ông Lê Đình Long, Giám đốc Sở GTVT Hải Dương cho biết: “Từ năm 2014 đến nay, tỉnh Hải Dương đã hỗ trợ kinh phí cảnh giới tại 47 lối đi dân sinh có lưu lượng người và phương tiện qua lại nhiều, trong đó tuyến Gia Lâm - Hải Phòng 29 lối, tuyến Chí Linh - Phả Lại và Kép - Hạ Long 18 lối. Năm 2017, Sở GTVT phối hợp Quỹ Bảo trì đường bộ kiểm tra đề xuất xây dựng gờ giảm tốc tại 45 vị trí lối rẽ vào đường ngang có nguy cơ mất ATGT trên tuyến đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng. Cùng với đó, Sở đã rà soát cắm biển báo tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục các biện pháp tăng cường đảm bảo ATGT đường sắt, nhất là tại các đường ngang”.
Tại các địa phương có tuyến đường sắt chạy qua, công tác bảo đảm ATGT cũng được đặc biệt quan tâm. Ngày 19/12/2017, ngay sau khi xảy ra vụ TNGT đường sắt làm 1 người chết, UBND TX Chí Linh đã tổ chức cuộc họp triển khai biện pháp cấp bách với các cấp, ngành. Ông Nguyễn Đức Hóa, Chủ tịch UBND TX Chí Linh cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các cấp, ngành lập tức vào cuộc, rà soát lại tất cả những đường ngang dân sinh để có biện pháp triển khai bảo đảm an toàn. Tại một số điểm, UBND thị xã chỉ đạo “nóng” các địa phương phải lập tức triển khai điểm gác chắn, có người cảnh giới để bảo đảm an toàn”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận