Sáng 27/7, Ban ATGT TP. Đà Nẵng tổ chức Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT 6 tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm.
Quang cảnh hội nghị
TNGT do chủ quan, tài xế yếu
Báo cáo của Ban ATGT TP. Đà Nẵng cho hay, 6 tháng đầu năm trên địa bàn thành phố xảy ra 51 vụ TNGT làm 36 người chết, 35 người bị thương. So với cùng kỳ tăng 20 vụ, tăng 15 người chết và 16 người bị thương.
Trong đó, riêng địa bàn huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu có số vụ TNGT tăng cao nhất.
Theo Ban ATGT, sau khi kiểm soát tình hình dịch Covid-19, lưu lượng phương tiện cá nhân ngày càng gia tăng, do đó dẫn đến các nguy cơ gây tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông cục bộ; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ người tham gia giao thông còn hạn chế, tình trạng công nhân, học sinh, sinh viên vi phạm TTATGT ngày càng nhiều; đối tượng giao hàng công nghệ, xe ôm công nghệ sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện, vượt đèn đỏ vẫn tiếp diễn...
Ông Bùi Hồng Trung, Phó giám đốc Phụ trách Sở GTVT, Phó ban ATGT TP. Đà Nẵng phát biểu tại hội nghị
Trung tá Phạm Hồng Hải, Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP. Đà Nẵng cho biết, so với mặt bằng chung cả nước thì TNGT của thành phố vẫn ở mức thấp, đặc biệt không có TNGT nghiêm trọng, không có TNGT đường sắt, đường thủy nội địa.
Trung tá Hải cho biết thêm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng TNGT tăng cả 3 tiêu chí. Trước tiên là tăng trưởng sự trở lại của hoạt động du lịch cũng gây áp lực lên hạ tầng giao thông, dẫn tới ùn tắc, tình hình giao thông phức tạp hơn.
"TNGT mang tính chất chủ quan, gần 2/3 vụ TNGT xảy ra chủ yếu ở các tuyến đường vắng, do người điều khiển phương tiện vi phạm tốc độ", Trung tá Hải nói.
Phó trưởng Phòng CSGT Đà Nẵng nhận định, các vụ TNGT ở các tuyến đường ùn tắc thường là do người điều khiển phương tiện giao thông không có kỹ năng, chủ yếu là người mới có GPLX. Kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng quan sát không đảm bảo…
Ông Trần Lành, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP. Đà Nẵng đề nghị có sự phối hợp giữa TTGT và các lực lượng công an khi kiểm tra tải trọng xe ngoài giờ hành chính
Theo Trung tá Hải, sau thời gian dài hạn chế đi lại do dịch, người dân quay trở lại guồng sinh hoạt, làm việc thì việc tổ chức họp mặt, hội họp sử dụng rượu bia… diễn ra rất nhiều. Ở một số địa bàn đường sá bị hư hỏng nhưng từ thời điểm kiến nghị đến lúc sửa chữa rất lâu, cũng là nguyên nhân dẫn đến TNGT.
"51 vụ TNGT toàn thành phố trong 6 tháng đầu năm chủ yếu xảy ra trong khung giờ từ 18-22h. Độ tuổi liên quan đến các vụ TNGT hầu hết là trong độ tuổi lao động", ông Hải nói.
Đẩy mạnh tuần tra, xử nghiêm vi phạm TTATGT
Tại hội nghị, ông Trần Lành, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP. Đà Nẵng cho biết, từ ngày 1/1/2022 đến nay, lực lượng TTGT phối hợp các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý hơn 2.000 trường hợp vi phạm TTATGT.
Trong 6 cuối năm, Thanh tra Sở tiếp tục triển khai các Đội Thanh tra đường bộ tuần tra, kiểm soát, xử lý các xe quá tải trọng đi đường vòng tránh Trạm KTTTXLĐ và các xe chở quá tải trọng hoạt động trên địa bàn thành phố, xác định nội dung công tác tuyên truyền và kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về tải trọng phương tiện phải được tiến hành thường xuyên sau khi kết thúc đợt cao điểm; tăng cường sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để thu thập chứng cứ, xác định hành vi vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính về cơi nới thành thùng hàng....
Hiện trường vụ TNGT tại Đà Nẵng mới đây
Ông Lành cũng đề nghị cần có sự phối hợp giữa Công an thành phố, lực lượng chức năng các quận, huyện và TTGT ngoài giờ hành chính để đạt hiệu quả tốt nhất trong việc kiểm soát tải trọng xe, đảm bảo kết cấu hạ tầng đường sá, đảm bảo ATGT.
Ông Bùi Hồng Trung, Phó giám đốc phụ trách Sở GTVT, Phó trưởng Ban ATGT TP.Đà Nẵng cho hay, đối tượng vi phạm TNGT nhiều nhất là xe máy, hệ thống camera của thành phố bắt lỗi được hết các xe máy vi phạm nhưng hầu hết chỉ tập trung vào xử lý ô tô, chưa xử lý xe máy do còn nhiều vướng mắc trong việc mua, bán xe…
Theo ông Trung, cần xử lý vài trường hợp xe máy vi phạm giao thông qua hệ thống camera để tăng tính răng đe.
Ông Trung cũng đề nghị Phòng CSGT cùng các cơ quan chức năng thống kê các trường hợp gây TNGT liên quan đến người mới được cấp GPLX, từ đó có cơ sở làm việc với các cơ sở đào tạo lái xe, chấn chỉnh công tác đào tạo.
Trung tá Phạm Hồng Hải, Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP. Đà Nẵng chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT
Ông Trung đề nghị các quận, huyện, các ngành chức năng liên quan đẩy mạnh tuyên truyền TTATGT, rà soát những bất cập trong công tác đảm bảo trật tự ATGT, những vị trí tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc, nguy cơ TNGT để có giải pháp tối ưu, góp phần kéo giảm TNGT trong 6 tháng cuối năm 2022.
Phó giám đốc Phụ trách Sở GTVT TP. Đà Nẵng cũng đề nghị các lực lượng chức năng đẩy mạnh TTKS xử lý các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT như: vi phạm nồng độ cồn, vượt đèn đỏ, lạng lách đánh võng, chở hàng quá tải trọng…
Đồng thời, đẩy mạnh việc TTKS và điều chỉnh đối tượng tuyên truyền. Không tuyên truyền đại trà mà tập trung vào các đối tượng là người thường xuyên tham gia giao thông, thanh thiếu niên…
Theo Ban ATGT TP. Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng CSGT toàn thành phố đã phát hiện, lập biên bản 29.614 trường hợp vi phạm TTATGT. Ra quyết định xử phạt 26.217 trường hợp. Thu nộp ngân sách Nhà nước 34,971 tỷ đồng.
Hệ thống Camera giám sát từ ngày 15/12/2021 đến 14/6/202 đã phát hiện, gửi thông báo 7.453 trường hợp vi phạm, lập biên bản VPHC 5.432 trường hợp, chuyển kho bạc Nhà nước 14,2 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe có thời hạn 2.606 trường hợp.
Riêng Thanh tra Sở GTVT thành phố phối hợp các lực lượng chức năng xử phạt 2.172 trường hợp vi phạm, chuyển kho bạc Nhà nước gần 3,5 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận