Theo phản ánh của người dân, thời gian qua, trên tuyến Tỉnh lộ 1 (đoạn qua địa bàn huyện Ea Súp, Đắk Lắk) nhiều xe tải chở mía cồng kềnh, có dấu hiệu quá khổ quá tải gây mất ATGT và ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông.
Xe mía ì ạch bò trên Tỉnh lộ 1 (đoạn qua trung tâm thị trấn Ea Súp). Ảnh: Ngọc Hùng
Theo ghi nhận từ ngày 23/2, PV có mặt trên tuyến Tỉnh lộ 1, tại thị trấn Ea Súp, nhiều xe tải biển số tỉnh Phú Yên, Đắk Lắk và biển số Lào chở mía cồng kềnh, vượt quá chiều cao và chiều dài thùng xe, ì ạch lưu thông theo hướng huyện Buôn Đôn - Ea Súp để về Nhà máy Mía đường Đắk Lắk (tại xã Ea Tờ Mốt, huyện Ea Súp).
Quá trình di chuyển trên những đoạn đường chưa được nâng cấp, sửa chữa, bụi theo lốp xe cuốn lên mù mịt. Mỗi lần qua "ổ voi ổ gà", chiếc xe rung rinh nghiêng ngả, gây bất an cho người đi đường.
>>> Video: Xe mía cồng kềnh, có dấu hiệu quá khổ quá tải tung hoành ở Đắk Lắk.
Được biết, tuyến Tỉnh lộ 1 vừa được nhà nước đầu tư sau hàng chục năm người dân phải sống trong cảnh “nắng bụi, mưa lầy”, nên nhìn dàn xe chở mía cồng kềnh quần thảo trên đường mà xót xa.
Người dân lo lắng đường sẽ nhanh chóng xuống cấp nên mong muốn các ngành chức năng có giải pháp, kiểm tra xử lý để bảo vệ con đường.
Xe mía cồng kềnh có dấu hiệu quá khổ, quá tải. Ảnh: Ngọc Hùng
Ông Nguyễn Bá Thành, Tổng giám đốc Công ty mía đường Đắk Lắk cho biết, hàng năm đơn vị đều có cam kết với tài xế, chủ xe phải chấp hành nghiêm quy định không chở hàng quá khổ quá tải, xe đi phủ bạt đầy đủ.
“Các xe không phải chở quá tải đâu, do cây mía cồng kềnh có một vài cây nhô lên thì nhìn thấy như vậy.
Nhìn vậy chứ tuyệt đối không quá tải. Việc này hàng năm công an huyện cũng đã vào làm việc, quán triệt hết rồi”, ông Thành khẳng định.
Điểm đến cuối của các xe tại Nhà máy mía đường Đắk Lắk (xã Ea Tờ Mốt, huyện Ea Súp). Ảnh: Ngọc Hùng
Theo một lãnh đạo Công an huyện Ea Súp, công tác xử lý xe quá khổ quá tải trên địa bàn luôn được thường xuyên chỉ đạo. Đối với thông tin phản ánh về xe mía, công an huyện sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý và có số liệu phản hồi lại cho báo chí.
Theo ông Bùi Văn Ngọc, Chánh văn Ban ATGT tỉnh Đắk Lắk, hàng năm trong kế hoạch chung Ban ATGT tỉnh đều chỉ đạo kiểm soát tải trọng phương tiện. Sau đó, tùy theo chức năng nhiệm vụ của mỗi ngành, mỗi cơ quan đơn vị (Công an tỉnh, TTGT) triển khai thực hiện, để đảm bảo trật tự ATGT, ngăn chặn và phòng ngừa tai nạn trên địa bàn. Đối với thông tin phản ánh về tình trạng xe mía, Ban ATGT sẽ trao đổi lại với lực lượng chức năng có kế hoạch tăng cường, tuần tra xử lý.
Xe mía ì ạch lưu thông, xả khói đen ngòm. Ảnh: Ngọc Hùng
Theo Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến Tỉnh lộ 1 từ Km 49+00 đến Km 67+00 gồm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 đã đầu tư 40 tỷ đồng, giai đoạn 2 đang được đầu tư 85,7740 tỷ đồng.
Hiện nay, từ Km 46 đến Km 67 mặt đường cơ bản đã hoàn thành, dự kiến bàn giao vào đầu quý II/2022. Riêng dự án Làng Thanh niên lập nghiệp (từ Km 67 đến Km 79 thuộc Tỉnh lộ 1 kéo dài) đã bàn giao đưa vào sử dụng tháng 12/2021.
Một số hình ảnh PV ghi nhận trong quá trình thực tế trên TL1:
Những chiếc xe biển số Lào chở mía cao ngút, trở thành nỗi ám ảnh của người đi đường trên Tỉnh lộ 1. Ảnh: Ngọc Hùng
Mía chất trên xe lùm lùm che khuất tầm nhìn, người đi phía sau không còn thấy thùng xe, biển số. Ảnh: Ngọc Hùng
Khi xe đi qua đoạn đường chưa được nâng cấp, sửa chữa, bụi theo lốp xe cuốn lên mù mịt. Ảnh: Ngọc Hùng
Người dân lo lắng, tình trạng xe tải chở mía quá khổ quá tải quần thảo ngày đêm sẽ cày nát tuyến đường bê tông vừa được đầu tư, nâng cấp. Ảnh: Ngọc Hùng
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận