Gần 40 năm qua, ông Diệp Bảo Hồng tham gia cấp cứu hàng trăm trường hợp TNGT |
Hàng chục năm tận tụy với công tác hỗ trợ, ứng cứu nạn nhân TNGT, ông Diệp Bảo Hồng (67 tuổi, trú tại đường Lê Hồng Phong, Quy Nhơn, Bình Định) tâm niệm chỉ mong vơi bớt nỗi ám ảnh từng chứng kiến người thân tử vong vì TNGT.
Ông Hồng nhìn trẻ hơn so với tuổi gần thất thập. Hàng ngày, ông vẫn đều đặn cáng đáng chức vụ Phó ban Bảo vệ dân phố phường Lê Hồng Phong; Chiều chiều tất bật kiểm tra tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi buôn bán. Lúc rảnh, ông tranh thủ phụ vợ trông coi quán cà phê nhỏ. Đặc biệt, lúc nào trên tay ông Hồng giữ khư khư chiếc điện thoại, vội nghe mỗi khi có chuông đổ. “Không biết lạ hay quen nhưng thành phản xạ rồi, cứ có điện thoại là ông vội nghe, chỉ sợ có TNGT xảy ra không đến giúp kịp”, bà Nguyễn Thị Kim Anh (vợ ông Hồng) chia sẻ.
“Bao năm nay, người dân trên địa bàn quen với hình ảnh ông Hồng xuất hiện ở hầu khắp những nơi xảy ra TNGT để tham gia sơ cứu nạn nhân, đưa nạn nhân cấp cứu, bảo vệ hiện trường và sẵn sàng làm những việc mà không ai ở đám đông hiếu kỳ dám thực hiện. Ông Hồng kể rành rọt: Để xử lý tốt tình huống TNGT, bảo vệ hiện trường cần phải có kỹ năng và kinh nghiệm. Một vụ TNGT có nhiều người bị thương thì phải xác định những người nào bị thương nặng, khả năng nguy hiểm đến tính mạng để cân nhắc cấp cứu phù hợp”.
Cuối năm 2015, trên đường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn) xảy ra vụ TNGT giữa hai xe máy. Một thanh niên tên Trung điều khiển xe máy đâm vào một phụ nữ đang chở hai cháu nhỏ. Sau khi xảy ra tai nạn, ông Hồng cùng người người dân đưa người phụ nữ và hai cháu nhỏ đến bệnh viện. Riêng anh Trung bị đập đầu xuống đường nằm bất động nên người đi đường tưởng đã chết. Bằng kinh nghiệm, ông Hồng sờ vào động mạch ở cổ thì thấy vẫn còn đập nên gọi taxi chở anh Trung đến bệnh viện cấp cứu. Nhờ đó, anh Trung giữ được tính mạng.
Mới đây, trên đường chở vợ đến xã Hoài Đức (huyện Hoài Nhơn, Bình Định), ông Hồng phát hiện chiếc container lật nhào khiến bốn người kẹt cứng trong cabin lúc trời nhá nhem tối. Việc bận nhưng ông Hồng quyết dừng xe, gọi người dân cậy cửa xe cứu người và báo tin cho cơ quan công an về vụ tai nạn.
Không chỉ tận tình đưa người bị nạn đi cấp cứu kịp thời, ông Hồng chẳng nề hà việc hiến máu cứu người. Cách đây bốn năm, trong lúc đi công việc đi ngang huyện Phù Mỹ, ông Hồng hỗ trợ, đưa người phụ nữ bị TNGT vào Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ cấp cứu. Tình thế nguy kịch do nạn nhân mất nhiều máu mà bệnh viện khi đó lại thiếu máu dự trữ. Không chờ bác sĩ hỏi, ông Hồng tự nguyện đăng ký hiến máu, góp phần cứu sống nạn nhân. “Lúc đó cấp bách, tôi chỉ nghĩ đến cứu người càng nhanh càng tốt. Nó như cái nghiệp vậy”, ông Hồng nói.
Vác tù và hàng tổng
Từng theo học Luật ở Sài Gòn nhưng năm 1976, ông Hồng quyết định tham gia đội thanh niên xung phong tại TP Quy Nhơn, rồi đảm trách chức vụ Đại đội trưởng đắp đê Đông Định (Quy Nhơn) và làm đường, trồng cây tại Tân Vinh (huyện Vân Canh, Bình Định). Ông có 3 người con, trong đó một người bị liệt. Phải chật vật mưu sinh nhưng ông Hồng vẫn gắn bó với công việc “vác tù và hàng tổng” suốt 40 năm qua.
“Tôi bị ám ảnh khi chứng kiến người chị ruột qua đời vì TNGT năm 1978 để lại ba đứa con thơ, cháu lớn nhất lúc đó mới 10 tuổi. Chị ra đi trong đau đớn trong khi người ở lại chịu đủ sự mất mát. Nỗi đau này cứ ám ảnh, day dứt tôi khiến tôi luôn dặn lòng mình phải làm gì đó để có thể giảm thiểu thiệt hại, thương vong do TNGT”, ông Hồng bộc bạch.
Chẳng thể kể hết đến nay đã bao nhiều người được ông Hồng cứu sống, ông bảo việc này vui có, buồn cũng có, thậm chí nhiều lúc bị “vạ lây, mắc oan” nhưng mình làm vì cái tâm nên luôn tận tụy. Có lần đưa nạn nhân đi cấp cứu, người nhà nạn nhân đến thấy ông Hồng dính máu đứng bên phòng cấp cứu tưởng ông gây tai nạn nên túm cổ áo dọa đánh. Khi biết chuyện, họ vội xin lỗi và hết lời cảm ơn ông.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh tâm sự, nhiều lúc quán đông khách, bà làm không xuể, vậy mà ông nghe điện thoại có tai nạn là bỏ hết để đi. “Lúc đầu cả nhà cũng trách móc nhưng thấy ông cứ lăn xả vào làm thì cũng thấu hiểu và động viên ông làm việc thiện tích đức cho con cháu”, bà Kim Anh nói.
Ông Hồng là một tấm gương điển hình người tốt, việc tốt. Bất cứ lúc nào biết có TNGT là ông Hồng có mặt tổ chức cấp cứu nạn nhân, đánh dấu, bảo vệ hiện trường. Khi lực lượng Công an có mặt thì ông Hồng cung cấp thông tin chính xác. Thống kê chỉ riêng từ giữa năm 2015 đến nay, ông Hồng trực tiếp tham gia cấp cứu 5 trường hợp TNGT nghiêm trọng. Trung tá Nguyễn Tùng Tam, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Quy Nhơn Sự đóng góp thầm lặng của ông Hồng có ý nghĩa rất lớn, nhờ sự chu đáo, tận tình của ông Hồng mà nhiều nạn nhân TNGT thoát khỏi tử thần. Ông Hồng là tấm gương sáng cần được nhân rộng. Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Bình Định |
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận