Thế nhưng, hàng trăm người dân vẫn phải ngày ngày vượt sông Sê San, vùng hồ thủy điện, thủy lợi trên những phương tiện không đủ điều kiện, nguy cơ lật, chìm thuyền luôn thường trực.
Ám ảnh vụ lật thuyền
Căn nhà nhỏ của chị Rơ Châm Diel ở làng Jăng Krái (xã Ia Khai, huyện Ia Grai) những ngày qua có nhiều người lui tới. Chị Diel là nạn nhân vụ đuối nước cách đây mấy tuần may mắn được cứu sống, nhưng anh Rơ Mah Vươn (SN 1973, chồng chị Diel) vĩnh viễn không thể về nhà với vợ con.
Từ hôm tai nạn xảy ra, ngôi nhà trở nên hưu quạnh vì thiếu vắng người chồng, người cha. Đứa con út mới hơn một tuổi đang bập bẹ tập nói thấy nhiều người lạ cứ nép vào lòng mẹ. Người phụ nữ vừa mất chồng khuôn mặt hốc hác, nhìn xa xăm.
Tiếp chuyện với chúng tôi, chị Diel vẫn chưa hết bàng hoàng, ám ảnh bởi vụ lật thuyền vào chiều 27/8. “Sáng đó, mình với chồng (Vươn) và vợ chồng anh Rơ Mah Yôh (SN 1975), chị Puih Par (SN 1975, cùng ở làng Jăng Krái) lên thuyền vượt sông Sê San hướng đến khu đất rẫy ở xã Ia Tơi (huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum).
Hôm ấy mình đi hái dưa leo ở rẫy, khi hái được một bao to chất lên thuyền thì mọi người rủ nhau hái măng. Đến chiều thì 4 người hẹn nhau về. Ai ngờ đó là chuyến đi định mệnh”, chị Diel nghẹn ngào.
Nói với chúng tôi, anh Mah Yôh kể lại: “Khi cả 4 người cùng lên thuyền, Vươn bật máy chạy ra giữa sông thì bất ngờ chiếc thuyền chồm lên lao như tên ra lòng sông rồi lật luôn.
Cái thuyền đó Vươn mới mua mấy hôm. Đó cũng là lần thứ 3 nó lái chiếc thuyền ấy. Cả 4 người đi trên thuyền không ai mặc áo phao và có cả người không biết bơi”.
Theo lời anh Yôh, khi thuyền bị lật, do không biết bơi nên anh chỉ biết vùng vẫy rồi kiệt sức ngất đi. “Chỉ đến khi tỉnh lại mới biết mình còn sống. Mọi người kể lại, khi lôi tôi vào bờ thì tôi không thở được nên sơ cứu bằng cách ép nước ra khỏi ngực mới sống”, anh Yôh nói và cho biết đã rất sợ hãi.
Còn anh Vươn, khi thấy vợ chới với giữa dòng nước, anh lao tới cầm tay chị kéo về phía bờ. Nhưng sau đó, anh Vươn kiệt sức rồi chìm xuống. May thay những người đi câu cá ở gần đó nhìn thấy đã cứu được 3 người còn lại.
Còn nhiều bất cập về đảm bảo ATGT đường thủy
Nói về vụ lật thuyền khiến anh Vươn thiệt mạng, bà Nguyễn Mai Lương, Chủ tịch UBND xã Ia Khai thừa nhận công tác đảm bảo an toàn sông nước ở xã còn nhiều bất cập.
Hiện, toàn xã có khoảng 400 hộ dân phải thường xuyên qua sông Sê San để đến vùng đất canh tác. Phương tiện di chuyển chủ yếu bằng thuyền thô sơ. Từ năm 2017 đến nay, tại xã Ia Khai đã xảy ra 3 vụ đuối nước do lật thuyền khiến 3 người tử vong.
“Tổng số tàu, thuyền lớn, nhỏ của xã khoảng 70 chiếc. Từ năm 2019 đến nay, một số đơn vị hảo tâm đã hỗ trợ 300 chiếc áo phao cho người dân. Tuy nhiên, tàu thuyền của người dân đều chưa được đăng ký, đăng kiểm. Đặc biệt, người dân hoạt động trên sông nước nhưng lại chưa được theo học các lớp đào tạo, tập huấn về điều khiển phương tiện thủy. Chủ yếu người dân tự học, tự rút kinh nghiệm”, bà Lương nói và thừa nhận chưa thấy lực lượng nào đứng ra kiểm tra, xử lý những tồn tại này.
Theo ông Phan Hữu Hiếu, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Gia Lai, do đặc thù là tỉnh miền núi, các sông nhỏ có độ dốc lớn, nhiều thác ghềnh không thuận lợi cho phát triển GTVT đường thủy nội địa.
Trước thực trạng tai nạn đuối nước do lật thuyền xảy ra liên tiếp, ông Hiếu cho biết, ngày 9/9, Ban ATGT đã thi công 3 công trình pano tuyên truyền phòng tránh đuối nước tại các bến đò ngang trên sông Sê San, huyện Ia Grai.
Trong khi đó, những năm trước ngành chức năng cũng tổ chức trao áo phao cho người dân các địa phương có hoạt động sông nước, đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền phòng tránh đuối nước, tuy nhiên do không được kiểm tra, giám sát kịp thời nên việc chấp hành các quy định khi tham gia giao thông đường thủy của người dân còn lơ là, chủ quan, làm tăng nguy cơ xảy ra các vụ chìm, lật thuyền gây thiệt hại về người.
Vận tải đường thủy nội địa hầu như chưa được đầu tư
Theo Sở GTVT tỉnh Gia Lai, qua rà soát trên địa bàn có 2 bến thủy nội địa tự phát có kết nối với địa phương lân cận, giữa huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) với huyện Ia Hdrai (tỉnh Kon Tum); có 5 bến thủy nội địa phục vụ khách tham quan trên lòng hồ, đánh bắt hải sản, lưu thông hàng hóa nội bộ (Ia Ly, An Khê - Kanak, Ia Mơ, Bàu Cạn, Hoàng Ân, Chư Prông, …). Thực tế, hoạt động của người dân chủ yếu là đi lại qua vùng sông nước, đánh cá chứ không đủ yếu tố để quản lý vận tải đường thủy nội địa. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh hầu như chưa được đầu tư.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận