Bà Toóng đi nhặt ve chai để có thêm tiền mua sữa, mua cháo cho con |
Để có tiền trang trải cuộc sống và chờ mong phép màu đến với cậu con trai không may bị TNGT phải sống thực vật ở Bệnh viện Quân y 4, người mẹ nghèo ấy phải đi nhặt ve chai để có thêm tiền mua sữa, cháo và bỉm cho con. Suốt 7 năm qua, bà chưa một lần về quê sum họp, đón Tết cùng gia đình.
Chuyến thăm nhà định mệnh
Ở Bệnh viện Quân y 4, người thân bệnh nhân thường bắt gặp một phụ nữ luống tuổi, người nhỏ thó, da đen sạm cầm chiếc bao tải đi quanh bệnh viện nhặt nhạnh chai lọ, hộp bánh kẹo, lon bia... ở vệ đường. Cứ một lúc, bà lại tất tả chạy về Khoa Nội 4 chăm người con trai đang nằm liệt trên giường bệnh. Bà là Vi Thị Toóng (SN 1966, trú xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) có con trai Lương Văn Khăm (28 tuổi) đã điều trị 7 năm tại bệnh viện này.
Lau vội giọt mồ hôi trên má, bà Toóng kể bằng giọng Kinh lơ lớ, khi chưa bị tai nạn, Khăm là một chàng trai khỏe mạnh, từng xung phong đi nghĩa vụ quân sự. Cuối năm 2011, trong một lần nghỉ phép về thăm nhà, Khăm bị TNGT dẫn đến chấn thương sọ não. Mặc dù bà đưa con đưa đi khắp các bệnh viện tuyến T.Ư chữa trị nhưng đến đâu cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. Sau 4 tháng điều trị ở Bệnh viện Quân y 103 Hà Nội, Khăm vẫn nằm bất động, trong khi tiền bạc đã khánh kiệt, bà đành xin đưa con về Bệnh viện Quân y 4 để thuận tiện đi lại và đỡ tốn kém.
Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ anh Lương Văn Khăm (28 tuổi, trú xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) xin liên hệ bà Vi Thị Toóng (ĐT: 01637939479). Hoặc gửi qua tài khoản Quỹ Chung tay vì ATGT của Báo Giao thông 102010001764880 tại Ngân hàng TMCP Công thương VN - Chi nhánh Hà Nội (nội dung gửi ủng hộ anh Khăm, bà Toóng). |
“Nuôi được con trâu, đàn dê, đàn gà chưa kịp lớn đã phải bán non để lấy tiền chữa trị cho con. Giờ nhà chẳng còn gì nữa nên tôi tranh thủ thời gian đi loanh quanh nhặt ve chai bán kiếm tiền mua thêm hộp sữa cho con và cái bánh mì để ăn cầm hơi qua ngày. Hôm nào nhặt được nhiều thì kiếm được vài chục nghìn, còn ngày mưa gió đi mệt mà chả kiếm được đồng nào”, bà Toóng tâm sự.
Gần đến giờ ăn trưa, bà vội sang quán tạp hóa ven đường mua mấy hộp sữa và ít cháo loãng rồi vào phòng bệnh, vỗ về con trai “đến giờ rồi ăn cháo cho đỡ đói con nhé”. Vừa nói bà vừa cầm chiếc kim tiêm cỡ lớn cẩn thận hút nước cháo loãng bơm vào ống nhựa thông qua mũi con trai. Khi ống nhựa bị tắc, anh Khăm khẽ rên, bà tạm dừng, dùng tay vuốt nhẹ lên ngực con, rồi tiếp tục công việc. Những động tác khó ấy được bà Toóng thực hiện một cách thuần thục. “7 năm rồi, tôi quen và có kinh nghiệm với công việc này mà”, bà nói.
Ngồi bóp chân tay cho con trai, bà Toóng nói trong nước mắt: “Nhiều người cũng bảo vợ chồng tôi hay là buông đi, chứ giờ thằng Khăm chỉ sống thực vật như vậy thì khổ mình. Nhưng là mẹ, tôi làm sao có thể bỏ con. Dù chỉ còn một phần trăm hi vọng tôi cũng sẽ bám bệnh viện, ở bên chăm sóc con và chờ mong phép màu”.
Bà Toóng chăm sóc con tại bệnh viện |
7 năm đón Tết ở bệnh viện
Suốt 7 năm con nằm bệnh viện là từng ấy thời gian bà chưa được về thăm quê, thăm bà con dân bản. Kể cả khi đám cưới ba người con, bà cũng không thể có mặt mà đành phải nhờ cậy chồng cùng anh em họ hàng, làng xóm đến phụ giúp. Bởi nếu về, không có ai thay bà chăm sóc Khăm.
“Buồn nhất là mỗi dịp Tết, bệnh viện vắng bệnh nhân, ai cũng được về nhà đón Tết với gia đình. Tôi nhớ quê nhà và thương các con, các cháu lắm. Nhưng Khăm không thể rời viện mà tôi không thể rời nó”, bà Toóng nói trong nước mắt.
Biết hoàn cảnh của bà Toóng, nhiều người nhà bệnh nhân và một số hộ dân sống gần bệnh viện đã gom các loại phế liệu giúp bà có thêm tiền mua cháo, mua tã lót cho con.
Nhìn đứa con trai nằm bất động, bà buồn rầu tâm sự: “Mỗi khi thấy bạn bè, đồng đội cũ đến thăm con lòng tôi đau nhói. Giá như con trai tôi không gặp nạn giờ nó cũng lấy vợ, sinh con và có một tương lai tốt đẹp”.
Bác sỹ Nguyễn Đức Anh, Chủ nhiệm Khoa Nội 4 cho biết: Bệnh nhân Lương Văn Khăm bị liệt tứ chi, cứng khớp, chấn thương sọ não phải sống thực vật. Theo phác đồ điều trị thì truyền dịch nuôi dưỡng, dùng thuốc tăng cường tuần hoàn não, chống động kinh và chăm sóc phòng chống bội nhiễm. Do hoàn cảnh gia đình bệnh nhân Khăm rất khó khăn, hiện tại bệnh viện đang hỗ trợ suất ăn cho bà Toóng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận