"Điểm nóng" tai nạn ở Chư Sê
Chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy 2 tháng, tại Chư Sê (Gia Lai) đã xảy ra 3 vụ vụ TNGT rất nghiêm trọng. Đáng chú ý, tỉ lệ các vụ tai nạn tử vong đối với người trẻ là người đồng bào dân tộc thiểu số bất ngờ tăng đột biến.
Ngày 9/2, tại Km168+800m Quốc lộ 25, đoạn thuộc làng Tnung, xã Hbông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai xảy ra vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng làm 4 người thương vong. Thời điểm trên, anh Rah Lan Nhon (sinh năm 2003) điều khiển xe mô tô (không có BKS) chở sau 3 người, gồm: Kpă Bring (sinh năm 2003), Kpuih Hlếch (sinh năm 2005) và Rơh Mah Nhát (sinh năm 2003), cả 4 cùng trú tại xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, lưu thông theo hướng huyện Chư Sê đi huyện Phú Thiện.
Khuya 26/2, tại km 140+600, Quốc lộ 25 (đoạn qua thôn Iakơ Al, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện) đã xảy ra TNGT nghiêm trọng giữa 2 xe mô tô.
Vào thời điểm trên, xe mô tô BKS: 81D1-03362 do Rmah Rinh ( SN 2000, trú tại làng Plei Sing) chở theo Siu Tiệu (SN 2005, trú tại làng Mơnay Trang, xã Ia Piar) lưu thông theo hướng Ayun Pa đi Phú thiện đã va chạm với xe mô tô đi ngược chiều BKS: 81P7-9709 do Ksor Minh (SN 2000, trú tại làng Glung A, xã Ia Ke) chở theo Rlan Sang (SN 2000, trú tại TDP 16, TT Phú Thiện, huyện Phú Thiện).
Cú va chạm mạnh khiến Ksor Minh tử vong tại chỗ, Rmah Rinh được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện nhưng không qua khỏi.
Vụ TNGT cũng khiến 1 người bị thương xây xát nhẹ.
Đến vị trí trên thì xảy ra tai nạn với xe mô tô (không có BKS) do Kpuih Vơi (sinh năm 2003) điều khiển, chở sau Siu Biên (sinh năm 2001), cả 2 cùng trú làng Tnung, xã Hbông, huyện Chư Sê lưu thông theo hướng ngược lại. Hậu quả: Kpă Bring và Kpuih Vơi chết tại chỗ; Rah Lan Nhon và Siu Biên bị thương được đưa đi cấp cứu.
Còn trên tuyến đường Hồ Chí Minh, khoảng 20h ngày 29/1, tại km1638+580 đoạn qua thôn An Điền, xã Ia Blang, huyện Chư Sê. Thời điểm trên, tài xế Lê Thanh Minh điều khiển xe khách BKS 81B-015.21 của nhà xe Thuận Tiến tuyến Gia Lai-TP. Hồ Chí Minh lưu thông theo hướng từ Chư Sê - Chư Pưh đã va chạm với xe máy BKS 81E1-082.28 do Rơ Lan Thuận (SN 2002) điều khiển chở theo 2 cô gái là Rơmah H’Oai (SN 2003) và Siu H’Yếu (SN 2003, cùng trú tại thôn Tao Kó, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh). Hậu quả, cả 3 người đi trên xe mô tô tử vong tại chỗ.
Cũng trong thời điểm ngày 30 Tết nguyên đán (24/1) tại đường liên xã thuộc địa phận thôn 1, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê cũng xảy ra một vụ TNGT nghiêm trọng khiến 2 người chết và 1 người bị thương nặng.
Theo ban ATGT tỉnh Gia Lai, tình hình trật tự, ATGT trên địa bàn tỉnh trong 2 tháng đầu năm 2020 diễn biết rất phức tạp, tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2019 (số vụ, số người bị thương và số người chết).
Trong đó, số vụ tai nạn gây hậu quả rất nghiêm trọng tăng 200%, đặc biệt là liên tiếp xảy ra 3 vụ rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn huyện Chư Sê. TNGT liên quan đến xe mô tô tăng 42,31%, trên đường giao thông nông thôn tăng 57,14%; TNGT liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số bất ngờ tăng cao đột biến: Cụ thể: tăng trên 44% số vụ; tăng 150% số người chết và tăng trên 33% số người bị thương. Tai nạn lại chủ yếu liên quan đến thanh thiếu niên điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự ATGT.
Quyết liệt để giảm tai nạn
Theo ban ATGT tỉnh Gia Lai, trước tình hình trên, Ban đã chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT nhằm kéo giảm tai nạn trong năm 2020.
Công văn do ông Lê Văn Hạnh,Phó trưởng ban ATGT tỉnh Gia Lai ký chỉ đạo nêu rõ: tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt và đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp kéo giảm tai nạn. Cụ thể: Tăng cường thực hiện các giải pháp phòng ngừa TNGT trong thanh thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường công tác quản lý, phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến xe mô tô trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Trong các giải pháp được đưa ra, Ban ATGT tỉnh Gia Lai đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền các quy định xử phạt vi phạm hành chính về nồng độ cồn đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước hình thành thói quen “Đã uống rượu, bia - không lái xe”; tuyên truyền, vận động người dân không giao xe mô tô, xe gắn máy cho người chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Cơ quan công an ở địa phương tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT. Đặc biệt là các vi phạm quy định về nồng độ cồn, tốc độ; về điều kiện tham gia giao thông của xe mô tô, xe gắn máy, điều kiện của người lái xe tham gia giao thông. Theo đó, giải pháp tăng cường tuần tra lưu động; bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các địa bàn, tuyến giao thông trọng điểm và cả trên đường giao thông nông thôn (chủ yếu là đường huyện, đường liên xã).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận