Một chiếc xe ba gác máy lưu thông trên QL51 - Ảnh: Vĩnh Phú |
Chạy vào đường cấm
Dù đã có quy định cấm lưu thông trên các tuyến quốc lộ, khu dân cư nhưng thời gian gần đây, xe ba gác máy, xe máy cày tự chế chở hàng cồng kềnh vẫn ngang nhiên lưu thông trên các tuyến QL20, QL1, QL51 qua địa bàn Đồng Nai, khiến nhiều người dân nơm nớp lo sợ.
Chiều 25/10, PV Báo Giao thông có mặt trên QL1 đoạn qua chợ Gia Kiệm (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) chứng kiến chỉ trong vòng 30 phút, đã có hơn 10 chiếc xe máy cày tự chế, ba gác máy chở cát đá, các loại hàng nông sản, trái cây, vật liệu xây dựng… chạy ngược xuôi trên đường. Đáng lưu ý, những chiếc xe máy cày tự chế này thường kéo theo rơ-moóc, phía sau chất đầy hàng hóa che khuất tầm nhìn người đi đường.
Tương tự, trên tuyến QL1 đoạn qua thị trấn Long Khánh, huyện Xuân Lộc đến vùng giáp ranh tỉnh Bỉnh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, dọc QL20 qua các huyện Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú…, người đi đường có thể dễ dàng bắt gặp những chiếc xe máy cày tự chế lao ầm ầm chẳng khác gì “hung thần xa lộ”. Về đến TP Biên Hòa, QL51 thì tình trạng xe chở hàng quá khổ, xe ba bánh Trung Quốc chở hàng cồng kềnh như: Tôn, sắt ống, sắt cây xây dựng… lưu thông phổ biến tại các tuyến đường có các cửa hàng bán vật liệu xây dựng.
Cánh tài xế xe tải, xe khách chạy đường dài đều lo ngại khi lưu thông cùng với những chiếc xe máy cày, xe ba gác tự chế này. “Các loại xe này không có đèn báo chuyển hướng, nhiều xe chất đầy hàng hóa cồng kềnh che khuất tầm nhìn các phương tiện khác nên rất dễ xảy ra tai nạn, đặc biệt vào ban đêm”, anh Nguyễn Đức Huy, một tài xế xe khách tuyến TP HCM - Đà Lạt cho hay.
Cần xử phạt nghiêm
Theo một lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai 60-01S (Trung tâm), hiện nay chưa có quy định bắt buộc xe máy cày tự chế, xe ba gác máy phải đi đăng kiểm. Đối với xe máy cày, khi địa phương có nhu cầu kiểm định để đảm bảo ATGT thì huyện kiểm đếm phương tiện sau đó phối hợp với Trung tâm kiểm định kỹ thuật. Tuy nhiên, số lần Trung tâm phối hợp với các huyện kiểm định xe máy cày, máy kéo chỉ đếm được trên đầu ngón tay, thường rộ lên khi có tai nạn xảy ra hoặc CSGT kiểm tra gắt gao. Riêng xe ba gác máy chạy ngoài đường thì thông số kỹ thuật, chất lượng không ai biết được nên việc lưu thông ngoài đường rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Văn Quan, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết, theo quy định, xe máy cày tự chế, xe ba gác máy bị cấm lưu thông trên các tuyến quốc lộ, đường đô thị. “Việc các loại phương tiện này lưu thông trên các tuyến quốc lộ, đường đô thị chở hàng cồng kềnh gây nguy hiểm cho người đi đường cần phải xử lý nghiêm”, ông Quan nói.
Đại diện Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, từ cuối tháng 9/2016, CSGT đã triển khai chuyên đề xử lý xe ba gác, máy cày và những phương tiện chở hàng hóa cồng kềnh, quá khổ. Sau một tháng triển khai, tình hình cũng đã có những chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, ở một số địa bàn, người điều khiển xe máy cày tự chế, xe ba gác tranh thủ lúc không có lực lượng chức năng tuần tra thì lén chạy chở vật liệu ra đường nên cũng chưa xử lý được triệt để.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận