Nhiều vi phạm bị phát hiện
Huyện Chư Pưh tỉnh Gia Lai có gần 30km đường Hồ Chí Minh đi qua. Đây cũng là trục chính duy nhất qua địa bàn huyện nên dân cư tập trung dọc tuyến đường là chủ yếu. Cũng vì là tuyến đường chính phương tiện lưu thông nhiều nên nhiều năm qua, tại địa bàn này đã xảy ra tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT để làm nơi kinh doanh, tập kết hàng hóa và buôn bán tạp hóa.
Theo UBND huyện Chư Pưh, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn huyện Chư Pưh xảy ra khoảng 19 trường hợp vi phạm hành lang ATGT đường Hồ Chí Minh. Trong đó, UBND các xã, thị trấn đã ra quyết định xử phạt 11 trường hợp với tổng số tiền hơn 27 triệu đồng.
Đơn cử như trường hợp gia đình ông Lê Văn S. (trú tại thôn 6, xã Ia Le) nằm sát đường Hồ Chí Minh. Để thuận tiện hơn trong vận chuyển mùa nông vụ, gia đình này đã tự ý xây dựng nhà kho kiên cố để chứa phân bón lấn sang hành lang ATGT hơn 3m.
Khi bị chính quyền địa phương phát hiện và lập biên bản xử lý vi phạm, ông S. cho hay: "Mục đích là để khi mưa xuống, nước mưa không tạt vào nhà kho làm hư hỏng nông sản và phân bón", ông S. nói và cho biết: "Gia đình biết sai nên đã đóng tiền phạt và trả lại hiện trạng ban đầu và cam kết không tái phạm".
Còn tại xã Hbông, huyện Chư Sê có tới 10 trường hợp vi phạm hành lang đường bộ. Trong đó, riêng xã H'bông có tới 5 trường hợp lấn chiếm, xây dựng trên đất hành lang đường bộ trái phép. Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Xuân A (xã H'bông) nằm sát mặt QL25. Để thuận lợi đi lại, ông A đã tự ý mua đất sau đó khỏa lấp hành lang ATGT với diện tích 570m2.
Trước tình trạng người dân tự ý lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ gây mất ATGT trên các tuyến đường, năm 2022 UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành quyết định giao nhiệm vụ cho cấp huyện đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, vận động và xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Trong đó, TP Pleiku là một trong những địa phương có kết quả xử lý vi phạm nhiều nhất. Lực lượng chức năng của TP Pleiku đã tuyên truyền, vận động và xử lý dứt điểm gần 90 trường hợp người dân dựng vách ngăn bằng bạt, tôn; 30 trường hợp chôn trụ sắt trên vỉa hè; 36 trường hợp để chất phế thải, vật liệu xây dựng lấn chiếm vỉa hè; tháo dỡ 16 lều bạt, 39 trường hợp mái che lấn chiếm không gian, 53 biển hiệu quảng cáo che khuất tầm nhìn.
Đặc biệt, lực lượng quản lý đô thị đã giải tỏa 8 điểm buôn bán, họp chợ tự phát dọc tuyến quốc lộ và xử lý 4 hộ kinh doanh bày máy móc nông nghiệp lấn chiếm vỉa hè; 4 trường hợp đào phá dỡ vỉa hè đường Phạm Văn Đồng...
Vẫn còn nhiều khó khăn
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Hà Anh Thái, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho biết, trong thời gian qua chính quyền và địa phương phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân không vi phạm hành lang đường bộ. Tuy nhiên, một số địa phương ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của một số tổ chức, cá nhân còn hạn chế.
"Đa số người dân có điều kiện sống còn khó khăn, thu nhập thấp, có thói quen bám đường để buôn bán, sản xuất kinh doanh, vì nhu cầu phục vụ sinh hoạt và bảo vệ tài sản của mình nên đã xây dựng các công trình như hàng rào, tường rào, lều quán, mái che, nhà ở… lấn chiếm trái phép phạm vi đất dành cho đường bộ, đến nay tình trạng này vẫn còn diễn ra thường xuyên", ông Thái nói và cho biết thêm: "Các hành vi vi phạm thường diễn ra vào cuối tuần hoặc các ngày nghỉ, lễ. Trong đó có công tác kiểm tra của lực lượng chức năng còn mỏng, đôi khi kiêm nhiệm nhiều việc. Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác kiểm tra còn hạn chế nên hiệu quả xử lý vi phạm chưa cao nên xảy ra tình trạng một số công trình đã xây dựng hoàn thành mới bị phát hiện".
Cũng theo ông Thái, sự quan tâm, chỉ đạo của một số địa phương cấp xã chưa quyết liệt, nên công tác phối hợp và xử lý trên địa bàn quản lý chưa hiệu quả, tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ còn diễn ra.
Một nguyên nhân khác nữa là việc quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng còn chậm, thiếu đồng bộ, còn chồng chéo, chưa đáp ứng được cho công tác quản lý nhà nước và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất.
Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai cũng cho biết thêm sở đã kiến nghị đến UBND tỉnh nhằm chỉ đạo việc tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương trong tuyên truyền, ngăn ngừa người dân vi phạm hành lang đường bộ. Đặc biệt là người đứng đầu trong công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, công tác quản lý sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng dọc các tuyến đường theo đúng các quy định của pháp luật.
Sở GTVT tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Văn phòng QLĐB III.4 đã phát hiện, lập biên bản xác nhận hiện trường và chuyển cho địa phương 260 trường hợp vi phạm lấn chiếm hành lang đường bộ; UBND cấp huyện, cấp xã đã ban hành 48 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 130 triệu đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận