Bập bềnh cầu gỗ qua sông
Đã nhiều năm nay, gần 1.000 hộ dân thuộc 4 buôn Chư Bang, Chư Jứt, Ma Rok, Tơ Nia (xã Chư Gu, huyện Krông Pa) khi qua lại trên chiếc cầu tự phát nối liền nhà ở và khu sản xuất đều phải đóng phí 5 nghìn đồng cho mỗi lượt qua cầu. Dọc theo sông Ba qua địa phận địa phương có 3 cầu tạm bằng gỗ như vậy.
Cầu tạm bằng gỗ bắc qua sông Ba có chiều dài gần 1km, rộng hơn 1m và chỉ có thể di chuyển qua cầu bằng cách đi bộ hoặc xe máy. Cây cầu bằng gỗ được người dân chắp ghép bằng những tấm ván và cây gỗ tận dụng. Ở nhiều vị trí, các tấm ván lót ngang đã gãy đôi, tạo thành các lỗ hổng giữa cầu. Cầu gỗ khá dài nhưng không có lan can bảo vệ. Đặc biệt, các trụ đỡ bằng gỗ đã có dấu hiệu mục gãy, sạt lở chân trụ; xe máy di chuyển qua lại trên cầu có cảm giác rung lắc mạnh. Do đó, nếu không tập trung quan sát, bánh xe rất dễ lọt giữa những tấm ván bị gãy, người di chuyển qua đây có thể rơi xuống sông bất cứ lúc nào.
Người dân Thôn Ma Rok, xã Chư Gu, cho biết: Cầu gỗ bắt đầu được xây dựng từ năm 2016 và mỗi năm đều phải trải qua rất nhiều lần sửa chữa mới đi lại được. Riêng cầu buôn Ma Rok đã có 28 hộ chung nhau mua ván và gỗ để xây cầu bắc qua sông. Cầu này chỉ sử dụng được vài tháng trong năm, đến mùa mưa nước lớn lại bị cuốn trôi, người dân phải làm lại cầu mới. Mỗi ngày có 4 hộ chung nhau đứng ở đầu cầu để thu phí người dân qua lại. Trung bình mỗi ngày thu được khoảng 1-1,5 triệu đồng. Số tiền này sẽ chia cho 4 người trực và những hộ này phải bỏ tiền ra để sửa chữa cầu.
Nếu không có những cây cầu gỗ do người dân tự xây dựng thì gần 1.000 hộ dân thuộc 4 buôn Chư Bang, Chư Jứt, Ma Rok, Tơ Nia phải di chuyển theo 2 hướng để sang đất sản xuất của gia đình. Một là từ ngã 3 xã Chư Rcăm, theo tuyến đường Đông Trường Sơn để qua xã Chư Drăng. Hai là, người dân di chuyển theo hướng đến thị trấn Phú Túc và qua cầu Phú Cần. Quãng đường di chuyển theo cả 2 hướng trên đều gấp hàng chục lần quãng đường di chuyển qua các cầu gỗ bắc qua sông Ba.
Ông Rah Lan Nhoan - Trưởng thôn Ma Rok-cho hay: Từ xưa nay, đất canh tác của bà con nơi đây đều ở dọc theo sông Ba. Vì vậy, người ta làm cầu thì mình có cái để đi xe máy, không phải đi bộ đến rẫy như trước đây nữa. Do đó, mình thấy việc đóng phí này cũng đúng để chờ ngày nhà nước làm cầu bê tông kiên cố hơn. Nhiều lần trong cuộc họp các cấp, người dân đều đề bạt mong muốn có một cây cầu kiên cố để đi lại đến khu sản xuất, canh tác ổn định. Các đoàn từ các sở, huyện đã đến khảo sát nhưng đến nay người dân vẫn phải di chuyển trên cầu tạm bằng gỗ, chưa có cầu kiên cố để đi lại.
Ông Nguyễn Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Chư Gu, cho biết: Trước đây, xã Chư Gu và xã Chư Drăng đều thuộc một xã. Sau khi tách xã và hình thành xã Chư Gu, bà con đồng bào Jrai đã sang và tái định cư bên này sông Ba. Tuy sống trên đất xã Chư Gu nhưng hơn 80% người dân đều qua sông Ba để canh tác trên diện tích đất sản xuất đã có trước đó. Các năm trước, vào mùa lũ người dân di chuyển qua đây bằng thuyền, bè gỗ; mùa khô thì lội qua sông để đi làm. Cách đây vài năm, do nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nông sản tăng cao nên các hộ dân thuộc 4 buôn đã góp tiền và ngày công để dựng nên 3 cây cầu bắc qua sông Ba nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển nông sản; đồng thời, thu phí mỗi lượt đi qua là 5 nghìn đồng/lượt/xe máy.
80 cầu dân sinh sẽ hoàn thành năm 2020
Theo Sở GTVT Gia Lai, không chỉ 3 cầu gỗ như Báo Giao thông phản ánh, trên dòng sông Ba có rất nhiều cầu dân sinh tự mở, nguy cơ mất ATGT. Sở nhiều lần làm việc với chính quyền địa phương chấn chỉnh nhưng do nhu cầu trồng trọt, sản xuất người dân không thể không có cầu để đi lại.
Ông Phạm Xuân Điệp - Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình giao tỉnh Gia Lai cho biết, trước thực trạng trên, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục Dự án Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (gọi tắt là Dự án LRAMP) trên cả nước. Theo đó, tỉnh Gia Lai là một trong 50 tỉnh, thành phố trong cả nước được thụ hưởng từ dự án này. Tại hợp phần cầu, tỉnh Gia Lai được đầu tư xây dựng 80 cầu dân sinh, tổng chiều dài lên đến 3.524m với tổng vốn đầu tư khoảng 208 tỷ đồng. Hợp phần cầu dân sinh được chia thành 6 dự án thành phần. Theo kế hoạch, Dự án sẽ hoàn thành vào năm 2020. Trong đó có cả cầu qua sông ba thuộc xã Chư Gu, huyện Krông Pa.
Đối với dự án LRAMP tại Gia Lai, lớn nhất là cầu Ia Rmok đã được triển khai xây dựng từ nguồn vốn của Dự án LRAMP do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, khởi công năm 2018. Cây cầu này có chiều dài hơn 330 m, rộng 4 m với tổng kinh phí đầu tư hơn 36,2 tỷ đồng. Hiện nay, nhà thầu đang gấp rút triển khai thi công công trình này. Dự kiến, cuối năm 2019, cầu Ia Rmok sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Theo ông Nguyễn Thanh Vân,Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Krông Pa: Cầu Ia Rmok sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ kết nối thị trấn Phú Túc với các xã phía Nam sông Ba như: Ia Rmok, Ia Hdreh, Krông Năng... Đây cũng là tuyến kết nối giữa quốc lộ 25 và đường Trường Sơn Đông, tạo điều kiện cho người dân đi lại, giao thương thuận lợi hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội các xã phía Nam sông Ba ngày càng phát triển.
Ngoài ra, cũng từ nguồn vốn của Dự án LRAMP, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đầu tư làm 4 cây cầu dân sinh khác ở huyện Krông Pa, gồm: cầu Blúk (xã Phú Cần); cầu Chư Tê, Ơi Kia 1, Ơi Kia 2 (xã Ia Rsai) và 1 cống hộp ở xã Ia Mlah với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng. Tất cả các công trình trên đều được triển khai xây dựng từ năm 2018 và dự kiến năm 2019 sẽ đưa vào sử dụng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận