Những ngày gần đây, di chuyển trên nhiều tuyến phố Hà Nội sau nới lỏng giãn cách xã hội, người tham gia giao thông không khỏi lo lắng bởi nguy cơ mất ATGT, khuất tầm nhìn do tình trạng xe tự chế chở hàng cồng kềnh tái diễn trở lại.
Đơn cử, sáng 29/9, ghi nhận của PV Báo Giao thông trên tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long hướng đi trung tâm thành phố liên tục xuất hiện những chiếc xe tự chế chở hàng cồng kềnh vô tư chiếm đường.
Chiếc xe tự chế chở theo nhiều tấm sắt dài đã hàn thành hình gây mất ATGT trên đường Trần Duy Hưng
Anh Nguyễn Văn Đoài (ở Hà Đông, Hà Nội) cho biết, di chuyển sau những chiếc xe như thế này rất sợ và ức chế bởi họ chở toàn vật sắc nhọn, cồng kềnh chiếm phần lớn lòng đường.
“Có hôm đi làm về, may mà đi chậm và phanh gấp chứ không thì khó tránh khỏi tai nạn do sự cẩu thả từ lái xe tự chế lưu thông phía trước”, anh Đoài kể.
Cách đó không xa, trên đường Trần Duy Hưng cũng xuất hiện chiếc xe tự chế chở theo nhiều tấm sắt dài đã hàn thành hình lưu thông trong làn đường giữa.
Quá trình di chuyển, chiếc xe này chiếm diện tích mặt đường như chiếc xe tải 2,5 tấn do cơi nới thêm nhiều hàng hóa.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thạch, nguyên Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho rằng, việc chở theo hàng hóa có kích thước quá khổ sẽ khiến khả năng quan sát đường của lái xe và những người tham gia giao thông khác bị hạn chế.
Người chở hàng rất dễ bị mất lái, khó có thể xử lý kịp thời những tình huống phát sinh trên đường, gây nguy hiểm không chỉ cho chính bản thân họ mà còn những người đi đường khác.
Theo ông Thạch, Nghị định 100 đã có những quy định cụ thể về việc xử phạt đối với hành vi sử dụng xe tự chế chở hàng cồng kềnh. Vì vậy, để dẹp bỏ các loại xe này lưu thông trên đường, rất cần lực lượng chức năng tăng cường xử lý nghiêm.
Tại điểm k, khoản 3, điều 6, Nghị định số 100 quy định: Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, người điều khiển xe hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; người được chở trên xe đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận