• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
ATGT địa phương

Điểm nóng tai nạn đường sắt Nam Định

07/12/2017, 08:45

Trước thực trạng TNGT đường sắt gia tăng mạnh về số vụ, số người chết, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định có văn bản...

8

Hiện trường xe khách BKS 21B-005.92 đi lễ lùi vào đường ngang đúng lúc tàu hỏa chạy tới khiến tài xế tử vong

Coi đường ngang như sân nhà

Ngày 2/12, PV Báo Giao thông có mặt trên tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy song song QL10 qua địa bàn tỉnh Nam Định và nhận thấy, mật độ đường ngang rất lớn. Có đoạn tuyến chỉ 1km đường nhưng có tới 6-7 đường ngang giao cắt, lưu lượng phương tiện qua lại rất đông.

Tại đường ngang Km 98+300 đường sắt Bắc - Nam đoạn qua xã Liên Minh, huyện Vụ Bản có đầy đủ biển báo hiệu, hai bên đường rộng thoáng, dễ quan sát. Tuy nhiên, rất nhiều phương tiện đi từ QL10 vào xã Liên Minh băng qua đường ngang này rất nhanh, không xi-nhan khi rẽ, thậm chí không quan sát hai bên tuyến đường. Tại đường ngang này, ngày 11/11 đã xảy ra vụ TNGT đường sắt thương tâm khiến ba bác cháu tử vong tại chỗ. Nguyên nhân do chị Nguyễn Thu Phương (28 tuổi) chở theo bác ruột là bà Nguyễn Thị Thu (62 tuổi) và cháu Lê Duy Hưng (10 tuổi), đều trú tại huyện Trực Ninh, Nam Định khi băng qua đường ngang thiếu chú ý quan sát đã va chạm với tàu hỏa.

11 tháng năm 2017, trên địa bàn Nam Định xảy ra 16 vụ TNGT đường sắt, làm chết 16 người, bị thương 6 người; tăng 45% số vụ, tăng 77,8% số người chết và giảm 14,3% số người bị thương so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, tại đường ngang Km 98+800 khu gian Trình Xuyên - Gôi (huyện Vụ Bản) không có cảnh báo tự động, không có thanh chắn, nhưng đầy đủ biển báo, tầm nhìn thông thoáng, mặt lát đường bằng phẳng, độ dốc vừa phải. Có lẽ do điều kiện giao thông thuận lợi nên nhiều người băng qua đường ngang này không chú ý quan sát hay giảm tốc độ. Chiều 4/2 (mùng 8 Tết), tại đường ngang này, xe khách 16 chỗ BKS 21B-005.92 chở 13 hành khách từ Yên Bái đi lễ đã lùi vào đường ngang để quay đầu xe mà không chú ý quan sát tàu Thống Nhất TN1 đang lao tới. Hậu quả, tàu hỏa húc xe khách bắn xuống rào chắn giữa QL10 và đường sắt, tài xế xe khách tử vong kẹt cứng trong cabin, hai hành khách khác bị thương nặng.

Hay như vụ tai nạn hy hữu xảy ra ngày 21/11 tại đường ngang đoạn qua thị trấn Gôi (huyện Vụ Bản, Nam Định). Khi đoàn tàu hú còi rầm rập lao tới, bỗng ông Nguyễn Như Quê (51 tuổi, trú xã Yên Mỹ, huyện Ý Yên, Nam Định) bất ngờ chui qua rào chắn barie đã đóng. Đúng lúc đoàn tàu lao tới, hất tung ông Quê, nạn nhân tử vong tại chỗ. “Lúc này, nhân viên gác chắn đã đóng barie, các xe đều đã dừng lại chờ đoàn tàu chạy qua, bỗng một người đàn ông bất ngờ chui qua rào chắn, bất chấp mọi người la ó can ngăn”, chị Tình (trú ở xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, người chứng kiến vụ việc) kể lại.

“Tuyến đường sắt Bắc - Nam trên địa bàn tỉnh Nam Định dài 41,15km nhưng có tới 315 đường ngang, hầu hết chạy song song QL10, QL21 qua nhiều khu dân cư, lượng phương tiện lưu thông lớn, nguy cơ TNGT cao. Trong khi đó, người tham gia giao thông qua đường ngang lại bất cẩn, không chú ý quan sát tín hiệu cảnh báo và thực hiện nghiêm các quy định về an toàn để tránh TNGT đường sắt”, ông Phan Phương Đông, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Nam Định cho biết.

Quyết liệt kéo giảm TNGT đường sắt

Trước thực trạng TNGT đường sắt diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định vừa yêu cầu các cơ quan chức năng địa phương thực hiện ngay một số công việc cấp bách như huy động cả hệ thống chính trị, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT đường sắt đến từng hộ gia đình, người dân. Giao Sở GTVT rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời biển báo hiệu đường bộ tại các đường ngang, khẩn trương xây dựng vạch dừng xe, gờ giảm tốc tại các vị trí giao cắt giữa đường bộ - đường sắt có nguy cơ TNGT cao. Lực lượng công an tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm giao thông qua đường sắt. Đồng thời, yêu cầu UBND các huyện, thành phố có đường sắt đi qua chỉ đạo quyết liệt, giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phối hợp với ngành Đường sắt xử lý dứt điểm các vi phạm hành lang đường sắt, tuyệt đối không để phát sinh các lối mở tự phát qua đường sắt.

Theo ông Đông, từ đầu năm đến nay, các đơn vị, địa phương trên địa bàn đã có rất nhiều cố gắng trong công tác đảm bảo ATGT đường sắt như: Sửa chữa, mở rộng và cải tạo độ dốc tại các đường ngang; hạ thấp 22 điểm hàng rào tôn sóng ngăn cách đường sắt và đường bộ che khuất tầm nhìn; lắp đặt thêm biển báo hiệu, nâng mặt đường bộ và lắp đặt barie tự động ở đường ngang… Thời gian tới, Nam Định sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp đảm bảo ATGT đường sắt theo chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an tỉnh Nam Định cho biết, để đảm bảo ATGT đường sắt, phòng đã giao Đội Giao thông đường sắt tăng cường TTKS trên các tuyến đường sắt, phối hợp với các lực lượng khác xử lý vi phạm hành lang đường sắt.

Chia sẻ thêm, Đại úy Đỗ Anh Tuấn, Đội trưởng Đội Giao thông đường sắt cho biết, hàng tháng, đội đều triển khai TTKS, xử lý các vi phạm trên đường sắt. “Vi phạm giao thông đường sắt phổ biến là quay đầu xe ở đường ngang, đỗ xe trong phạm vi an toàn đường sắt, không chấp hành hiệu lệnh giao thông đường sắt… Tuy nhiên, khó khăn là đường sắt trên địa bàn có quá nhiều đường ngang, lại chạy song song các tuyến giao thông huyết mạch, trong khi lực lượng làm công tác đảm bảo ATGT đường sắt rất mỏng”, Đại úy Tuấn chia sẻ.

“TNGT đường sắt thời gian qua chủ yếu do lỗi từ người tham gia giao thông không chú ý quan sát, không chấp hành quy định khi đi qua đường sắt. Để nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông, cần có thêm lực lượng công an cơ sở chốt trực ở một số điểm đường ngang nóng ở một số giờ tàu chạy cao điểm để tuyên truyền, răn đe, xử lý và nhắc nhở người vi phạm”, Đại úy Tuấn đề xuất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.