TNGT giảm sâu so với trước dịch Covid-19
Theo Văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội, trong 11 tháng đầu năm 2022 (từ ngày 15/12/2021 - 14/11/2022) trên địa bàn thành phố xảy ra 754 vụ TNGT làm 378 người chết, 533 người bị thương.
So với cùng thời điểm năm 2019 (trước dịch Covid-19), cả 3 tiêu chí TNGT đều giảm sâu. Cụ thể, giảm 403 vụ (34,83%), giảm 74 người chết (16,37%), giảm 228 người bị thương (29,96%).
Trong thời gian thí điểm phân làn trên đường Nguyễn Trãi, vẫn rất nhiều phương tiện vi phạm, không theo biển báo, hướng dẫn. Ảnh: Tạ Hải
Ông Tạ Đức Giang - Phó Chánh VP Ban ATGT TP Hà Nội cho biết, nguyên nhân dẫn đến TNGT có nhiều, trong đó có ý thức chấp hành Luật Giao thông của người tham gia giao thông còn thấp, từ đó dẫn tới việc điều khiển phương tiện tùy tiện.
Tại Hà Nội, mặc dù có sự vào cuộc tích cực từ các ban, ngành chức năng, tuy nhiên trên các trục đường giao thông không khó để bắt gặp các hành vi như đi không đúng làn đường, vi phạm quy tắc tránh vượt, lấn trái đường, thiếu chú ý quan sát, không đảm bảo khoảng cách an toàn, vi phạm tốc độ, lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ…
Đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra do người tham gia giao thông đi ngược chiều, sai làn đường, phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ... song không ít người vẫn cố tình vi phạm, coi thường tính mạng của bản thân và những người tham gia giao thông.
“Trên trục đường Nguyễn Trãi (đoạn từ hầm chui Thanh Xuân tới cầu vượt Ngã Tư Sở) mặc dù được Sở GTVT Hà Nội tổ chức thí điểm phân làn xe máy và ô tô bằng dải phân cách cứng, nhưng nhiều người điều khiển phương tiện vẫn lưu thông khá lộn xộn, không tuân thủ theo biển báo, hướng dẫn. Hệ lụy nhãn tiền là cảnh ùn tắc, xung đột thậm chí là va chạm giao thông xảy ra tương đối phổ biến”, ông Giang dẫn chứng.
Theo nhà văn Nguyễn Văn Học - người giành giải Nhì cuộc thi viết “Vì an toàn giao thông Thủ đô” do Ban ATGT thành phố và Sở GTVT phối hợp tổ chức, nguyên nhân dẫn đến tai nạn và các vấn đề về giao thông, chủ yếu liên quan đến 3 yếu tố cơ bản, gồm cơ sở hạ tầng, phương tiện vận tải và yếu tố con người. Trong đó, yếu tố con người là cốt lõi.
“Những nạn nhân tử vong do TNGT để lại bao nỗi đau khôn xiết cho gia đình, người thân. Còn người bị thương ở lại thì tàn tật suốt đời và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Đó là những tổn thất không gì đo đếm được”, nhà văn Nguyễn Văn Học chia sẻ.
Không để xảy ra TNGT do nguyên nhân hạ tầng
Khẳng định quyết tâm kéo giảm TNGT, ông Giang cho hay: UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Công an Thành phố, Sở GTVT, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng chức năng (Công an, Thanh tra GTVT, UBND các xã, phường, thị trấn...) đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự, ATGT.
Những khẩu hiệu: “Phía trước tay lái là sự sống”; “Hãy lái xe bằng cả trái tim”; “Nói không với rượu bia trước khi lái xe”; “Hãy đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, gắn máy”… đều là những lời kêu gọi tha thiết, gần gũi và rất dễ thực hiện với tất cả mọi người. Những lời kêu gọi ấy không ở đâu xa, mà ở ngay trong mỗi trái tim, việc làm mỗi người. Tham gia giao thông an toàn chính là có trách nhiệm trước an toàn tính mạng của mình và người khác.
Ông Tạ Đức Giang, Phó Chánh VP Ban ATGT TP Hà Nội
Việc kiểm tra, xử lý tập trung vào các hành vi có nguy cơ cao gây TNGT (vi phạm nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; vi phạm tốc độ; người điều khiển phương tiện cơ giới chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe; phóng nhanh, vượt ẩu; vi phạm tải trọng phương tiện...) ưu tiên tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, địa bàn có tình hình trật tự, ATGT phức tạp, địa bàn, tuyến đường xảy ra TNGT.
Đáng lưu ý, theo ông Giang, thành phố đang nỗ lực đẩy mạnh công tác duy tu, duy trì đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quản lý theo phân cấp, bổ sung đầy đủ hệ thống ATGT, sơn kẻ, biển báo hiệu, hệ thống chiếu sáng, đảm bảo tầm nhìn, bán kính đường cong, mặt đường êm thuận...
“Một trong những mục tiêu quan trọng của Thành phố là không để xảy ra TNGT có nguyên nhân do hạ tầng giao thông; xử lý và phối hợp xử lý kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông”, ông Giang khẳng định.
Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, bản thân mỗi người đều có thể là một phần giải pháp, giúp kéo giảm tai nạn.
“Trong một tổ chức, người đứng đầu quan tâm xây dựng văn hóa giao thông thì ý thức của đội ngũ nhân viên sẽ tốt. Tương tự, nếu bố mẹ là tấm gương sáng trong tuân thủ, chấp hành pháp luật về an toàn giao thông thì con cái cũng sẽ là “hạt giống” tốt”, ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, mỗi tổ chức, cá nhân đều có vai trò, trách nhiệm trong xây dựng văn hóa giao thông, tham gia giao thông an toàn. Mỗi người dân cần trở thành một người tham gia giao thông có văn hóa và có trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông để mang đến một xã hội giao thông an toàn hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận