Chồng gần như tàn phế sau một vụ TNGT, mọi gánh nặng trút lên vai người phụ nữ vốn bệnh tật, không người san sẻ.
Vợ chồng cô giáo Nhi trong căn nhà thuê với giá 500.000 đồng/tháng
Liên tiếp những tai ương
Trong căn nhà cũ kỹ, được thuê với giá 500.000 đồng/ tháng nằm ở thôn Nam Hiệp (xã Nam Đà, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), cô giáo Huỳnh Thị Hồng Nhi (50 tuổi, giáo viên trường Tiểu học Hoàng Diệu) dìu chồng là anh Trương Văn An (54 tuổi) từng bước tập tễnh ra chiếc ghế gỗ để vệ sinh, chuẩn bị giờ ăn cơm trưa.
Đỡ anh ngồi xuống ghế, cô giáo Nhi kể, cô sinh sống ở vùng đất này và gắn bó với nghề giáo viên đã hơn 20 năm.
Chỉ mới cách đây chưa đến chục năm, giữa vùng quê nghèo này, có được cuộc sống như gia đình cô là mơ ước của nhiều người.
Ngoài công việc lên lớp, cô đi bán bắp, dẫn mối bán heo, đi phụ cho xưởng mộc… mỗi tháng cũng tích góp được vài triệu đồng, đủ nuôi con ăn học. Lúc đó, chồng cô làm nghề thợ mộc, ăn nên làm ra và có của để dành.
Nhưng rồi đến năm 2016, khi cô đang mang bầu đứa con gái thứ tư, cô bất ngờ lâm bệnh nặng, phải vào TP.HCM điều trị.
Sau nhiều tháng nằm viện, trải qua nhiều ca phẫu thuật may mắn bác sĩ đã cứu sống hai mẹ con. Nhưng tất cả tài sản tích góp được từ trước đã không cánh mà bay.
Cực chẳng đã, căn nhà cũng buộc phải đem bán để rồi cả gia đình phải đi thuê chỗ ở. Nhưng tai ương vẫn chưa chịu buông tha.
Năm 2019, trong một lần trên đường đi làm về, anh An không may bị TNGT gãy chân, chấn thương sọ não. Chữa trị hết viện này đến viện khác, gia cảnh mỗi ngày thêm kiệt quệ. Cùng đường, cô phải đi thế chấp sổ lương để vay tiền chữa chạy cho chồng, nuôi các con, cố cầm cự ngày nào hay ngày đó.
Sau gần 1 năm nằm viện, anh An trở về với cơ thể không lành lặn, lúc nhớ lúc quên, mỗi khi trái gió trở trời lại bị cơn đau hành hạ.
Mong có sức khoẻ để chăm chồng, nuôi con
Nhà đã bán, chồng không thể lao động, lại phải tái khám, thuốc thang thường xuyên, cuộc sống của cả nhà chỉ trông vào đồng lương giáo viên ít ỏi của cô Nhi. Không thấm vào đâu, chuỗi ngày ngược xuôi vay mượn khiến cô tất tả hơn, lo nghĩ nhiều hơn.
“Thấy gia cảnh khó khăn, các em còn nhỏ, đứa con gái lớn khi học hết lớp 12 đành phải nghỉ ở nhà. Sau một năm phụ mẹ chăm bố, vợ chồng tôi động viên cháu học tiếp, sau đó cháu đỗ đại học. Em cháu sau đó cũng đỗ tiếp vào đại học, ai cũng mừng. Nhưng mừng mà vẫn lo, vì thật sự tôi hết cách rồi, không biết sẽ lấy tiền đâu để cho các cháu theo học tiếp”, cô Nhi buồn rầu.
Hiện tại, hai đứa con lớn của cô Nhi đang học đại học ở Đà Nẵng, ban ngày lên giảng đường, thời gian rảnh hoặc buổi tối hai chị em đi làm thêm, bán dép để tự nuôi nhau. Ở nhà còn một đứa lớp 3, một đứa lớp học lớp 1.
“Tôi chỉ mong ông trời cho sức khỏe để chăm chồng và nuôi nấng các con, khổ cực bao nhiêu tôi cũng chịu được. Mong sao chồng chóng khoẻ, có thể tự đi lại, ăn uống được, khi đó tôi có nhiều thời gian hơn để đi làm thuê làm mướn kiếm thêm tiền”, giọng cô Nhi trùng xuống, mắt rơm rớm.
Thầy Hoàng Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Diệu cho biết: “Cô Nhi là một giáo viên đầy nhiệt huyết, sống chan hoà với đồng nghiệp, được học trò yêu quý. Tuy nhiên hoàn cảnh của cô thật sự rất éo le.
Ở trường chúng tôi cũng đã kêu gọi, người nhiều người ít đóng góp để giúp đỡ cô Nhi bớt đi phần nào khó khăn, tuy nhiên số tiền cũng không thấm vào đâu so với hoàn cảnh hiện tại”.
Ông Nguyễn Vũ, Phó chủ tịch UBND xã Nam Đà cho biết, thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình cô Nhi, địa phương cũng đã cũng đã chia sẻ, kêu gọi giúp đỡ nhưng cũng chỉ là phần nào. “Tôi rất mong các nhà hảo tâm dang tay giúp đỡ để gia đình cô sớm vượt qua được giai đoạn ngặt nghèo này”, ông Vũ nói.
Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ hoàn cảnh của cô giáo Huỳnh Thị Hồng Nhi (50 tuổi, ngụ thôn Nam Hiệp, xã Nam Đà, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) xin độc giả và các nhà hảo tâm gửi cho cô Nhi theo số tài khoản: 5304205008721, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Krông Nô (Agribank Krông Nô).
Hoặc gửi về Quỹ Chung tay vì ATGT của Báo Giao thông, số tài khoản: 115000106087, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội. (Nội dung gửi ghi rõ: “Ủng hộ hoàn cảnh cô giáo Nhi ở Đắk Nông”).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận