Kiểm tra gắt gao, lái xe nghiện né ra đường?
Trong 2 ngày 14-15/1, lực lượng liên ngành quận Thủ Đức (TP.HCM) chốt chặn trước cụm cảng Phúc Long ICD và Tân Cảng Thủ Đức (Depot, đường số 2, phường Trường Thọ) thực hiện chuyên đề kiểm tra ma túy lái xe container ra vào khu vực này. Kết quả, đã kiểm tra hơn 60 lái xe và phát hiện 7 trường hợp dương tính ma túy. 7 lái xe này đã được Công an quận Thủ Đức lập hồ sơ đưa đi trường cai nghiện 2 người, 1 người xử phạt hành chính bàn giao cho gia đình quản lý.
Từ khuya 15/1, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC08), Công an TP HCM) phối hợp với các đơn vị liên quan ra quân xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn, chất kích thích. Theo ghi nhận của PV, hầu hết các phương tiện như: Xe khách, taxi, xe ben, xe tải… đều được CSGT đo nồng độ cồn. Một số trường hợp nghi vấn bị test ma túy. Qua ngày đầu ra quân, CSGT đã kiểm tra 491 lái xe nhưng không phát hiện trường hợp nào sử dụng ma túy, đã phát hiện 77 vi phạm nồng độ cồn (11 xe ôtô các loại, 66 xe máy), 8 vụ xe ôtô tải đi đường cấm.
Tuy nhiên, trong suốt ngày 16/1, PV quay lại các tuyến đường song hành Xa lộ Hà Nội, đường số 2, đường Nguyễn Văn Bá, lượng xe container ra vào cụm cảng, depot phường Trường Thọ (quận Thủ Đức, TP HCM) vắng vẻ lạ thường. Đứng tại giao lộ đường song hành Xa lộ Hà Nội - đường số 2 quan sát của PV trong vòng gần 1 giờ đồng hồ nhưng chỉ đếm được 10 xe container rẽ vào các depot, cảng trong khu vực.
Còn tại Hà Tĩnh, Thiếu tá Phạm Duy Thành, Quyền Đội trưởng Đội CSGT - Trật tự Công an TP Hà Tĩnh cho biết, từ tháng 9/2018 đến nay đã phát hiện lập biên bản xử lý 3 đối tượng điều khiển xe mô tô có sử dụng chất ma túy.
Khó khăn trong công tác kiểm tra là lái xe sử dụng ma túy hoặc có nồng độ cồn thường né chốt kiểm tra, một số không chấp hành hiệu lệnh hoặc nhìn thấy chốt từ xa thì quay đầu lại hoặc dừng lại để đổi lái.
Quy trình chặt chẽ
Tại Ninh Bình, việc lập tổ liên ngành kiểm tra ma túy trên đường giao thông đã được thực hiện từ năm 2016. Ông Hoàng Quốc Tuấn, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT Ninh Bình) cho biết, Sở GTVT sẽ chủ trì phối hợp với CSGT, Cảnh sát ma túy, Y tế, TTGT tổ chức kiểm tra chất ma túy đối với lái xe tại khu vực bến xe, trên các tuyến đường 2 lần/ năm. Tại đợt kiểm tra gần nhất vào tháng 10/2018, lực lượng liên ngành đã kiểm tra 580 lái xe trên các tuyến QL1, QL10, ĐT477, phát hiện 3 trường hợp dương tính với ma túy.
Trung tá Trần Anh Tuấn, Đội trưởng Đội TTKS giao thông nội tỉnh và dẫn đường (Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Bình) cho biết: Để kiểm tra ma túy lái xe, lực lượng CSGT dừng xe, yêu cầu lái xe vào khu vực đã được quây kín đi tiểu tiện. Tiếp đến, bộ phận y tế và cảnh sát ma túy sẽ dùng test chuyên dụng thử ma túy để test nước tiểu, mỗi lần test mất khoảng 2-3 phút.
“Việc kiểm tra đều có sự tham gia của các cơ quan, đơn vị nên khi kiểm tra, những người dương tính với chất ma túy đều thừa nhận mình sử dụng. Trong quá trình kiểm tra thì khó khăn lớn nhất đó là lái xe khi biết lực lượng đang kiểm tra đã điều khiển xe quay đầu, nên số vi phạm phát hiện rất ít”, Trung tá Tuấn cho hay.
Đại tá Phạm Hồng Sơn, Trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, Phòng được trang bị 1 máy kiểm tra ma túy đối với lái xe, tuy nhiên quá trình kiểm tra gặp nhiều khó khăn do hạn chế về thiết bị và thời gian kiểm tra lâu. Theo Đại tá Sơn, lái xe khi được yêu cầu kiểm tra chất ma túy sẽ phải ngậm một thanh test nhanh trong 3-5 phút. Sau đó, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra các vạch hiển thị trên thanh ngậm để nhận biết lái xe đó có dấu hiệu dương tính với ma tuý hay không. Và để kiểm tra loại chất ma túy mà lái xe sử dụng, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục cắm thanh test lái xe đã ngậm vào máy phân tích mất khoảng 30 phút.
“Kiểm tra các đối tượng này rất mất thời gian nhưng lại không được giữ phương tiện vì họ có đủ giấy tờ và không vi phạm giao thông”, Đại tá Sơn nói.
Tương tự, tại Nam Định, Thiếu tá Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, đơn vị có được trang bị một máy kiểm tra ma túy nhưng máy đã cũ và đôi khi cho thông số không chính xác, hơn nữa quy trình kiểm tra ma túy 1 lái xe mất nhiều thời gian và cần sự phối hợp liên ngành để cho hiệu quả cao.
Trong khi đó, tại nhiều địa phương như: Bắc Giang, Lào Cai, Hà Nam, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, lãnh đạo các Phòng CSGT cho biết chưa được trang cấp thiết bị nên chưa thể thực hiện việc kiểm tra ma túy trên đường giao thông.
Thu hồi phù hiệu doanh nghiệp thuê lái xe nghiện ma túy
Ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết: Thanh tra Sở GTVT đang phối hợp công an kiểm tra ở các cảng bến, nếu phát hiện lái xe có nồng độ cồn quá quy định và dương tính ma túy, sở đề nghị cảng bến phối hợp từ chối không tiếp nhận xe ra vào cảng, sau đó Sở sẽ chấn chỉnh đơn vị vận tải và đề nghị thu hồi phù hiệu nếu tái phạm.
Về lâu dài, cần sử dụng phần mềm GPRS quản lý việc lái xe không chạy liên tục quá 4 tiếng và không quá 10 tiếng/ngày, bổ sung quy định về thu hồi phù hiệu của các phương tiện, hoặc xử phạt nặng doanh nghiệp thuê lái xe dùng ma túy.
Cần nghiên cứu quy trình, máy móc kiểm tra ma túy lái xe
Đại tá Phạm Hồng Sơn, Trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an tỉnh Quảng Ninh: Do việc kiểm tra phải thực hiện nhanh nhất cũng kéo dài từ 35 - 40 phút có thể gây ùn tắc giao thông. Một số lái xe không vi phạm tỏ ra khá bức xúc vì quá trình kiểm tra mất thời gian. Trong khi, nhiều đối tượng vi phạm lại sử dụng cách chống đối như không tiết đủ lượng nước bọt làm ướt thanh ngậm để đưa vào máy kiểm tra gây khó khăn cho việc kiểm tra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận