Con trai gặp tai nạn nguy kịch, chỉ còn 2% cơ hội sống nhưng bà Châu vẫn thuyết phục bác sĩ phẫu thuật cứu con. Tình thương của người mẹ và sự cố gắng của các y bác sĩ đã tạo nên một phép màu.
Khóc cạn nước mắt rồi, giờ chỉ biết mạnh mẽ để nuôi con
Trong căn nhà cấp bốn tuềnh toàng nằm sâu trong con ngõ nhỏ của tổ 28, khu 5, phường Hà Khánh, TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) là hai số phận leo lắt của sự nghèo khó và bệnh tật. Đó là bà Dương Thị Châu (SN 1959) và con trai Nguyễn Đức Khang (SN 1993). Người mẹ đã toan về già vẫn đang phải gồng gánh nuôi con trai sống “thực vật” do TNGT gây ra.
Bà Nguyễn Thị Lanh (hàng xóm của bà Châu) nghẹn ngào: “Giá như thằng Khang không bị TNGT thì bà ấy đã không phải khổ sở như thế này. Những tưởng ở tuổi 60 bà Châu sẽ được an nhàn tuổi già, con cái phụng dưỡng, ai ngờ tai họa ập đến”.
Đôi mắt đỏ hoe, nước mắt ngấn đọng trên khóe mắt đã thâm xạm nhưng không chảy thành dòng, bà Châu nói mình đã khóc nhiều rồi, giờ chỉ biết mạnh mẽ hơn để nuôi con bệnh tật. Nhìn về người con trai 26 tuổi, đang nằm liệt trên giường, bà Châu mỉm cười, dường như đây là nguồn sống và là hy vọng để bà tiếp tục những ngày còn lại.
Bà Châu nhớ lại: Trưa ngày 23/4/2018, Khang đi giao gas cho khách hàng thì đâm vào đầu chiếc xe tải đang quay đầu. Khang nằm sõng soài trên đường và được người dân đưa đi cấp cứu. Khi bà Châu đến bệnh viện thì được bác sĩ thông báo Khang bị chảy máu não, đồng tử giãn, thương tích 91% và nếu phẫu thuật thì tỷ lệ sống là 2% và khả năng cao phải sống thực vật suốt đời.
Lời bác sĩ như sét đánh ngang tai làm bà hoàn toàn sụp đổ. “Đã có người khuyên tôi rút ống thở để Khang ra đi, nhưng không người mẹ nào nỡ bỏ con cả. Tôi thuyết phục bác sĩ phẫu thuật và đề nghị trong trường hợp ca mổ không thành công, gia đình sẽ xin hiến tạng”, bà Châu nói và cho biết, lúc ấy bà cũng đã nhờ lãnh đạo công ty nơi Khang làm việc liên hệ với cơ sở đăng ký hiến tạng để làm các thủ tục.
Ca phẫu thuật được bắt đầu từ 17h chiều và kéo dài 6 tiếng đồng hồ. Đứng bên ngoài hành lang phòng mổ, người mẹ già chỉ biết chắp tay cầu mong một phép màu đến với con trai.
Trời rạng sáng cũng là lúc cánh cửa phòng mổ mở ra, bác sĩ thông báo ca phẫu thuật thành công. Như một đứa trẻ, bà Châu khóc nức nở, ôm chầm lấy bác sĩ mà khóc. Bà biết, 2% sống đã ở lại với con trai bà và bà sẵn sàng chăm đứa con của mình suốt đời mà chẳng đòi hỏi gì thêm.
Suốt 3 tháng nằm hôn mê tại bệnh viện, người mẹ ấy không rời con nửa bước khi khắp cơ thể Khang được “bọc” chằng chịt ống truyền. Mọi sinh hoạt của Khang đều một tay bà lo toan. Thậm chí, khi cần xử lý ống thở ở cổ họng trên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) bà cũng đồng hành với Khang. Những chuyến xe cấp cứu 115 từ nhà đến bệnh viện để thăm khám cứ diễn ra gần một năm như “cơm bữa” rồi thành quen.
Dường như tình yêu thương của người mẹ và sự cố gắng giành giật sự sống của các y bác sĩ đã tạo nên một phép màu khi sức khỏe của Khang dần tiến triển. “Đầu tháng 1/2019, khi tôi đang nằm cạnh Khang bỗng nghe một tiếng ú ớ “Mẹ ơi” văng vẳng bên tai. Giật mình nhìn sang con, bà Châu vội hỏi: “Con vừa gọi mẹ à?”. Nín thở chờ đợi, bà Châu vỡ òa với những giọt nước mắt chảy giàn giụa khi những âm thanh ấy lại được phát ra từng miệng con: “Mẹ ơi, con mẹ gọi mẹ mà”.
“Tôi không thể tin Khang có thể tỉnh táo và nói được sau 7 tháng nằm bất động trên giường. Đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất của một người mẹ mà khó có lời nào diễn tả được. Các bác sĩ cũng phải thốt lên “đó là một điều kỳ diệu”, bà Châu nghẹn ngào.
Mong con được ra khỏi giường
Mọi sự ủng hộ cho gia đình bà Dương Thị Châu xin gửi về Quỹ chung tay vì ATGT của Báo Giao thông theo số TK: 102010001764880, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội (nội dung gửi ủng hộ gia đình bà Dương Thị Châu); hoặc gửi trực tiếp tại Tòa soạn Báo Giao thông, số 2 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội; hoặc liên hệ số điện thoại của bà Dương Thị Châu: 0363.928.169
Để tiện chăm sóc cho con, bà Châu mua chiếc giường bệnh về nhà. Ở một góc kín tránh gió, Khang nằm một chỗ, mọi sinh hoạt ăn uống, vệ sinh đều diễn ra trên chiếc giường 1,2m. Thi thoảng bà Châu lại dìu con trai ra vòi nước để tắm rửa cho thoải mái.
Nhìn thấy chúng tôi, khuôn mặt bị méo mó bởi những vết mổ của Khang rạng rỡ. Khang cười lớn kèm theo tiếng ú ớ không rõ lời. Biết chúng tôi không hiểu, bà Châu thuật lại với đại ý Khang đang chào mọi người.
“Anh là ai, anh đến thăm em à, vui quá !”, bà Châu “dịch” theo lời nói của Khang. Trong buổi trò chuyện với bà Châu, đôi lúc Khang đệm ngang để giải thích thêm những thông tin về bản thân mình, như: Việc đã được công ty gas ký quyết định lên chức Phó cửa hàng trước khi xảy ra TNGT, hay như chuyện chưa có người yêu...
Khi được hỏi có thương mẹ không, Khang nhanh nhảu đáp: “Yêu mẹ nhất trên đời”. Có lẽ đây là câu nói rõ ràng, dễ hiểu nhất của Khang mà chúng tôi hiểu được. Dứt lời của con trai, bà Châu mỉm cười và gạt nhanh nước mắt trực trào trên khóe mi.
Chồng bà đã mất từ năm 2005, cuộc sống của gia đình càng gặp nhiều khó khăn vì không có nhà cửa, công việc không ổn định. Cả đời bà phải đi thuê mướn nơi ở. Căn nhà cấp bốn hiện nay mẹ con bà đang ở cũng là mượn từ một người hàng xóm tốt bụng. “Trước đây tôi đi gánh than rồi làm thuê ở các quán ăn. Từ khi Khang bị tai nạn, tôi không đi làm nữa vì phải ở bên cạnh chăm sóc con. Mọi chi phí sinh hoạt đều dựa vào số tiền 1.050.000 đồng từ bảo trợ xã hội của Khang và cho người nuôi dưỡng”, bà Châu nói.
Nắm chặt tay con trai, bà Châu nghẹn lời: “Giờ chỉ mong Khang vực dậy khỏi giường mà đi lại được. Tôi sợ khi sức khỏe yếu sẽ không còn dìu được con nữa. Tôi cũng ước có một ngôi nhà nhỏ để khi tôi mất thì Khang còn có chỗ nương tựa. Hậu quả của TNGT là vậy, mất mát nhiều thứ quá”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận