Thay vì dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình chỉ được dùng để xử lý vi phạm của doanh nghiệp kinh doanh vận tải, nhiều ý kiến đề xuất dùng dữ liệu này để xử phạt vi phạm giao thông.
Phát hiện xe vi phạm tốc độ 2.000 lần/tháng
Hiện nay, dữ liệu từ thiết bị GSHT được Cục Đường bộ VN và các Sở GTVT ứng dụng để quản lý thông tin về xe như vi phạm tốc độ, thời gian lái xe liên tục, dừng đỗ trả khách Ảnh minh họa: Tạ Hải
Tin từ Sở GTVT Hà Nội cho biết, qua hệ thống giám sát hành trình (GSHT), đơn vị đã phát hiện xe hợp đồng BKS 29B-14.712 vi phạm tốc độ hơn 2.000 lần/tháng.
Ngoài xe này, dữ liệu GSHT cũng cho thấy nhiều phương tiện vi phạm tốc độ từ 100 - 500 lần/tháng. Có 26 xe buýt vi phạm, trong đó có xe phạm lỗi tới gần 500 lần.
Hiện nay dữ liệu từ thiết bị GSHT được Cục Đường bộ VN và các Sở GTVT ứng dụng để quản lý thông tin về xe như vi phạm tốc độ, thời gian lái xe liên tục, dừng đỗ trả khách.
Cục Đường bộ VN cho biết, dữ liệu hệ thống GSHT cho thấy, cả nước có hơn 930.000 phương tiện kinh doanh vận tải, trong năm 2022 có hơn 18 triệu lần vi phạm quá tốc độ. Các Sở GTVT đã xử lý thu hồi phù hiệu gần 12.800 phương tiện.
Theo GS. TS. Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT, vi phạm tốc độ là 1 trong 5 nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông.
Minh chứng là thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng đối với xe kinh doanh vận tải. Điển hình nhất là vụ tại Quảng Nam vào tháng 2/2023 khiến 8 người tử vong, 13 người bị thương.
Ông Sùa cho rằng, từ thực tế vi phạm nhiều và có tính chất nguy hiểm như vậy nhưng hành vi vi phạm tốc độ của tài xế kinh doanh vận tải được xác định qua thiết bị GSHT lại chưa được dùng để xử phạt hành chính mà chỉ dùng để phục vụ quản lý.
Đối tượng trực tiếp gây ra vi phạm là lái xe nhưng không bị xử lý, mà lại xử lý doanh nghiệp bằng hình thức thu hồi phù hiệu, giấy phép kinh doanh vận tải. Nhiều lái xe vẫn tiếp tục vi phạm.
Xem xét dùng dữ liệu thiết bị GSHT, camera để xử phạt
Là thành viên tổ soạn thảo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, ông Nguyễn Văn Quyền, nguyên Phó cục trưởng Cục Đường bộ VN cho biết, ý tưởng ban đầu đưa quy định sử dụng thiết bị GSHT vào Luật là để phục vụ công tác quản lý hoạt động vận tải, chưa có ý định là để phục vụ xử lý vi phạm hành chính.
“Muốn dùng dữ liệu từ thiết bị GSHT để xử lý vi phạm hành chính phải “gia cố” thêm các điều kiện. Tuy đã có Quy chuẩn nhưng theo quy định, để dữ liệu có đủ cơ sở xử phạt, thiết bị phải được kiểm tra định kỳ về Tiêu chuẩn đo lường chất lượng”, ông Quyền nói.
Trong khi đó, đại diện Cục CSGT cho hay mong muốn sử dụng dữ liệu này để phục vụ xử lý vi phạm hành chính, khai thác hiệu quả thiết bị GSHT.
Theo thống kê qua hệ thống, hành vi vi phạm tốc độ của xe kinh doanh vận tải rất lớn nhưng để xử phạt được cần nhiều nội dung khác phải tính đến.
Bộ Công an đang xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 35 về sử dụng trang thiết bị phương tiện nghiệp vụ, hiện đã bổ sung quy định được sử dụng dữ liệu thu được từ thiết bị GSHT, camera để làm tài liệu chứng cứ trực tiếp phục vụ xử phạt”, vị đại diện Cục CSGT cho hay.
Kết nối trực tuyến dữ liệu để xử phạt
Ông Đỗ Công Thủy, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cho biết, trong Đề án ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành đường bộ, Cục sẽ xây dựng hệ thống dữ liệu mới.
Hệ thống này có tính chất tổng hợp tất cả các dữ liệu từ thiết bị GSHT, camera giám sát, dữ liệu hợp đồng vận chuyển, lệnh vận chuyển, giấy vận tải theo từng chuyến xe.
Hệ thống này cũng sẽ kết nối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ GTVT, hệ thống đăng kiểm, hệ thống Giấy phép lái xe.
Việc kết nối này sẽ giúp hiển thị, thống kê ra ngay các trường hợp vi phạm của từng xe và lái xe.
Còn với hệ thống GSHT hiện nay, đối với hành vi vi phạm thời gian lái xe liên tục, do không được kết nối với dữ liệu từ hệ thống GPLX nên mới chỉ biết được biển số xe.
Sau khi có kết nối với dữ liệu hệ thống GPLX sẽ biết được lái xe đó là ai, vi phạm ở đâu. Với các dữ liệu đó có thể nghiên cứu phục vụ xử phạt vi phạm hành chính.
“Tuy nhiên, để thực hiện được cần bàn thảo thêm, dữ liệu gì có thể sử dụng để xử phạt vi phạm hành chính. Ví dụ, vi phạm về tốc độ, dữ liệu từ thiết bị GSHT có sai số có được dùng để xử phạt hay không? Dữ liệu về thời gian lái xe liên tục qua thiết bị GPS tương đối chính xác thì có thể dùng để xử phạt ngay. Trong lần sửa Nghị định 10 lần này, Cục Đường bộ VN cũng xem xét đề xuất dùng dữ liệu về thời gian lái xe liên tục để xử phạt”, ông Thủy thông tin.
Cũng theo ông Thủy, Cục Đường bộ VN đang đề xuất sửa đổi Nghị định 10, Thông tư 09 và sửa Quy chuẩn thiết bị GSHT theo hướng bổ sung thêm một số nội dung về công nghệ mới cũng như kiểm định, kiểm chuẩn thiết bị để có thể dùng để xử lý vi phạm hành chính.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận