Mặt đường tiếp tục đứt gãy, sụt lún sâu
Ngày 5/8, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Quý, Phó giám đốc Công ty Cổ phần BOT & BT Đức Long Đắk Nông cho biết, tình hình sạt trượt tại Km 1900+350 đường Hồ Chí Minh (đoạn qua tổ 9, phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) tiếp tục diễn biến phức tạp.
Mặt đường tiếp tục đứt gãy lan rộng và sụt lún sâu từ 1-3m (Ảnh: N.H).
Đơn vị vừa có báo cáo nhanh đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng phối hợp nghiêm cấm người dân và phương tiện đi vào vị trí có nguy cơ sạt lở trên. Đồng thời, thực hiện nghiêm việc phân luồng, phân làn giao thông trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn TP Gia Nghĩa.
Theo ông Quý, vị trí có nguy cơ sạt trượt tiếp tục bị ảnh hưởng bởi mưa lớn kéo dài vào chiều 4/8, làm cho lượng nước tích tụ trong đất tiếp tục tăng lên. Đồng thời, khu vực nền đất có cấu trúc địa hình sườn dốc, mái taluy âm nên nguy cơ xảy ra sạt trượt rất cao.
“Giải pháp trước mắt, công ty tiếp tục bố trí nhân sự trực 24/24h, kiểm tra và theo dõi diễn biến vị trí có nguy cơ sạt trượt.
Về lâu dài, hiện công ty đã làm việc với Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam - Tedi South. Sáng 6/8, đơn vị tư vấn sẽ cử đoàn cán bộ kĩ thuật kiểm tra, khảo sát, đánh giá, xác định nguyên nhân và đề xuất các phương án mang tính lâu dài, ổn định”, ông Quý thông tin
Nguy cơ sạt trượt về phía taluy âm rất cao, hiện chính quyền địa phương đã di dời 16 hộ dân đến nơi an toàn (Ảnh: N.H).
Theo ghi nhận của PV, sáng 5/8, khu vực sạt trượt đường Hồ Chí Minh tiếp tục đứt gãy lan rộng, sụt lún sâu từ 1-3m. Tại vị trí phần làn đường gom, mặt đường bê tông nhựa xuất hiện ba vị trí nứt, đứt gãy, sạt lở với tổng chiều dài khoảng 140m.
Trong đó, vị trí xuất hiện vết nứt đầu tiên nặng nhất, hiện mặt đường bê tông nhựa bị nứt, đứt gãy và lún sâu từ 1-3m, chiều dài khoảng hơn 40m.
Một số vị trí xung quanh mặt đường bê tông nhựa xuất hiện vệt nứt bề rộng từ 5-30cm, chiều dài khoảng hơn 51m.
Ngoài ra, tại phần làn đường chính, mặt đường bê tông nhựa xuất hiện các vệt nứt, lún với tổng chiều dài khoảng hơn 127m.
Theo Chủ tịch UBND TP Gia Nghĩa Đỗ Tấn Sương, đường Hồ Chí Minh hiện sập trên 3m so với mặt đường cũ. Vết sập kéo dài, rộng và sâu hơn ngày 4/8 rất nhiều. Nguy cơ đứt gãy trong những ngày tới là rất cao.
Thành phố đã di dời 16 hộ dân ở vùng phía dưới điểm sạt lở và đang tuyên truyền để người dân khu vực biết, có biện pháp phòng chống.
Đảm bảo tính mạng của người dân là trên hết
Cùng ngày, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, thành phố Gia Nghĩa và các huyện Đắk Glong, Đắk Song, Tuy Đức về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) trên địa bàn tỉnh.
Ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông (bìa phải) và Phó chủ tịch Tôn Thị Ngọc Hạnh (bìa trái) cùng lãnh đạo Sở GTVT, TP Gia Nghĩa kiểm tra thực tế tình hình sạt lở tại Km 1900+350 đường Hồ Chí Minh (đoạn qua tổ 9, phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông), chỉ đạo công tác ứng phó (Ảnh: N.H).
Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các sở, ngành chức năng, các địa phương có xuất hiện vết nứt địa chất phối hợp với các nhà nghiên cứu địa chất chuyên sâu kiểm tra, xem xét và đánh giá, xác định nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục mang tính lâu dài, ổn định.
“UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung vào ba điểm có nguy cơ sạt trượt cao tại đường Hồ Chí Minh (đoạn qua phường Quảng Thành, TP Gia Nghĩa), tại bon Bu Krắk, xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức) và đập hồ chứa nước Đắk N’ting, xã Quảng Sơn (huyện Đắk Glong), với quan điểm an toàn tính mạng của người dân là trên hết.
Các đơn vị, địa phương phải tập trung rà soát, kịp thời di dời người dân ra khỏi nơi có nguy cơ, đến nơi an toàn. Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền về diễn biến, hiện trạng, phương án xử lý… tại các khu vực có nguy cơ sạt trượt”, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh
Lực lượng chức năng túc trực phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn giao thông qua khu vực sụt lún trên đường Hồ Chí Minh (Ảnh: N.H).
Theo thống kê của UBND tỉnh Đắk Nông, từ 28/7 đến 8h ngày 5/8, mưa lũ đã làm hai người chết (do nước cuốn trôi), làm ngập, ảnh hưởng 147 căn nhà, 9 phòng trọ, làm ngập úng khoảng 645,9ha cây trồng các loại và khoảng 215ha thủy sản và 135 ao hồ của người dân bị ngập, cá tràn bờ.
Các địa phương đã phải thực hiện di dời 116 hộ dân tại các điểm bị sạt lở đến nơi an toàn. Ngoài ra, mưa lũ cũng đã làm hư hỏng và ảnh hưởng đến một số công trình hạ tầng trên địa bàn tỉnh.
Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận hiện trường đứt gãy, sụt lún trên đường Hồ Chí Minh qua TP Gia Nghĩa:
Vị trí mặt đường đầu tiên phát hiện vết nứt đã đứt gãy đôi (Ảnh: N.H).
Vị trí sụt trượt tiếp tục diễn biến khó lường, nguy cơ sạt lở về phía taluy âm cao (Ảnh: N.H).
Hiện, toàn bộ 16 hộ dân sinh sống phía dưới taluy âm đã được di dời đến nơi an toàn.
Hiện tượng sụt lún tiếp tục lan rộng sang cả phần đường chính (Ảnh: N.H).
Hiện, giao thông qua khu vực bị cấm hoàn toàn, các phương tiện được phân luồng di chuyển qua đường tránh TP Gia Nghĩa (Ảnh: N.H).
Vết nứt chưa dừng lại, tiếp tục lan rộng (Ảnh: N.H).
Nhà đầu tư đang thuê đơn vị tư vấn độc lập để khảo sát, đánh giá toàn bộ địa chất khu vực sụt lún để đưa ra giải pháp khắc phục (Ảnh: N.H).
UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các đơn vị, địa phương phải tập trung rà soát, kịp thời di dời người dân ra khỏi nơi có nguy cơ, đến nơi an toàn với quan điểm an toàn tính mạng của người dân là trên hết (Ảnh: N.H).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận