Một xe tải bị sập bánh ngay trên cầu do gẫy ván gỗ |
Con đường “độc đạo” của xe quá tải
Khi PV báo Giao thông có mặt tại cầu suối Nước Đục, hàng chục xe quá tải vẫn đang hì hục qua cầu. Lúc này, chiếc xe chở cát BKS: 47K- 9833 rồ ga đặt bánh lên cầu khiến cầu rung chuyển dữ dội, mặt cầu bong lên theo bánh xe, ván nhảy xếp chồng lên nhau, nhiều tấm bị gãy rơi xuống nước.
Khi tài xế đưa xe gần qua bờ, bất ngờ ván cầu gẫy, một bánh xe sụp xuống khiến xe chao đảo, bị “kẹt” lại. Tài xế đã dùng dây xích, lót ván, nhờ xe khác lôi lên. Cùng lúc này, hai đầu cầu, rất nhiều xe cát, xe tải hàng, xe máy đang chờ qua cầu xếp thành hàng dài khiến cho giao thông bị tắc ngẽn hơn 3 giờ.
Trong lúc chờ qua cầu, một tài xế cho biết, để tránh lực lượng CSGT và tiết kiệm 11km đường đi, thay vì chạy ra km 47 (Quốc lộ 26) về huyện Krông Pắk, anh ta cho xe chạy qua trung tâm xã Vụ Bổn rẽ trái, lên cầu Nước Đục để chạy ra km 38 gần hơn.
“Mỗi lượt chạy, chủ xe nhận được 1.500.000 đồng (nếu chở 10 m3), trừ chi phí tiền chủ xe lãi 500 ngàn. Nếu ra Quốc lộ, bị CSGT chặn lập biên bản, nếu không bị lập biên bản cũng không có lời”, tài xế phân bua.
Được biết, cầu tạm được xây dựng tháng 7/2007 với tổng mức phê duyệt hơn 760 triệu đồng. Cầu có chiều dài 24m (gồm 2 nhịp), rộng 6m, được cố định bởi 5 dằm sắt, mặt cầu lót ván. Trước đó, năm 2005 cây cầu chính suối Nước Đục được làm kiên cố nhưng bị xe đầu kéo chở quá tải qua làm gãy sụp. Sau đó, đơn vị này đã tự bỏ kinh phí khắc phục sự cố. Đến năm 2007, cầu tiếp tục gãy do xe cát 47K-9106 chở quá tải đi qua.
Chiếc cầu gỗ rung lên khi xe tải đi qua |
Ông Nguyễn Văn Đông (60 tuổi, ở xã Vụ Bổn) bức xúc nói: “Cầu tạm nhưng xe chở cát, chở gạch quá tải cứ chạy ầm ầm khiến mặt cầu bị “băm nát”. Mỗi lần xe chạy qua mặt cầu bị bong tróc, ván bật lên gãy đôi để lại nhiều lỗ hỏng gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. Xe to ở đâu thì qua lại ầm ầm, còn chúng tôi người dân ở đây thì khốn khó, muốn đi bộ qua cầu phải bám víu vào nhau. Xe máy muốn qua phải dẫn bộ và có người kê ván, “nhấc đít” mới qua được”.
Sau hai lần gãy cầu vì xe quá tải, người dân đã dùng gỗ lát mặt đường để đi lại. Tuy nhiên, mỗi ngày cầu tạm phải “gồng mình” cho hàng trăm xe chở cát, đất đi qua khiến cây cầu có nguy cơ gãy sập, nguy hiểm luôn rình rập bất cứ lúc nào.
Những chiếc công nông yên tâm hơn khi qua cầu tạm vì xe tải còn đi được huống hồ mình, một tài xế cho biết |
Dân run rẩy đi trên "cầu tử thần"
Có mặt tại cầu Suối Nước Đục, chúng tôi mới thấy hết được nổi khổ mà người dân vùng sâu, vùng xa phải gánh chịu. Nhiều năm qua, chiếc cầu gỗ tạm bợ chông chênh trở thành nỗi ám ảnh của những người dân nghèo khi đi qua đây.
Ông Nguyễn Văn Khoảng (48 tuổi, xã Ea Quăng) giọng buồn rầu, than thở: “Phải “liều mình” thôi chú ơi! Ruộng, rẫy nhà tôi ở bên kia bờ, không qua canh tác thì đói. Cứ mỗi lần qua dẫn xe phải nín thở, còn phụ nữ thì không dám qua cầu một mình vì sợ. Mỗi lần, mưa lũ nước mấp mé chân cầu, mặt cầu trơn trợt lắm đi không cẩn thận rất nguy hiểm.
Người dân hoảng sợ phải dắt xe quan cầu |
Em Lê Thị Ngọc Thanh (lớp 10B10, trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm) chia sẻ: “Mỗi lần đi học qua cầu em rất sợ, rồi những lúc xe cát bị “kẹt” ở giữa cầu em không đi được, em bị trễ rồi phải nghỉ học. Chưa kể, lúc xe chạy bụi bay mù mịt, đến trường áo trắng trở thành áo vàng”.
Nhiều năm qua, người dân hai xã Ea Wuăng và Vụ Bổn đã bất chấp mạng sống qua cầu. Cứ một lần đặt chân lên chiếc cầu là họ như đang đánh cược tính mạng mình trước lưỡi hái của “tử thần”. Chỉ một phút bất cẩn là họ có thể bị rơi xuống sông bất kể lúc nào. Hiện cầu Nước Đục đang bị xuống cấp trầm trọng, dầm sắt đã bị hoen rỉ, mặt cầu được lót bằng những tấm gỗ đã mục rỗng, nhiều chỗ đã bị gãy có thể nhìn thấy mặt nước chảy. Cộng với lượng xe cát quá tải đã làm cầu tạm xuống cấp nghiêm trọng, tuyến đường dẫn vào cầu đã bị “cày nát”. Một người dân ngao ngán, nói: "Chỉ người dân chúng tôi sợ hãi khi qua cầu chứ lái xe tải qua đây có ai sợ. Chả lẽ phải đợi đến khi nào, cầu sập hoàn toàn, xảy ra tai nạn chết người thì mới có cầu mới an toàn để đi".
Đầu tư 900 triệu đồng xây lại cầu Ông Lê Viết Nhựng, Chủ tịch xã Vụ Bổn, cho biết: Trong địa bàn xã có 4 bến cán, 15 lò gạch, một ngày có đến hàng chục xe tải chở vật liệu xây dựng đi qua cầu này. Nhiều người dân bức xúc ý kiến trong các buổi họp Hội đồng nhân dân xã. Chính xã cũng đã có 2 lần bỏ kinh phí ra để sửa lại cầu. Lần gần đây là trước Tết âm lịch 2015, xã phải mua 5m3 gỗ để làm lại mặt cầu. Theo tư liệu của Phòng Hạ tầng cơ sở huyện Krông Pắk, cầu có chiều dài 24m, có 2 nhịp, Huyện đã có quyết định trong năm 2015 xây lại với tổng đầu tư 900 triệu đồng. Tuy cầu có tải trọng 5 tấn, nhưng hàng có những xe tải đến 15 tấn chỏ đầy gạch, cát thường xuyên đi qua đây. Người dân cho rằng việc huyện đầu tư có 900 triệu đồng xây lại cầu thì cũng chỉ là giải pháp tậm thời mà thôi. Theo sở GTVT tỉnh Đắk Lắkk, tỉnh Đắk Lắk được Bộ Giao thông vận tải ưu tiên đầu tư, xây dựng 9 cầu dân sinh thuộc (giai đoạn 1) tại các thôn, buôn, các xã vùng sâu, đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí dự kiến hơn 60 tỷ đồng. Và sẽ được đưa vào sử dụng từ tháng 6 năm 2015. Theo ông Lê Xuân Vinh, Trưởng phòng quản lý giao thông, Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk, trong giai đoạn 2, Sở đã trình bộ GTVT (305 cầu) cần được xây dựng. Tỉnh đã được Bộ GTVT phê duyệt xây 16 cầu ở địa bàn các xã vùng sâu, (giao cho Sở rà soát). Cầu Suối Nước Đục (nối hai xã Ea Wuăng và xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk) mà báo phản ánh không thuộc tiêu chí cần đầu tư cầu dân sinh nên không đưa vào khảo sát để xây dựng. Được biết cầu Suối nước đục nằm trong dự án làm đường từ xã Ea Wuăng đi trung tâm xã Ea Uy (Krông Pắk) với nguồn vốn đầu tư hơn 8 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên huyện Krông Pắk chủ động tách riêng cầu Suối Nước Đục xây dựng trước với kinh phí phê duyệt hơn 900 triệu, để giúp người dân lưu thông an toàn. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận