Một trong những giải pháp hữu hiệu để kiềm chế TNGT trên địa bàn tỉnh Gia Lai là các tổ chức tôn giáo tham gia tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật ATGT.
TNGT liên quan đến đối tượng thanh thiếu niên tại huyện Kông Chro, Gia Lai
TNGT tăng đột biến
Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh Gia Lai, thời gian gần đây, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn diễn biến phức tạp, TNGT tăng đột biến, làm thiệt hại lớn về người và tài sản.
Hiện tượng thanh thiếu niên điều khiển xe không đội mũ bảo hiểm, rú ga, chạy tốc độ cao diễn ra ở một số địa phương nhưng chưa được phát hiện, ngăn chặn triệt để gây bất an cho người tham gia giao thông. Cùng đó, đặc biệt gia tăng tình trạng người chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe máy tham gia giao thông gây tai nạn.
Chỉ tính riêng trong tuần từ 1/9 đến ngày 7/9, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra 8 vụ TNGT, làm 7 người chết và 3 người bị thương (so với thời gian trước liền kề, tăng 100% số vụ, tăng 600% số người chết)
Riêng hai ngày 10 và 11/9, trên địa bàn TP Pleiku liên tiếp xảy ra 2 vụ TNGT trên Quốc lộ 19 và đường Hồ Chí Minh, làm 04 người chết và 01 người bị thương. Tất cả các vụ việc trên đều liên quan đến thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số chưa đủ tuổi, cá biệt có trường hợp sinh năm 2009 điều khiển xe mô tô tham gia giao thông gây tai nạn.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các ngành tăng cường giải pháp đảm bảo ATGT nhằm hạn chế TNGT trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, huy động tối đa các lực lượng, phương tiện, thiết bị nghiệp vụ mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm của thanh thiếu niên, nhất là thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số. Tập trung xử lý các hành vi có nguy cơ cao gây TNGT và tử vong do TNGT, như: Vi phạm nồng độ cồn; chạy xe quá tốc độ; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy.
Đặc biệt giám sát người chưa đủ tuổi, người không có giấy phép lái xe điều khiển phương tiện tham gia giao thông; lạng lách, đánh võng, tụ tập gây rối, đua xe trái phép; xe mô tô không đảm bảo an toàn kỹ thuật, không đèn chiếu sáng, tháo pô, xe độ chế cũ nát,...
"Thông qua hoạt động phối hợp tuyên truyền của ngành chức năng tỉnh Gia Lai với các tổ chức tôn giáo sẽ góp phần thay đổi thái độ, hành vi, thói quen và ý thức của người tham gia giao thông. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu TNGT trên địa bàn tỉnh".
Ông Phan Hữu Hiếu, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Gia Lai
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phan Hữu Hiếu, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Gia Lai cho biết, trước tình trạng TNGT có xu hướng tăng cao trên địa bàn, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, công an địa phương tiến hành rà soát, điều tra cơ bản, nắm chắc địa bàn, tuyến đường, lập danh sách phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, người điều khiển phương tiện chưa có giấy phép lái xe...
Nâng cao hiệu quả công tác gọi hỏi, răn đe, giáo dục số thanh thiếu niên càn quấy, thường xuyên vi phạm TTATGT; phối hợp tuyên truyền, vận động, yêu cầu chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về TTATGT, tham gia đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe theo quy định.
"Huy động lực lượng công an và tổ tự quản ATGT cấp xã thiết lập TTATGT tại địa bàn cơ sở; liên tục tuần tra, kiểm soát tại tất cả các tuyến, địa bàn trong phạm vi phụ trách vào các thời gian cao điểm, buổi tối, đêm khuya, các ngày nghỉ để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm ngay từ cơ sở", ông Hiếu thông tin.
Ban ATGT tỉnh Gia Lai và Giáo hội Phật giáo tỉnh Gia Lai tổ chức lễ ký kết chương trình phối hợp ATGT
Phối hợp với tổ chức tôn giáo cùng vào cuộc
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 5 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Baha'I với tổng số tín đồ trên 400 nghìn người, người chiếm khoảng 28% dân số toàn tỉnh.
Các tổ chức tôn giáo có vai trò rất lớn trong cộng đồng dân cư. Vậy nên, thời gian tới, Ban ATGT tiếp tục xây dựng và ký kết Chương trình phối hợp với các tôn giáo về công tác tuyên truyền, vận động tín đồ tham gia bảo đảm trật tự, ATGT giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Việc này nhằm phát huy vai trò của chức sắc, chức việc các tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật về TTATGT và xây dựng văn hóa giao thông trong tôn giáo, đặc biệt là đồng bào các tôn giáo là người dân tộc thiểu số.
Ông Phan Hữu Hiếu, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Gia Lai cho biết: "Ở nhiều nơi, tôn giáo đóng vai trò rất lớn trong đời sống, tinh thần của người dân, nâng cao tính tự quản của cộng đồng, ý thức trách nhiệm công dân; bài trừ các tập tục lạc hậu, tăng cường đoàn kết trong nhân dân và góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào các tôn giáo.
Đặc biệt, thông qua hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, việc lồng ghép tuyên truyền ATGT trong các buổi sinh hoạt tôn giáo sẽ rất thiết thực.
Các tổ chức tôn giáo cũng đã tích cực tham gia các mô hình hay trong xây dựng nông thôn mới, làm đẹp khu dân cư và những giải pháp hiệu quả làm đẹp khu dân cư và giảm thiểu TNGT".
"Vai trò của các tổ chức tôn giáo, nhất là các vị chức sắc, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã phát huy hiệu quả.
Rõ rệt nhất là trong việc nâng cao ý thức chấp hành các quy định bảo đảm trật tự ATGT - nhiệm vụ quan trọng, giải pháp hữu ích góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm an toàn giao thông” hướng đến kiềm chế, giảm thiểu các thiệt hại do TNGT gây ra", ông Hiếu nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận