Chốt thời gian khắc phục sự cố
Theo Sở Giao thông vận tải Đắk Nông, sau khi phát hiện sụt lún tại đoạn Km 1900+350 - Km 1900+650 đường Hồ Chí Minh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các phương án cảnh giới, phân luồng, phân làn đảm bảo an toàn giao thông.
Đồng thời, Sở đã tổ chức khảo sát, đánh giá xác định nguyên nhân và đề xuất phương án xử lý mang tính lâu dài, ổn định, bảo đảm an toàn.
Sở GTVT đã phối hợp với Công ty Cổ phần BOT&BT Đức Long Đắk Nông (Nhà đầu tư BOT), các cơ quan chức năng và đơn vị liên quan kiểm tra hiện trường, thống nhất phương án phân làn, phân luồng, tổ chức giao thông đoạn qua địa bàn TP Gia Nghĩa nhằm đảm bảo an toàn trong khu vực sạt lở.
Qua theo dõi đến nay, việc tổ chức giao thông đã và đang đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, thông suốt, an toàn.
Ngày 21/9/2023, Sở GTVT đã đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định thành lập Tổ điều tra sự cố để giám định nguyên nhân sự cố.
Trên cơ sở đề xuất của Tổ giám định số 1314, Sở GTVT đã đề nghị Nhà đầu tư BOT tổ chức triển khai kiểm định nguyên nhân sự cố để phục vụ công tác giám định công trình.
Hiện nay, nhà đầu tư BOT đã hoàn thành công tác kiểm định, gửi báo cáo kết quả và Tổ giám định số 1314 đang thực hiện công tác giám định sự cố theo quy định.
Khi có kết quả giám định sự cố công trình, nhà đầu tư BOT sẽ tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư khắc phục sự cố từ nguồn thu phí của "Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14 đoạn Km817 - Km887 theo hợp đồng BOT".
Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư BOT sẽ tổ chức lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và thực hiện các bước tiếp theo theo quy định.
Dự kiến thời gian khởi công xây dựng công trình là 31/12/2024.
Đề xuất 3 phương án khắc phục
Theo ông Hà Sỹ Sơn, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Nông, hiện nay đơn vị chức năng tính toán 3 phương án xử lý, khắc phục sự cố sụt, lún.
Theo đó, trên cơ sở giả định về điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn, mức độ hư hỏng công trình và các yếu tố khác có liên quan, Nhà đầu tư BOT dự kiến sơ bộ có 3 phương án nhằm xử lý, khắc phục sự cố sụt, lún đường Hồ Chí Minh.
Phương án 1, xây dựng cầu cạn trên phạm vi mặt đường bị sụt lún, đối với phạm vi mặt đường còn lại đang ổn định thì giữ nguyên. Đồng thời, kết hợp cải tạo hệ thống thu gom nước mặt và xử lý bề mặt taluy nền đường.
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 193 tỷ đồng. Trong đó, phương án này phải thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) với kinh phí khoảng 14 tỷ đồng. Thời gian thi công dự kiến khoảng 12 tháng.
Phương án 2, cải tạo tuyến, dịch tim tuyến về phía bên phải vào trong khu vực ổn định (phía mỏ đá). Đồng thời, kết hợp cải tạo hệ thống thu gom nước mặt và xử lý một phần bề mặt ta luy nền đường.
Tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, trong đó kinh phí dành cho GPMB khoảng 85 tỷ đồng. thời gian thi công dự kiến khoảng 8 tháng.
Phương án 3, thiết kế kè chắn ta luy, kết hợp cải tạo bề mặt ta luy nền đường, cải tạo hệ thống thu gom nước mặt, khôi phục phạm vi công trình bị hư hỏng.
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 130 tỷ đồng, trong đó chi phí GPMB khoảng 27 tỷ đồng, thời gian thi công dự kiến khoảng 9 tháng.
Tuy nhiên, phương án xử lý, khắc phục chính thức và thời gian hoàn thành sẽ được xác định tại bước lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi.
Theo Sở GTVT Đắk Nông, về trình tự thủ tục để khắc phục sự cố rất phức tạp, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh xin ý kiến Bộ GTVT và đã được khẳng định trách nhiệm khắc phục, sửa chữa điểm sụt lở là của Nhà đầu tư BOT.
Hiện nay, nhà đầu tư đang triển khai trình tự các bước kiểm định, xác định nguyên nhân sụt trượt công trình.
Sau đó sẽ tiến đến bước thứ hai là đề xuất chủ trương, tổ chức lựa chọn nhà thầu, thuê tư vấn lập dự án để khắc phục sự cố. Cuối cùng mới đến bước tổ chức đấu thầu triển khai thi công dự án.
Như Báo Giao thông đưa tin, sáng 2/8, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài khiến đường Hồ Chí Minh, đoạn qua trung tâm TP Gia Nghĩa xuất hiện sụt lún, có vết nứt kéo dài phía bên bờ hồ Đại La. Cùng với đó, có dấu hiệu sạt lở cả quả đồi về phía taluy âm.
Đến ngày 5/8, khu vực sạt trượt đường Hồ Chí Minh tiếp tục đứt gãy lan rộng, sụt lún sâu từ 1 - 3m.
Tại vị trí phần làn đường gom, mặt đường bê tông nhựa xuất hiện ba vị trí nứt, đứt gãy, sạt lở với tổng chiều dài khoảng 140m.
Trong đó, vị trí xuất hiện vết nứt đầu tiên nặng nhất, hiện mặt đường bê tông nhựa bị nứt, đứt gãy và lún sâu từ 1 - 3m, chiều dài khoảng hơn 40m.
Một số vị trí xung quanh mặt đường bê tông nhựa xuất hiện vệt nứt bề rộng từ 5 - 30cm chiều dài khoảng hơn 51m.
Ngoài ra, tại phần làn đường chính, mặt đường bê tông nhựa xuất hiện các vệt nứt, lún với tổng chiều dài khoảng hơn 127m.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận